Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cô giáo ở TPHCM xin... không nhận

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con của giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo, cô N.T.L., giáo viên bậc tiểu học ở TPHCM, khẳng định: "Tôi không nhận".

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên đang trong thời gian công tác thu hút sự quan tâm của dư luận.

Với đề xuất này, căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm là hơn 9.000 tỷ đồng.

Cô N.T.L., giáo viên bậc tiểu học ở TPHCM kể, tối 8/10, nhiều đồng nghiệp và bạn bè liên tục chia sẻ thông tin quanh đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Là người trong nghề, cô L. không khỏi ngỡ ngàng cùng cảm xúc ngại ngần trước đề xuất "ưu ái" này.

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cô giáo ở TPHCM xin... không nhận - 1

Nhiều người tâm tư trước đề xuất miễn học phí cho con giáo viên (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Cô L. tiết lộ trong nhóm trao đổi với bạn bè, người quen, có người nói: "Giáo viên cũng là một nghề, cũng đi làm như bao nghề, bao người. Sao con giáo viên được miễn học phí, con của người khác thì không?".

Chị họ của cô L. nói luôn: "Chị làm công chức ở phường cũng muốn con được miễn học phí". 

Cô L. bày tỏ, nhiều giáo viên khó sống được bằng lương là một thực tế có thật. Lương giáo viên còn thấp là điều cần cải thiện để đảm bảo đời sống cho nhà giáo và đặc biệt để thu hút được nhiều học sinh giỏi chọn nghề giáo.

Chất lượng, môi trường giáo dục phải bắt đầu, phải thực thi từ chính người thầy nên không thể phủ nhận tầm quan trọng của nghề giáo với sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, nữ giáo viên cho hay, việc các cơ quan quản lý cần làm là đề xuất tăng lương, để giáo viên có thu nhập xứng đáng với công việc, công sức của họ chứ không phải là đề xuất mang tính ưu ái, ưu tiên.

Nữ giáo viên cũng bày tỏ, trong quá trình dạy học, cô tiếp xúc, làm việc với rất nhiều phụ huynh cũng thấy đời sống giáo viên có thể không giàu nhưng còn ổn định hơn rất nhiều công việc.

Đặc biệt là trong đợt Covid-19, cô chứng kiến nhiều phụ huynh mất việc, bị cắt thu nhập, công việc bấp bênh vô cùng khổ sở. Trong khi đó, nghề của cô vẫn được giữ nguyên lương, cuộc sống của con cái vẫn được đảm bảo.

"Mới đây thôi, hàng xóm thuê trọ cạnh nhà chị đồng nghiệp của tôi ở Củ Chi phải ôm con về quê gửi cho người quen để đi xuất khẩu lao động. Bởi ở đây, đồng lương đi làm công của họ chỉ 7-8 triệu đồng, không sống nổi", cô nghẹn ngào.

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cô giáo ở TPHCM xin... không nhận - 2

Căn phòng trọ để trống cạnh nhà đồng nghiệp của cô L. sau khi phụ huynh đưa con về quê gửi để đi xuất khẩu lao động (Ảnh: C.L).

Với cô L., nghề giáo cũng như bao nghề khác trong xã hội, cũng đi làm để kiếm tiền nuôi bản thân và nuôi gia đình. Giáo viên không đi dạy miễn phí, không đi làm từ thiện, công việc không mang tính đặc biệt nên không có lý do gì lại ưu tiên con cái được miễn học phí.

Cô L. bày tỏ: "Nói thật lòng, mỗi lần nghe nói "nghề giáo là nghề cao quý", tôi ngại lắm. Nghề giáo hay các nghề nghiệp khác đều cần được trả lương xứng đáng chứ không phải là sự tung hô hay ưu ái".

Việc ưu tiên có thể vừa gây áp lực cho người thầy như thể đang mang hàm ơn cũng như có thể tạo nên sự thiếu bình đẳng, phân biệt giữa các nghề nghiệp.

Chưa kể, việc dùng ngân sách để dành cho những đứa trẻ con của người làm nghề này mà không phải là con của nghề nghiệp khác, theo cô L. là không công bằng.

Theo cô, khi chưa thể miễn học phí cho tất cả học sinh thì những trường hợp cần được miễn học phí phải là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi hay bố mẹ tham gia vào những nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm.

Đề xuất miễn học phí cho con của giáo viên của dự thảo nếu được thông qua, cô L. đề nghị cần bổ sung thêm nội dung đối tượng thụ hưởng được chọn "đồng ý nhận" hoặc "không nhận".

"Tôi không nhận" là câu trả lời của nữ giáo viên tiểu học này. Câu trả lời không đại diện cho ai nhưng cô tin không ít đồng nghiệp chọn "không đồng ý".

Hơn 15 năm đi dạy, thầy Nguyễn Văn Tuấn, giáo viên ở TPHCM, cho rằng đề xuất miễn học phí cho con giáo viên mang tinh thần nhân văn tuy nhiên không thật sự phù hợp cho cả chính bản thân người thầy.

Để cải thiện đời sống nhà giáo, thu hút được người giỏi vào nghề, cần có chính sách lương phù hợp. Tăng lương cho giáo viên khác hẳn tâm thế "con giáo viên được miễn học phí".

Có văn bằng hai về chuyên ngành tâm lý, thầy Tuấn đưa thêm góc nhìn, giống như các ngày lễ 20/10, 8/3 dành cho phụ nữ, họ đòi quà, cần được ưu tiên cái này cái kia là bởi phụ nữ còn quá thiếu thốn, khổ sở. Vì thiếu nên phải đòi, vì thiếu nên phải ưu tiên.

Theo thầy Tuấn, nhà giáo cần được trả lương xứng đáng chứ không phải chờ vào việc ưu tiên. Nếu vẫn còn tư duy nghề giáo cần được ưu tiên thì sẽ còn có nhiều ảo tưởng không hay về nghề nghiệp. 

"Đây là điều người thầy phải tránh khi chọn nghề giáo, để xác định rõ đây là công việc mình lựa chọn chứ không phải đi dạy với tâm thế ảo tưởng tôi đang ban ơn, đang hy sinh, người khác phải biết ơn mình...", thầy Tuấn nói. 

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cô giáo ở TPHCM xin... không nhận - 3

Giáo viên ở TPHCM trong một chương trình trao đổi về nghiệp vụ (Ảnh: Hoài Nam).

Ngoài đề xuất trên, đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo là chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi nghề.

Theo dự thảo, bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc đối với nhà giáo ở các cấp học.

Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non tăng thêm 10% và tiểu học tăng thêm 5%.

Chi phí phát sinh tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ vào khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, tức hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.