Từ khu ổ chuột vươn lên giúp trẻ nghèo

Từ một cô gái nghèo ở khu ổ chuột, cô đã phấn đấu hết mình để theo đuổi việc học. Không muốn cho những phụ nữ nghèo như mình chịu thiệt thòi do thất học, cô đã mở lớp và vận động mọi người tham gia và đã thay đổi cuộc sống của nhiều cô gái trong cộng đồng của mình.

Khó khăn không lùi bước

Trong nhiều ngôn ngữ phổ biến ở Ấn Độ, từ sakhi có nghĩa là một bạn gái đáng yêu và biểu thị tình bạn thắm thiết của nữ giới. Một sakhi không chỉ là bạn, mà còn là người đóng vai trò như một nhà triết học và người hướng dẫn. Ở Mumbai, Aarti Naik đã trở thành sakhi đúng nghĩa đối với nhiều cô gái lớn lên trong các khu ổ chuột của thành phố. Cô sáng lập ra Sakhi for Girls Education, một tổ chức giúp những cô gái trong cộng đồng nghèo khổ có cơ hội học tập.

Lớn lên từ một khu ổ chuột ở Mulund, ngoại ô thành phố Mumbai, Aarti luôn phải đối diện với những thách thức của cuộc sống do nghèo đói và thiếu các cơ hội vươn lên. “Do nghèo và không được hướng dẫn cặn kẽ từ trong gia đình, đồng thời thiếu tập trung trong học tập ở trường, tôi không qua được kỳ thi lên lớp 10. Tôi cảm thấy con đường học vấn của mình đã bị ngăn chặn”.

Tuy vậy, Aarti vẫn quyết tâm theo đuổi việc học. Nhưng không may gia đình cô không đủ điều kiện tài chính để hỗ trợ cô tiếp học, do đó Aarti quyết định đi làm để tự trang trải. Cô nói: “Tôi không đầu hàng nghịch cảnh, nhưng quả thật là khó khăn để duy trì sự tự tin và vượt qua những thách thức”. Nói về tình cảnh của mình, cô cho biết: “Tôi không nhớ nhiều về tuổi thơ của mình. Tôi không có bạn bè. Cho đến năm 12 tuổi, tôi vẫn không biết sinh nhật là gì”.

Cô nhận làm gia công đồ kim hoàn tại nhà. Chỉ kiếm được 9 rupee (khoảng 3.000 đồng) cho một ngày lao động nên phải mất 3 năm cô mới dành dụm đủ tiền để đi học trở lại.


Aarti Naik dạy chữ cho một bé gái

Aarti Naik dạy chữ cho một bé gái

Sáng kiến nhân đạo

Không chỉ vượt qua được kỳ thi lớp 10, cô còn đạt được những thành tích tốt trong những năm tiếp theo. Sau khi học hết phổ thông, cô ghi danh vào ĐH Mở Yashwantrao Chavan Maharashtra, học chương trình xã hội học.

Cô nói: “Tôi nghĩ rằng mỗi bé gái ở khu ổ chuột đều đối mặt với những khó khăn như tôi. Có sự thiếu nhận thức về giáo dục, đặc biệt đối với các bé gái. Các em liên tục đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế-xã hội trong việc tiếp tục con đường học vấn. Dựa vào kinh nghiệm ở trường của chính tôi, tôi nhận ra rằng những bé gái ở khu ổ chuột không có trình độ đọc viết cơ bản và kỹ năng làm toán. Do đó, các em không thể theo đuổi việc học ở những trường chính thức. Tôi cảm thấy nên làm một cái gì đó cho việc học của các em này”.

Thế là Aarti quyết định nhận lấy trách nhiệm mang tới một sự thay đổi về tình trạng giáo dục cho các bé gái thuộc cộng đồng của mình. Cô thành lập Sakhi for Girls Education năm 2008 và quản lý các lớp học, bổ sung chương trình giảng dạy ở trường cho các bé gái kể từ đó.

Do điều kiện tài chính thiếu thốn của gia đình và xã hội ít quan tâm đến giáo dục nữ, những bé gái ở khu ổ chuột thường không được hỗ trợ trên con đường học tập. Kết quả là các em gặp khó khăn trong đọc viết cơ bản và bảng cửu chương, để rồi cuối cùng phải nghỉ học vì không theo kịp những học sinh khác.

Mục đích chính của sáng kiến do Aarti lập ra là nhằm hình thành các kỹ năng đọc, viết và làm toán trong học sinh, để chúng có thể tự biểu lộ các kỹ năng giải quyết những vấn đề chính một cách rành mạch không chỉ ở trường mà còn trong đời sống cá nhân nữa. Aarti cũng nhấn mạnh về sự quan tâm cá nhân để các bé gái có thể tìm thấy những giải pháp lý tưởng với các vấn đề mà chúng phải đối mặt trong đời sống và trong học tập.

Tuy nhiên, ban đầu không dễ đối với Aarti, cô chỉ có một ít học sinh trong những lớp học đầu tiên. Ngay cả khi phải chật vật tìm cách dạy học cho những cô gái bị giam hãm ở nhà, Aarti vẫn kiên trì con đường mình đã chọn.

“Tôi bắt đầu gặp cha mẹ của các bé gái, đặc biệt là các bà mẹ và nói cho họ biết về các hoạt động của mình. Tôi thông báo với họ về tình huống khó khăn mà các em phải đối mặt và chỉ ra rằng, do thiếu trình độ học vấn mà các bà mẹ không thể tìm được công việc thuận lợi. Dần dần, họ nghe ra và chịu cho con gái tham gia các hoạt động của dự án. Khi tôi bắt đầu dự án giáo dục, chỉ có 6 bé gái ở khu ổ chuột đến học nhưng sau 3 tháng đã có 23 em tham gia”.

Aarti tiến hành các hoạt động dạy đọc, viết và bắt đầu chương trình dạy từ vựng hằng tuần để các em ghi nhớ và cải thiện ngôn ngữ, tạo thuận lợi khi học các lớp cao hơn.


Các bé gái ở khu ổ chuột biết chữ nhờ Aarti Naik

Các bé gái ở khu ổ chuột biết chữ nhờ Aarti Naik

Năm 2010, cô khai trương một thư viện với nhiều sách tiếng Anh cho những bé gái ở khu ổ chuột và một năm sau đó biến sáng kiến này thành một dịch vụ cho mượn sách tận nhà để phục vụ người đọc ở nhiều khu ổ chuột khác.

Trong ngôi trường nhỏ của mình, Aarti dạy hơn 300 cô gái ở khu ổ chuột, phân phối sách tới hơn 400 nhà. Cô cũng điều hành một trung tâm kỹ năng sinh kế để giúp tạo dựng các kỹ năng tìm việc trong những phụ nữ trẻ và nữ thanh niên.

“Tôi tổ chức những buổi họp mặt trong cộng đồng cho tất cả những cô gái nói về ước mơ của họ. Điều này mang lại thành công lớn. Ngay cả nó đã làm thay đổi quan điểm của cha tôi về giáo dục. Tôi muốn những cô gái cảm thấy tự tin về mơ ước của họ và nuôi khát vọng. Tôi biết cảm giác thế nào khi thất bại, tôi không muốn những người khác có cảm giác như vậy”.

Bắt đầu với sáng kiến nhân đạo và đơn thân độc mã tiến hành, hiện Aarti đã có nhiều học sinh tham gia cùng những nhân viên hỗ trợ và các nhà tư vấn khắp thế giới.

Năm 2013, nhờ sự hỗ trợ tài chính quốc tế, Aarti tìm một nơi thuê trụ sở và thành lập “Trung tâm học tập cho các bé gái” ở khu ổ chuột. Cô cũng dạy cho họ những môn thực hành, như kế hoạch tài chính cho việc học qua sáng kiến về ngân hàng của cô.

Ngoài ra, Aarti còn điều hành các chương trình dành cho các bà mẹ trong cộng đồng, mang lại cho họ các cơ hội lớn hơn để có đủ khả năng tự nuôi thân. Cô nói: “Hôm nay tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa. Mặc dù chỉ là một cô gái sống trong khu ổ chuột nhưng tôi được sự ủng hộ từ những người có trách nhiệm với xã hội trên khắp thế giới”.

Aarti đã nhận được nhiều giải thưởng từ trong nước và thế giới. Năm 2013, cô nhận được học bổng từ Women Deliver, một tổ chức của Hoa Kỳ, tham dự Hội nghị Toàn cầu lần thứ 3 được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Cô cũng nhận giải thưởng Karmaveer Chakra do Liên đoàn các tổ chức phi chính phủ quốc tế (iCONGO) trao tặng, ghi nhận sự đóng góp của cô vào xã hội và thúc đẩy những thay đổi.

Theo Thiên Hà

Giáo dục & Thời đại