Tư vấn tuyển sinh 2019: Đăng ký xét tuyển nguyện vọng như thế nào cho đúng?

(Dân trí) - Được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng? sắp xếp nguyện vọng như thế nào để dễ trúng tuyển? Trường ĐH Hà Nội xét tuyển thẳng cho các học sinh lớp chuyên, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nếu xét như vậy thì có phải đăng ký xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT nữa không?

Đó là các thắc mắc của thí sinh trong xét tuyển đại học năm 2019. Các chuyên gia của Trường Đại học Hà Nội trả lời các câu hỏi trên của thí sinh.

Tư vấn tuyển sinh 2019: Đăng ký xét tuyển nguyện vọng như thế nào cho đúng? - 1

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh của trường ĐH Hà Nội trả lời các thắc mắc của thí sinh

Thí sinh hỏi: Em  được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển đại học? Khi xét nguyện  vọng 2, thì điểm phải cao hơn nguyện vọng 1 đúng không?

TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Hà Nội:

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm nay của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Đối với mỗi thí sinh, nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn

Điểm xét tuyển của nguyện vọng 2 không cần phải cao hơn nguyện vọng 1 (thí sinh không nên nhầm lẫn Nguyện vọng xét tuyển với Đợt xét tuyển). Một số trường khi không tuyển sinh đủ trong đợt 1 thì có thể tổ chức xét tuyển đợt 2. Với đợt 2 thì điểm trúng tuyển của một ngành phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt 1 của chính ngành đó.

Theo quy chế tuyển sinh đại học, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng với số lượng không hạn chế. Tuy nhiên việc sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng lại ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xét tuyển. Vậy thầy có lời khuyên gì đối với chúng em trong việc sắp xếp nguyện vọng xét tuyển?

TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Hà Nội:

Từ ngày 01-20/4, học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp THPTQG và xét tuyển vào đại học. Sau khi biết điểm thi (ngày 14/7), thí sinh hãy phân tích phổ điểm, so sánh kết quả của năm nay so với các năm trước, và tiến hành khẳng định, thay đổi thứ tự hoặc bổ sung nguyện vọng từ ngày 22 đến 29/7. Thí sinh có thể tham khảo bảng sau:

GỢI Ý CÁCH SẮP XẾP THỨ TỰ NGUYỆN VỌNG

Từ 01 đến 20/4/2019

 

Từ ngày 22 đến 29/7/2019

Nhóm 1

1-2 ngành rất thích học

 

Tình huống 1: Kết quả thi rất cao.

Sắp xếp nguyện vọng 1, 2 là ngành mình thích học, nhưng KHÔNG NÊN chỉ chọn một ngành để tránh rủi ro.

Nhóm 2

1-2 ngành tiếp theo có điểm chuẩn các năm trước bằng thực lực của mình

 

Tình huống 2: Kết quả thi bằng hoặc gần bằng điểm chuẩn các năm trước của ngành đã chọn/bổ sung

Nhóm 1: vẫn sắp xếp NV 1, 2 là ngành mình rất thích học, dù điểm chuẩn các năm trước cao hơn điểm thi;

Nhóm 2: sắp xếp 1, 2 ngành tiếp theo có điểm chuẩn các năm trước bằng hoặc thấp hơn điểm thi một chút;

Nhóm 3: một số ngành đảm bảo cơ hội đỗ đại học (điểm chuẩn các năm trước thấp).

Nhóm 3

Một số ngành dự phòng (điểm chuẩn các năm trước thấp)

 

Tình huống 3: Kết quả thi thấp hơn điểm chuẩn các năm trước của ngành đã chọn/bổ sung

Nhóm 1: một số ngành có điểm chuẩn các năm trước gần giống điểm thi;

Nhóm 2: một số ngành đảm bảo cơ hội đỗ đại học (điểm chuẩn các năm trước thấp)

Trường Đại học Hà Nội xét tuyển thẳng cho các học sinh lớp chuyên, thuộc các trường Chuyên, đã tốt nghiệp THPT, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Nếu xét như vậy thì em có phải đăng ký xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT nữa không ?

ThS. Nguyễn Tiến Dũng, Q. Trưởng phòng Quản lý Đào tạo,  Trường ĐH Hà Nội trả lời:

Năm 2019, để thu hút những học sinh có học lực giỏi cũng như những học sinh có năng lực ngoại ngữ tốt, Trường Đại học Hà Nội tổ chức xét tuyển thẳng đối với học sinh lớp chuyên, tốt nghiệp các trường THPT chuyên, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc có kết quả các kỳ thi chuẩn hoá quốc tế như SAT, ACT, A Level.

Năm nay Trường Đại học Hà Nội tuyển sinh 2450 chỉ tiêu cho 13 chương trình ngôn ngữ và 9 chương trình chuyên ngành dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Chỉ tiêu xét tuyển thẳng là 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Các bạn vẫn cần đăng ký xét tuyển theo hình thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT để đề phòng trường hợp xét tuyển thẳng mà không đỗ. Thời gian thu hồ sơ xét tuyển thẳng theo quy định của Trường ĐHHN là từ ngày 1/7 đến hết ngày 9/7/2019.

Thưa thầy, Trường Đại học Hà Nội có xét tuyển bằng học bạ không ?

Đối với các chương trình đại học chính quy do Trường Đại học Hà Nội cấp bằng, Nhà trường không xét tuyển bằng học bạ. Nhưng các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài thì Nhà trường có áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ vì đây là quy định của các trường nước ngoài.

Chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, bằng do trường nước ngoài cấp, có giá trị toàn cầu. Hiện Nhà trường có 05 chương trình liên kết: Kinh doanh (cấp bằng kép Marketing – Tài chính) với ĐH La Trobe của Úc; Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành với ĐH IMC Krems của Áo; Kế toán ứng dụng và Bằng cao cấp về Kế toán và Kinh doanh do ĐH Oxford Brookes và Hiệp hội ACCA của Anh cấp; Kinh tế doanh nghiệp, Khoa học thống kê và bảo hiểm do ĐH Sannio của Italia cấp.

Hồng Hạnh (ghi)