Từ cuốn sách năm lớp 2 đến Huy chương bạc quốc tế của nam sinh Hà Nội

Mỹ Hà

(Dân trí) - Lớp 2, khi thầy giáo tặng cuốn sách Issac Newton, em bắt đầu hứng thú với vật lý. Sau nhiều đêm thức trắng, Phạm Thế Minh, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giành huy chương bạc Olympic quốc tế.

Sau 11 ngày dự thi Olympic vật lý và vật lý thiên văn tại Ba Lan, Minh giành huy chương bạc, chỉ kém giải vàng 0,25 điểm và là người có điểm cao nhất đoàn Việt Nam năm nay.

Từ cuốn sách năm lớp 2 đến Huy chương bạc quốc tế của nam sinh Hà Nội - 1

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao giấy khen cho Phạm Thế Minh (Ảnh: Mỹ Hà).

"Phục thù" từ những đêm thức trắng

Minh nhớ lại, khi có kết quả em vỡ òa vui sướng bởi khoảnh khắc đó là dấu chấm hết cho khoảng thời gian em hoàn toàn tìm lại chính mình.

Được biết trước khi giành huy chương bạc Olympic vật lý và vật lý thiên văn 2023 (IOAA), năm ngoái Phạm Thế Minh từng nếm trải thất bại ở cuộc thi này.

Đó là thời điểm cuối năm lớp 10, Minh góp mặt trong đội tuyển dự thi Olympic vật lý và vật lý thiên văn quốc tế.

Em cho biết thời điểm đó, kiến thức cuộc thi thực sự thách đố với một học sinh lớp 10.

Đặc biệt, em chưa có cái đầu "lạnh" để bình tĩnh suy nghĩ, lập kế hoạch và tập trung quá nhiều vào phần quan sát, thực hành nên ko làm tốt phần lý thuyết nên không đoạt giải.

Với quyết tâm "phục thù" có huy chương để thỏa mãn niềm đam mê với bộ môn vật lý và vật lý thiên văn, Minh thi lại để vào được đội tuyển.

Năm nay, em có chiến thuật học ngược lại năm ngoái, nghĩa là phân bổ đều thời gian cho các phần thi lý thuyết, thực hành, xử lý số liệu, rất may chiến thuật đó đã thành công.

Từ cuốn sách năm lớp 2 đến Huy chương bạc quốc tế của nam sinh Hà Nội - 2

Tấm Huy chương bạc Minh gặt hái được sau nhiều đêm thức trắng (Ảnh: Mỹ Hà).

Như vậy sau một năm với nhiều đêm thức trắng và những bài thi dài đằng đẵng, Minh đoạt Huy chương bạc Olympic vật lý và vật lý thiên văn 2023.

"Lần thứ 2 tham dự cuộc thi nên em không thể không áp lực, lo lắng. Mặc dù vậy, em tự trấn an bản thân phải bình tĩnh bởi đó là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề.

Chúng em đã mất nhiều đêm thức trắng để quan sát bầu trời, rất mệt. Thế nhưng nhờ bạn bè và nhiều người đi trước động viên, hướng dẫn đã giúp em vượt qua", Minh nói.

Từ cuốn sách năm lớp 2

Chia sẻ về niềm yêu thích bộ môn khó như vật lý thiên văn, Minh cho hay, từ lớp 2 thầy giáo tặng em một cuốn sách về Issac Newton- nhà vật lý thiên tài người Anh. Em đọc xong trong một ngày và từ đó bắt đầu hứng thú với vật lý.

"Thiên văn là môn khó nhưng theo em biết, nó bao quát cả vật lý. Đây là môn học giúp chúng ta tìm hiểu toàn thể vũ trụ.

Đó là lý do em muốn tìm hiểu sâu hơn bộ môn này, để khám phá những điều kỳ diệu chưa tìm thấy trong thế giới", Minh nói.

Nhận xét về cậu học trò xuất sắc này, thầy Lê Mạnh Cường, Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho hay, đoàn Việt Nam tham gia cuộc thi một số năm trước nhưng đây là năm có thời gian các em ôn luyện ngắn nhất.

Thầy Cường là giáo viên đồng hành với Thế Minh trong hai lần dự thi IOAA. Thầy cho biết, năm ngoái tham gia cuộc thi nhưng không đoạt giải, Minh buồn lắm. Thậm chí em định bụng sẽ bỏ cuộc.

Từ cuốn sách năm lớp 2 đến Huy chương bạc quốc tế của nam sinh Hà Nội - 3

Minh và thầy giáo Lê Mạnh Cường (Ảnh: Mỹ Hà).

Nhờ sự động viên của thầy cô, Minh gặt hái nhiều thành tích và ghi dấu ấn vượt trội bằng giải nhì quốc gia môn vật lý.

"Nếu năm ngoái Minh không bình tĩnh, mất tự tin, năm nay em đã làm tốt hơn rất nhiều. Nếu có thêm chút thời gian, thấu hiểu bài thi hơn, tôi nghĩ em có thể giành Huy chương vàng", thầy Cường khẳng định.

Chia sẻ về phương pháp học tập, Minh cho hay, ở các nước khác như Mỹ hoặc Ba Lan, ngành thiên văn rất phát triển.

Chính vì thế, em tìm tài liệu trên website của các đại học ở những quốc gia này hoặc các trang web có bài giảng về vật lý thiên văn hay để đọc, nghiền ngẫm, trau dồi kiến thức.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Minh khá hài lòng với tấm Huy chương bạc. Từ đây, em dự định sẽ quay sang môn vật lý để xây dựng vững chắc nền móng cho tương lai, trong đó đích đến là ngành hàng không vũ trụ.

Olympic Thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế 2023 tổ chức tại thành phố Chorzow, Ba Lan từ ngày 10 đến ngày 21/8/2023 với sự tham dự của 261 thí sinh thuộc 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là kỳ thi dành cho học sinh trung học được tổ chức hàng năm nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trên thế giới, ghi nhận vai trò to lớn của lĩnh vực Thiên văn học và vật lý thiên văn trong đời sống, đồng thời tăng cường giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới.

Đoàn học sinh Hà Nội đại diện Việt Nam tham dự với 5 thí sinh là học sinh của các lớp chuyên vật lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đã giành 2 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng.

Trong đó, các em Phạm Thế Minh và Trần Thái Vũ (lớp 12 Lý 1) giành huy chương Bạc; các em Nguyễn Bá Linh và Nguyễn Ngọc Phương Anh (lớp 11 Lý 1) giành huy chương Đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm