Tự tin thi ĐH như thủ khoa Ngoại thương

(Dân trí) - Thủ khoa khối D trường ĐH Ngoại thương năm 2008 với số điểm đáng nể 27,5, với Nguyễn Thị Thùy Dung ngoài việc nắm chắc kiến thức thì tâm lý trong phòng thi cũng là yếu tố quyết quyết định “thắng” hay “bại”.

Tâm lý quan trọng không kém kiến thức

Thùy Dung cho rằng nếu bạn nắm chắc kiến thức và chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, vững vàng thì không còn phải lo lắng gì nữa.
 
Tự tin thi ĐH như thủ khoa Ngoại thương - 1
Theo Dung, giữ vững tâm lý là yếu tố rất quan trọng.

Dung kể, bạn cũng đã từng trải qua giây phút hoảng loạn khi đến điểm thi nhưng may mắn là đã nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh: “Khi đến làm thủ tục, thấy nhiều bạn căng thẳng tự nhiên em cũng lo lắng theo, thậm chí em sợ đến muốn khóc. Nhưng rồi tiếp xúc với các anh chị tình nguyện viên, được các anh chị tư vấn em thấy thoải mái và tự tin hơn hẳn”.

Trước khi vào phòng thi, Dung còn chủ động bắt chuyện với các bạn cùng phòng: “Mọi người nói chuyện vui vẻ như những người bạn đã quen từ lâu vậy, cảm giác hoảng lúc đó cũng mất dần đi”.

Còn đối với thầy cô giám thị thì: “Em nghĩ đó cũng giống như thầy cô của mình thôi. Hơn nữa thầy cô cũng rất tâm lí, thầy cô hỏi chuyện và động viên bọn em nên mọi người cũng bớt căng thẳng”. Dung khẳng định: “Điều quan trọng trong lúc nhận đề thi và bắt đầu làm bài đó là làm sao giữ cho tinh thần mình thật bĩnh tĩnh, thật tỉnh táo. Em nghĩ chính nhờ sự bình tĩnh mình mới giành được danh hiệu thủ khoa đấy”.
 
Đừng phức tạp hóa đề bài
 
Dung chia sẻ cách làm bài của mình: “Việc đầu tiên khi cầm tờ đề thi là mình đọc qua một lượt, định hướng trong đầu mình cách giải chứ chưa vội vàng làm ngay”. Dung cho rằng bằng cách này cô có thể nhận biết được hướng giải và cũng dễ dàng khắc phục hướng giải sai.
 
Tự tin thi ĐH như thủ khoa Ngoại thương - 2
Và khoan vội luống cuống trước đề thi khó.

Bao giờ Dung cũng chọn làm những bài đơn giản trước, những bài khó để lại, thi thoảng mở ra xem lại đề rồi “trong lúc làm các bài dễ thì tự nhiên trong đầu mình lại nảy ra hướng làm cho bài khó”.

Dung cho rằng thời gian 90 phút làm 80 câu trắc nghiệm tiếng Anh là rất hợp lý. “Thời gian như vậy đòi hỏi mình phải quyết định một cách dứt khoát đáp án. Đôi khi việc có nhiều thời gian lại dễ làm mình đắn đo, phân vân quá nhiều trong việc lựa chọn đáp án. Như thế mình dễ bị rối tung lên, nghi ngờ những kết quả mình đã làm”.

“Với một câu tiếng Anh khó nên tin vào linh tính của mình vì đó thường là đáp án đúng. Đã lựa chọn thì hãy dứt khoát, và không biết chắc chắn đáp án khác là đúng thì đừng thay đổi” - Dung chia sẻ. 

Với môn Văn, ngoài phần thân bài, Dung rất chú trọng viết phần mở bài để tạo ấn tượng cho người chấm. Dung cũng phân bổ thời gian cụ thể cho từng phần vì không muốn bài văn rơi vào tình cảnh “đầu voi đuôi chuột”. Mở bài, thân bài tốt nhưng bỏ dở kết bài cũng khó “ăn điểm”.

Dung bật mí: “Em thường ngồi làm một đề văn ở nhà giống như làm một bài thi thật nên vào phòng thi phần mở và kết bài đã có sẵn trong đầu”.

Không học thêm nhiều nhưng với môn Toán, Dung thấy việc thi thử rất hữu ích. “Mỗi lần thi mình lại rút ra được thêm một kinh nghiệm và khi thi thật thì mình sẽ tránh được những lỗi sơ đẳng”.

Dung cũng rút ra kinh nghiệm: “Đừng làm phức tạp đề bài lên”. Có lần, gặp đề bài khá đơn giản nhưng Dung lại phức tạp hóa lên, loay hoay đủ mọi cách nhưng không tài nào giải được, nên đã rối lại càng rối. Đến khi xem đáp án Dung đã tự mắng mình vì cả bài toán chỉ cần hai phép biến đổi rất đơn giản.

Dung nhấn mạnh: “Với môn Toán tính toán sai là điều tối kị” và “Dù kết luận chỉ chiếm 0,25 điểm nhưng thiết phải có kết luận sau mỗi bài giải”.

Lê Huệ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm