Từ làm gia sư lấy tiền đi học đến Phó Giáo sư trẻ nhất nước năm 2022
(Dân trí) - Xuất phát từ vùng đất thuần nông nghèo khó, Phó Giáo sư Đoàn Văn Trường xác định chỉ có việc học mới thoát nghèo từ khi còn là một cậu bé.
Giảng viên Đoàn Văn Trường, 33 tuổi, Phó trưởng phòng Đào tạo sau Đại học, Trưởng bộ môn Công tác xã hội - Khoa Văn hóa xã hội, Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Thanh Hóa vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2022. Thầy Trường là cá nhận đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư trẻ nhất cả nước năm nay.
Thầy Trường cho biết, khi nhận kết quả ông rất vui và xúc động. "Đây là thành quả suốt nhiều năm tôi đã nghiên cứu và học tập. Ngày nhận tin, người đầu tiên tôi gọi điện thông báo là mẹ. Mẹ là người quan trọng nhất trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu của tôi, những lúc khó khăn nhất mẹ đã động viên giúp tôi vượt qua tất cả", thầy Trường chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình có 3 chị em ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi vùng quê sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, từ nhỏ cậu bé Đoàn Văn Trường đã sớm ý thức chỉ có con đường học hành mới thay đổi được cuộc sống sau này. Thầy cho biết, để có được những thành quả như hiện nay là cả một hành trình cố gắng, nỗ lực.
Năm 2008, Đoàn Văn Trường trúng tuyển và theo học ngành Xã hội học, tại Trường Đại học Khoa học Huế. Những tháng ngày theo học tại đây, ngoài việc chăm chỉ học tập trên giảng đường, chàng sinh viên còn làm gia sư để vơi bớt phần khó khăn cho gia đình.
"Hoàn cảnh gia đình thuần nông, bên cạnh số tiền chu cấp từ bố mẹ thì tôi đi làm gia sư. Để có tiền theo học các chương trình ngoại ngữ, nhiều lúc tôi phải thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm từng khoản", Phó Giáo sư Đoàn Văn Trường nhớ lại kỷ niệm thời sinh viên.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Xã hội học với tấm bằng loại Giỏi, năm 2012 thầy quay trở về quê hương công tác tại Trường Đại học VH-TT&DL Thanh Hóa, với mong muốn góp phần nhỏ bé cống hiến cho nơi mình sinh ra và lớn lên. Thời gian công tác tại đây, với sự quan tâm, định hướng của nhà trường, thầy được cử đi học nghiên cứu sinh ở Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đến năm 2018 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với hướng nghiên cứu xã hội học dân số, trong đó tập trung chủ đề về di cư, di cư lao động.
Theo thầy Trường, từ kết quả nghiên cứu ban đầu của luận án vào năm 2018 đến thời điểm làm hồ sơ Phó Giáo sư, chủ đề về di cư lao động được xem là hướng nghiên cứu chính của thầy. Ngoài ra, hướng nghiên cứu xã hội học gia đình và giới trong phát triển cũng được thầy quan tâm.
Cũng theo thầy Trường, ý tưởng chủ đề di cư lao động xuất phát từ thực tế cuộc sống của người dân nơi thầy sinh ra. Thầy cho biết, việc di cư lao động đã làm chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn tại địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực thì hệ quả của quá trình di cư đã tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi lao động, việc làm, cấu trúc gia đình và nhiều hệ quả khác.
Thầy Trường đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và đề tài cấp tỉnh (làm chủ nhiệm đề tài). Ngoài ra, thầy có 31 bài báo được công bố, trong đó có 23 bài báo khoa học trong nước (bao gồm 16 bài báo khoa học và 7 tham luận khoa học quốc gia, quốc tế); 8 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (gồm 3 bài báo ISI (WoS), 2 bài báo Scopus, 3 bài báo thuộc tạp chí quốc tế uy tín khác).
"Ngoài các bài viết được đăng tải trên các tạp chí trong nước và quốc tế thì cũng có không ít bài nghiên cứu bị từ chối. Tuy nhiên, những lúc như vậy tôi càng đam mê và tập trung nghiên cứu hơn nữa để chinh phục nó. Nếu nản lòng thì sẽ không gặt hái được những thành công", thầy Trường cho hay.
Ngoài ra, thầy Trường cũng xuất sắc khi 2 lần đạt giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương lần thứ II năm 2020 và lần thứ III năm 2022 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Dự kiến thời gian sắp tới, Phó Giáo sư Đoàn Văn Trường chia sẻ, sẽ tiếp tục hướng nghiên cứu về hai chủ đề chính là xã hội học dân số và chủ đề xã hội học gia đình và giới trong phát triển. Không dừng lại ở đó, Phó Giáo sư cũng cho rằng sẽ luôn nỗ lực và cố gắng, không tự thỏa mãn những gì đã đạt được mà luôn cố gắng để trau dồi kiến thức và củng cố chuyên môn, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế đời sống.