Tự chủ tài chính “nửa vời” và câu chuyện thu vượt, thu sai

(Dân trí) - Được giao thí điểm tự chủ tài chính nhưng lại không có hành lang pháp lý để thực hiện thu đủ bù chi khiến cho các trường gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ đây mà hình thành nên câu chuyện thu vượt, thu sai so với các quy định hiện hành.

Hàng loạt trường vi phạm

 

Vừa qua Bộ GD-ĐT đã tổ chức thanh tra một số hoạt động của trường ĐH Kinh tế Quốc dân và phát hiện ra không ít vi phạm. Liên quan đến tài chính, Thanh tra Bộ đã kết luận tổng số các khoản thu vượt, thu sai quy định trong năm 2009 và 2011 là hơn 51 tỷ đồng, bao gồm 4 nhóm khoản thu: Kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học;  Học phí nâng điểm hệ chính quy; Thu vượt lệ phí tuyển sinh các hệ và các khoản thu một lần vào đầu năm học và thu khác (thu tiền giấy thi, công nghệ thông tin, làm thẻ sinh viên, khám sức khỏe, thư viện, lệ phí nhập học).

 

Do đây là khoản thu phục vụ hoạt động đào tạo, không phải thu dịch vụ và được Trường hạch toán vào tài khoản TK511 (tài khoản phí, lệ phí) nên trong phần kiến nghị, sau khi xem xét các căn cứ thu và tính chất khoản thu, Thanh tra Bộ chỉ kiến nghị thu hồi số tiền liên quan đến thu học phí nâng điểm hệ chính quy còn các khoản khác không truy hồi.

 

Tuy vậy, câu chuyện thu sai, thu vượt không chỉ là của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mà không khó để kiểm chứng các trường được giao thí điểm tự chủ tài chính cũng lâm vào cảnh tương tự. Với việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường “3 công khai” nên chẳng cần phải thanh tra thì cũng thấy các khoản thu của những trường được tự chủ về tài chính cũng có phần giống ĐH Kinh tế Quốc dân, thậm chí là “trội hơn”.

 

Cơ chế tự chủ nửa vời khiến nhiều trường ĐH Việt Nam bị trói buộc (ảnh minh họa)
Cơ chế tự chủ "nửa vời" khiến nhiều trường ĐH Việt Nam bị "trói buộc" (ảnh minh họa)



Chẳng hạn như về thu kinh phí hỗ trợ đào tạo thạc sỹ, trong số các trường thí điểm tự chủ về tài chính, Trường Đại học Ngoại thương thu ở mức 5.600.000 đồng/học viên, tiếp đến là Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM ở mức 4.500.000 đồng/học viên cao hơn so với mức thu của Trường Đại học KTQD là 4.000.000 đồng/học viên.

 

Thậm chí có những trường không thực hiện thí điểm tự chủ, được NSNN hàng năm cấp bù kinh phí cho chi thường xuyên vẫn thu kinh phí hỗ trợ đào tạo cao hơn mức thu của Trường Đại học KTQD như Trường Đại học Nông nghiệp thu ở mức 4.200.000 đồng/học viên, Trường Đại học Công nghệ ở mức 4.500.000 đồng/học viên. Đối với đào tạo nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sỹ, các trường đại học đều thu thêm kinh phí hỗ trợ đào tạo từ 1.000.000đồng/NCS đến 7.000.000 đồng/NCS.

 

Trao đổi với chúng tôi, một số trường được tự chủ tài chính đều cho rằng, nếu không tổ chức thu các khoản vượt so với quy định hiện hành thì rất khó để tổ chức hoạt động. Với việc bị cắt toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên nên nếu không thực hiện thu đủ bù chi thì rất khó để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Trong khi đó nếu thực hiện các mức thu như quy định giống các trường công được cấp ngân sách thường xuyên thì hàng năm sẽ “lỗ” đào tạo lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, căn cứ để các trường thực hiện thu là theo quy định tại Điều 39 Điểm 2 Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo quyết định số 18/2000/QĐ-BGD-ĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD-ĐT ghi rõ “Cán bộ, công chức được cơ quan cử đi học sau đại học theo chỉ tiêu đang còn trong thời gian học tập, kể cả thời gian gia hạn, được nhà nước hỗ trợ hỗ trợ kinh phí đào tạo. Những đối tượng khác phải đóng góp chi phí đào tạo.Mức chi phí đóng góp tương xứng với kinh phí nhà nước để cấp để đào tạo thạc sỹ hoặc tiến sỹ”.

 

Thống kê chung cho thấy, tất cả các khoản thu học phí và kinh phí đào tạo cho 1 học viên cao học, nghiên cứu sinh hiện nay vẫn chỉ bằng 75% chi phí thường xuyên tối thiểu để đào tạo 1 học viên cao học của Đề án đổi mới cơ chế tài chính của Bộ GD-ĐT giai đoạn 2009-2014.

 

Học cải thiện điểm nhưng không phải… đóng phí

 

Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT thì mặc dù chuyển sang đào tạo tín chỉ nhưng lại chưa có văn bản nào quy định về mức thu phí nâng điểm. Chính vì thế mà trong kiến nghị đối với sai phạm ĐH Kinh tế Quốc dân Bộ yêu cầu thu hồi khoản tiền này.

 

Giải thích về việc thu hồi chứ không trả lại cho học viên Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định: “Theo đúng quy định thì số tiền này phải trả cho học viên. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một biện pháp kỹ thuật bởi số tiền thu trên đầu của mỗi học viên là không nhiều, có em đã ra trường… nên việc trả lại là rất khó. Chính vì thế Bộ GD-ĐT mới kiến nghị thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước”.

 

Về mặt hành chính, rõ ràng hiện các trường chưa có cơ chế để thu phí nâng điểm. Tuy nhiên theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quy định: “Sinh viên được quyền đăng ký học lại hoặc học đổi sang học phần khác đối với các học phần bị điểm D để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy”.

 

Theo giải thích của các trường được tự chủ tài chính thì việc học nâng điểm, học hè là hình thức học theo yêu cầu của sinh viên, do sinh viên tự nguyện và có nhu cầu học. Do các lớp được tổ chức học vào kỳ hè, quy mô lớp nhỏ, vì vậy để bù đắp đủ chi phí cho công tác tổ chức học(đăng ký, thu tiền, mời giảng viên, coi thi chấm thi... vào dịp hè) các trường đều tính hệ số bằng 1,5 đến 2 lần so với mức học phí đại trà. Chẳng hạn như, theo thông báo công khai trên website của trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia HN, HV Ngân hàng… thu học phí nâng điểm, cải thiện điểm gấp 2 lần học phí chính quy, ĐH kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM… thu gấp 1,5 lần.

 

Ngoài khoản phí nâng điểm, các trường cũng cho rằng ngay lệ phí tuyển sinh cũng cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo. Mức thu được quy định theo Thông tư số 21/2010TTLT-BTC –BGDĐT ngày 11/02/2010 quy định về chế độ thu và sử dụng phí dự thi (lệ phí tuyển sinh) đại học cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp rất thấp: đăng ký dự thi đại học và sau đại học 50.000đồng/ hồ sơ, dự thi sau đại học 100.000 đồng/môn thi.

 

Hiện tại các mức thu này không còn phù hợp với tình hình lạm phát và các chi phí thực tế tăng cao (tiền đi thuê mướn địa điểm, tiền điện, nước, phụ cấp coi thi...) cho công tác tổ chức tuyển sinh hàng năm.

 

Trong giải trình của Trường Đại học KTQD với thanh tra Bộ GD-ĐT cho thấy, trong 2 năm 2009 và 2011, chỉ riêng chênh lệch giữa thu lệ phí tuyển sinh đại học chính quy và chi phục vụ công tác tuyển sinh là “âm” hơn 2 tỷ đồng.

 

Lãnh đạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, trên nguyên tắc cân đối thu chi, lấy thu bù chi cho tuyển sinh các hệ đào tạo hàng năm mà ngân sách nhà nước không hỗ trợ cấp bù phần thiếu hụt, các trường trong đó có Trường Đại học KTQD đã thu thêm phần lệ phí tuyển sinh của một số hệ phi chính quy như; (Văn bằng 2, vừa học vừa làm, Liên thông từ cao đẳng lên đại học, đào tạo từ xa). Phần thu vượt này được sử dụng cho bù đắp chi cho công tác tổ chức tuyển sinh các hệ phí chính quy này vào các ngày nghỉ và bù đắp cho việc thiếu hụt do tổ chức tuyển sinh hệ chính quy hàng năm không được ngân sách nhà nước cấp bù.

 

Ông Lê Khánh Tuấn, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Xét một góc độ nào đó thì các khoản thu mà các trường đang thực hiện tuân thủ theo nguyên tắc thu đủ bù chi nhưng hiện nay bất cập là chưa có cơ chế hoặc chưa ban hành để cho các trường thực hiện”.

 

Trước việc “đụng đâu” thấy sai đó, nhiều trường được giao thí điểm tự chủ tài chính than phiền: “Cách làm hiện nay không khác gì là giao cho tự chủ sau đó “trói chân, trói tay” bỏ vào bể bơi cho tự vận động”.

 

Từ khi giao thí điểm tự chủ tài chính cho 5 trường ĐH vào năm 2008 thì cho đến nay không ít các cuộc hội thảo được Bộ Tài chính mở ra để lắng nghe ý kiến đóng góp nhằm điều chỉnh cho hợp lý. Tuy nhiên sau gần 5 năm thực hiện “nhiệm vụ” được giao các trường chỉ gói gọn trong câu nói: “Ngoài việc bị cắt chi phí hoạt động thường xuyên thì cho đến nay chưa thấy được tự chủ gì”.

  

N.H-M.H