Từ điểm "lau sàn" đến tốt nghiệp bằng giỏi Đại học Bách khoa Hà Nội
(Dân trí) - Phùng Đức Minh, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội từng chỉ đạt học lực yếu, nhưng nhờ sự cố gắng và nỗ lực, nam sinh này đã tốt nghiệp bằng giỏi, ra trường sớm hơn một kỳ.
Nghỉ ngơi "quá đà" bỏ quên việc học
Gần đây, bảng điểm của Phùng Đức Minh được chia sẻ và nhận được sự quan tâm của nhiều bạn học sinh, sinh viên. Được biết, Đức Minh (sinh năm 1997) từng học chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không, khóa 60 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhìn vào bảng điểm của Đức Minh ai cũng sẽ phải bất ngờ vì điểm tích lũy từng đạt mức thấp nhất, điểm tích lũy (CPA) của Minh lúc đó là 0,93. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Đức Minh bộc bạch rằng khoảng thời gian đầu khi lên đại học anh đã nghỉ ngơi "quá đà" sau thời gian dài ôn thi vất vả.
Môi trường học tập mới khiến cho Đức Minh chưa theo kịp và có phần chểnh mảng, vì thế anh mới có kết quả học tập kỳ đầu tiên khá tệ so với lực học vốn có của mình.
"Mình nghĩ, kết quả học tập xuống dốc là do thay đổi môi trường học tập. Ở trong môi trường trung học phổ thông, chỉ cần tập trung vào một số môn chính, được thầy cô quan tâm, theo dõi, nhắc nhở khi có sự chểnh mảng trong học hành. Ngoài ra, học sinh còn luôn được cung cấp mọi học liệu cần thiết. Còn ở môi trường đại học, sinh viên cần sự chủ động trong học hành cao. Khi đi học, giảng đường thường rất đông do đó thầy cô sẽ không thể quan tâm hết cả lớp.
Để nghiên cứu sâu hơn về môn học, sinh viên phải tự tìm mua học liệu, tài liệu tham khảo, tự làm bài tập,… Ngoài ra, ở Đại học rất dễ trốn tiết, điều mà rất khó thực hiện tại trung học. Tất cả điều trên dẫn tới việc năm nhất mình bỏ tiết học nhiều, dẫn đến không biết tài liệu cần có, bài tập cần làm, đề thi cần ôn. Kết quả là học lại", Đức Minh thẳng thắn chia sẻ.
Trước khi trở thành một sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đức Minh cũng từng đạt được điểm 9 môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015. Sau khi nhận được kết quả của kỳ học đầu tiên trên đại học, Minh đã cảm thấy rất hụt hẫng và muốn cố gắng trong các kỳ học tiếp theo.
"Mình cũng đã hụt hẫng khi từng đạt điểm 9 Toán thi đại học nhưng không nổi 3 điểm thi Giải tích tại Bách Khoa. Từ đó, mình cũng đã cố gắng đi học và làm bài tập nhiều hơn. Nhưng kỳ tiếp theo đó, điểm số cũng chỉ lẹt đẹt qua môn. Lúc đó chỉ biết tiếc nuối, phải chi cố thêm nữa để đạt những thành quả khiến mình vui vẻ hơn.
Khi đã muốn đạt thành quả cao để tìm kiếm niềm vui thì đi học cũng như là chơi game vậy. Mục đích ta chơi điện tử suy cho cùng là tìm kiếm niềm vui trong cảm giác chiến thắng. Lúc đó với mình việc đạt điểm cao trong từng môn học mang lại cho mình cảm giác chiến thắng lớn hơn nhiều một trận game. Khi đã biết điều đó, mình càng muốn đạt được nó hơn và mình biết được rằng cả đời học đại học chắc có một lần. Vì vậy, cần phải "thắng" nhiều nhất có thể", Đức Minh bộc bạch.
Học lại không đáng sợ, đáng sợ nhất là đã học lại mà không cố gắng
Dù đã phải học lại khá nhiều môn, nhưng Đức Minh không nản chí mà luôn cố gắng phấn đấu hơn ở các kỳ học tiếp theo.
Giữ vững quan điểm "ngã ở đâu đứng lên ở đó", Đức Minh biến những lời nói của mình thành hành động, thay đổi phương pháp học tập và thường xuyên trau dồi bản thân để hoàn thành mục tiêu ra trường sớm.
Vào kỳ tốt nghiệp năm 2020 của Trường Đại học Bạch khoa Hà Nội, Đức Minh nằm trong top 6 sinh viên có học lực giỏi Khoa cơ khí động lực. Đồng thời, cậu thuộc nhóm 37% sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp sớm một kỳ với CPA đạt 3.22/4, TOEIC 890/990.
Hiện nay khi nhắc đến Đại học Bách khoa Hà Nội, có rất nhiều bạn sinh viên sợ hãi vì sợ phải thi lại, sợ điểm kém. Nhưng khi nhìn vào bảng điểm của Đức Minh, nhiều bạn lại có thêm động lực để cố gắng.
Chia sẻ về những bí quyết mà bản thân có được, Đức Minh nói: "Ta chỉ sợ những điều ta chưa biết rõ về nó. Việc thi lại không đáng sợ khi ta đã biết rõ hơn về nó so với lần thi đầu tiên. Vì vậy, mình nghĩ rằng các bạn sinh viên hãy tự tin trong việc học lại và thi lại. Giống như bản thân mình đã thi lại nhiều môn tới 3 lần, không chỉ để đủ qua môn mà còn để cải thiện lên mức điểm mong muốn.
Đại học có 2 mốc mục tiêu CPA cơ bản là 2.5 và 3.2. Để có thể đặt được mục tiêu CPA mong muốn, hãy lập bảng excel ra và tự tính điểm CPA hiện tại và dự đoán CPA tới khi ra trường. Với mình, mình đã xây dựng bảng tính CPA khi vượt qua mốc 2.5.
Nhờ đó, mình đã biết chính xác mức điểm cần cho các môn trong tương lai và biết được môn nào cần cải thiện. Với bảng tính, mình đã phát hiện ra rằng cải thiện một điểm F lên A sẽ cải thiện CPA rất lớn so với việc đạt một môn điểm A mới. Đó cũng chính là bước ngoặt để mình bứt tốc lên mốc 3,2".
Sau những sự cố gắng của bản thân, hiện tại Minh đang làm việc tại một công ty công nghệ lớn trong nước. Công việc này cho Minh cơ hội được áp dụng nhiều kiến thức đã học với một mức thu nhập khá hấp dẫn.