Tư duy tình nguyện ở Mỹ từ chuyện không “ra tay” đỡ người già bị ngã

(Dân trí) - Ở Việt Nam, người cao tuổi té ngã thường sẽ được người qua đường đỡ dậy nhưng ở Mỹ thì không. Người Mỹ gọi cảnh sát, cứu hộ chứ không trực tiếp ra tay đỡ người bị nạn và đó cũng là tư duy làm tình nguyện ở đất nước này.

Bảo vệ bản thân trong mọi tình huống

Câu chuyện nhỏ trên được Phạm Nguyễn Đăng Trình (sinh viên năm cuối ngành Kinh tế và Tài chính tại trường ĐH California State University, Fullerton, bang Califorina, Mỹ) kể lại. Sinh năm 1992, du học sinh Phạm Nguyễn Đăng Trình là “linh hồn” của nhiều tổ chức, phong trào thiện nguyện góp phần phát triển cộng đồng xã hội ở nhiều quốc gia, đặc biệt tại Mỹ. Chàng trai Việt này từng nhận Bằng khen từ Thượng Nghị Sĩ bang California vì cống hiến cho cộng đồng.

Theo Trình, người Mỹ không đưa tay đỡ người già bị ngã ở nơi công cộng không phải vì họ thiếu lòng nhân ái. Họ sẽ thể hiện điều đó bằng cách gọi lực lượng chuyên trách đến xử lý để đảm bảo bản thân không rơi vào tình huống “làm ơn mắc oán” khi chẳng may người già bị ngã chết, người thân gia đình lại đổ lỗi cho người ra tay giúp đỡ đã gây tai nạn.

Thực tế ở Mỹ các vụ kiện tụng kiểu này xảy ra rất thường xuyên. Do đó, chính quyền nước này đã có điều khoản kêu gọi người dân bảo vệ bản thân họ trước tiên và ý thức trong mỗi hành động của mình để tránh điều không hay xảy đến. Câu chuyện không ra tay giúp người già gặp nạn ở Mỹ thể hiện tư duy bảo vệ bản thân trong mọi tình huống của họ.


Chàng trai Việt Đăng Trình nhận bằng khen từ Thượng Nghị Sĩ bang California cho cống hiến cộng đồng.

Chàng trai Việt Đăng Trình nhận bằng khen từ Thượng Nghị Sĩ bang California cho cống hiến cộng đồng.

Theo Đăng Trình, tư duy bảo vệ bản thân trước tiên và chịu trách nhiệm trong mỗi hành động của mình cũng chính là tinh thần của hoạt động tình nguyện tại đất nước Hoa Kỳ.

Cụ thể, trong mô hình tình nguyện tại Mỹ, nếu sự cố xảy ra, tình nguyện viên (TNV) phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, trước khi tham gia, các bạn trẻ đều đã làm hợp đồng cam kết với tổ chức sử dụng nhân lực và có các điều khoản rõ ràng, được gia đình kí đồng ý. Điều này khiến sinh viên nhận thức được hành động của mình, gia đình nhắc nhở con cái họ.

“Bên Mỹ chủ trương để người tham gia tự lập, chịu trách nhiệm mọi hành động. Khi sự việc xảy ra, TNV và gia đình không quy chiếu trách nhiệm bất kì tổ chức nào bởi vì họ đã cam kết từ đầu. Nhất là khi sinh viên tham gia vào những dự án đi xa, mạo hiểm thì luật định được hai bên cam kết rõ ràng, TNV được tập huấn trang bị kỹ năng sống sót, sinh tồn và ý thức bảo vệ bản thân trước tiên”, Trình chia sẻ.

Đăng Trình lấy ví dụ, đoàn tình nguyện của trường Đại học University of Virginia, Mỹ đi qua Bắc Triều Tiên. Một nam thanh niên Mỹ theo đoàn để làm phóng sự đã bị bỏ tù vì lấy băng rôn treo trên một bức tường ở đất nước Triều Tiên. Mặc dù Liên Hợp Quốc can thiệp để “cứu” và bảo vệ nhân quyền nhưng trong trường hợp này thì không ai cứu được (vì hành động của nam thanh niên vi phạm văn hóa, luật pháp của một quốc gia). Cũng như vậy, người làm tình nguyện phải có ý thức trong mỗi hành động và bảo vệ bản thân trong mọi tình huống.


Theo Trình (phải), tư duy cốt lõi của hoạt động tình nguyện ở Hoa Kỳ là sự cam kết, ý thức bảo vệ bản thân của chính TNV.

Theo Trình (phải), tư duy cốt lõi của hoạt động tình nguyện ở Hoa Kỳ là sự cam kết, ý thức bảo vệ bản thân của chính TNV.

Khi tình nguyện viên Mỹ ra vùng chiến sự…

Ở Mỹ, không có những chiến dịch huy động người trẻ đi giúp đỡ các địa phương khó khăn trong nước như ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động tình nguyện ở đây lại huy động TNV đến các quốc gia nghèo khó hoặc có chiến sự như châu Phi, Serbia.

Đăng Trình cho hay, bên Mỹ, không có những vùng khó khăn như Việt Nam, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước này có phần tiến bộ hơn nên thường sẽ không có cảnh “cầu khỉ” qua sông… nhưng rủi ro khi tham gia tình nguyện vẫn có.

Từng tham gia vào Tổ chức tình nguyện Liên Hợp Quốc- United Nation Volunteer (UNV), Trình cho biết, UNV còn đưa TNV ra những vùng có chiến sự. Và do vậy, hoạt động tình nguyện lúc này không chỉ là bản năng mà sự đào tạo, huấn luyện cho người tham gia thực sự ngặt nghèo. Thêm vào đó, người lãnh đạo phải có khả năng quán xuyến, không để TNV hành động tự phát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. TNV thực hiện nhiệm vụ giống như ra chiến trường, phải tuân theo mệnh lệnh, kỷ luật, đoàn kết và hiểu biết.

Hoạt động tình nguyện dù chuyên nghiệp vẫn không thể tránh khỏi thiếu sót. Do đó, tổ chức UNV khi kêu gọi TNV tham gia phải luôn có sự đồng ý của gia đình ứng viên. Một điểm đặc biệt nữa là ứng viên tham gia tình nguyện phải ở độ tuổi trên 25. Theo chàng trai Việt, độ tuổi tham gia tình nguyện ở Việt Nam (chủ yếu từ 18-22 tuổi) là còn trẻ, lứa tuổi đang trưởng thành, chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sống.

“Ý thức và khả năng phiêu lưu, sinh tồn ngoài thiên nhiên của sinh viên Việt dường như không bằng bên Mỹ. Bởi lẽ ở Mỹ, ngay từ bé, trẻ em đã được bố mẹ cho tham gia chương trình hướng đạo sinh (Boy Scouts of America).

Những đứa trẻ qua huấn luyện sẽ có kinh nghiệm tồn tại (ví như lạc vào rừng sâu sẽ có kỹ năng thoát ra và nó phải đi theo mệnh lệnh của cấp trên) và luôn ý thức được hệ quả của mỗi hành động”, Trình nhận định.


Chị Nguyễn Lập Thu cho rằng, hoạt động tình nguyện cần được ủng hộ duy trì và hoàn thiện để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Chị Nguyễn Lập Thu cho rằng, hoạt động tình nguyện cần được ủng hộ duy trì và hoàn thiện để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Đừng dập tắt “ngọn lửa” tình nguyện

Chị Nguyễn Lập Thu, giảng viên bộ môn xã hội học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ ở trường ULB (Bỉ) bày tỏ: “Tôi đã từng có một thời sinh viên máu lửa làm tình nguyện và thấy nó không “vô bổ” như một số bạn nói. Tôi cho rằng với một đất nước còn nghèo như nước mình, huy động sinh viên tới những vùng sâu vùng xa để họ chia sẻ giúp đỡ bà con là một việc nên làm.

Tôi từng đi một đoàn gồm nhiều sinh viên các trường khác nhau tới đảo Cô Tô khi đảo này còn hoang sơ và chứng kiến sinh viên khám bệnh, dạy học, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho bà con rất hữu dụng.

Sau này khi làm Bí thư Đoàn một trường Đại học, tôi cũng đã cùng sinh viên trải qua những mùa hè tình nguyện từ giúp đỡ các thí sinh thi tuyển sinh, đi các vùng sâu vùng xa ở Lào và Việt Nam mới thấy khâu tổ chức vất vả thế nào và mỗi lần các em đi về bình yên thì chiến dịch mới thành công.

Tuổi trẻ hiếu động có những rủi ro xảy ra khó lường không ai tiên lượng được. Và nó xảy ra ở nhiều nơi kể cả các trường danh tiếng trên thế giới. Tôi nghĩ, không nên có cái nhìn phiến diện khi rủi ro xảy ra. Tôi thực sự tiếc cho các em sinh viên Ngoại thương và luôn mong hoạt động tình nguyện ở các trường ĐH sẽ duy trì và tổ chức hoạt động hiệu quả hơn nữa!”.

Còn Phạm Nguyễn Đăng Trình cho rằng, mô hình tổ chức tình nguyện chuyên nghiệp của Tổ chức tình nguyện Liên Hợp Quốc và Hội chữ Thập Đỏ Mỹ rất đáng để Việt Nam học hỏi, phát huy phong trào tình nguyện thiết thực, an toàn, ý nghĩa.

Lệ Thu