Tự chủ đại học và vấn đề pháp lý việc đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đại học
(Dân trí) - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bị tạm đình chỉ công tác trong 90 ngày bởi cơ quan chủ quản là Tổng Liên Đoàn LĐVN đã đặt ra một vấn đề rất đáng quan tâm về mặt pháp lý trong công tác tự chủ đại học.
Ngày 24/8/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác điều hành Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đối với ông Lê Vinh Danh; cũng như công bố quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật đối với các thành viên Ban giám hiệu nhà trường nhiệm kỳ 2014-2019.
Ngày 18/9, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối đại học, cao đẳng TP.HCM đã công bố quyết định kỷ luật và thông báo kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy khối về việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với tập thể Đảng ủy Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cá nhân ông Lê Vinh Danh và các đảng ủy viên có liên quan.
Cụ thể, ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng bị kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng.
Tập thể Đảng uỷ Trường ĐH Tôn Đức Thắng bị cảnh cáo vì đã có những vi phạm trong việc buông lỏng lãnh đạo trong thực hiện quy chế làm việc, chỉ đạo, kiểm tra giám sát… trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường.
Căn cứ Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và từ câu chuyện của TDTU đặt ra một vấn đề rất đáng quan tâm về những vấn đề pháp lý của việc đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng trường đại học.
Ai có thẩm quyền đình chỉ Hiệu trưởng trường đại học?
Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 (Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 sửa đổi) thì Hội đồng trường có quyền quyết định nhân sự Hiệu trưởng.
“… Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học”.
Như vậy căn cứ quy định này, việc miễn nhiệm Hiệu trưởng đã được quy định rõ trong Luật 34 thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Trường. Riêng về đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng hiện chưa rõ vì không được quy định cụ thể (cả trong Luật số 34 và Nghị định 99 hướng dẫn).
Về nguyên tắc Hội đồng trường có thẩm quyền quyết định nhân sự thì có quyền đình chỉ nhân sự. Nếu cho rằng việc đình chỉ không thuộc thẩm quyền Hội đồng Trường thì cũng chưa có văn bản nào quy định việc đình chỉ công tác thuộc thẩm quyền của cơ quan chủ quản?
Theo quy định tại Điều 71 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định về Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác thì Khi có căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ, quyền hạn tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Theo Điều 40 Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng 2018 về nguyên tắc xác định thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác thì Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, tuyển dụng, quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý khi có căn cứ được quy định tại Điều 43 của Nghị định này.
Khoản 1, Điều 42, Nghị định 59/2019/NĐ-CP về Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước quy định Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người giữ chức vụ quản lý do mình bổ nhiệm.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018 về Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thì Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Điểm đ, Khoản 2, Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 7 Nghị định 99/2019/NĐ-CP về quy trình thủ tục công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập thì Sau khi quyết định nhân sự hiệu trưởng, hội đồng trường gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp; trong đó nêu rõ quy trình xác định nhân sự hiệu trưởng theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và các minh chứng kèm theo; sơ yếu lý lịch, văn bản đồng ý của người được đề nghị công nhận hiệu trưởng;
Như vậy, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì việc bổ nhiệm Hiệu trưởng của trường đại học công lập do Hội đồng trường quyết định, cơ quan quản lý trực tiếp chỉ có thẩm quyền công nhận.
Đối chiếu với quy định tại Luật phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP thì việc tạm đình chỉ công tác chức danh Hiệu trưởng phải do Hội đồng trường của Trường Đại học Tôn Đức Thắng quyết định.
Hiện nay, Hội đồng trường nhiệm kỳ 2014-2019 của TDTU đã kết thúc theo Quyết định 1456/QĐ-TLĐ ngày 18/9/2019 của cơ quan chủ quản; còn Hội đồng trường nhiệm kỳ mới thì chưa được thành lập sau 2 lần bầu nhưng chưa được cơ quan chủ quản công nhận và việc kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Trong thời gian chuyển tiếp chờ bầu Hội đồng trường và Hiệu trưởng nhiệm kỳ mới, Hiệu trưởng nhiệm kỳ cũ được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 7, Nghị định 99/2019/NĐ-CP.
Hiệu trưởng đang làm nhiệm vụ trong thời gian chuyển tiếp này là thực hiện theo quy định của Chính phủ, việc thay đổi nhân sự làm nhiệm vụ Hiệu trưởng trong thời gian này thì chỉ có Chính phủ mới có quyền quyết định.
Tuy nhiên, trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng chỉ nói về việc kéo dài nhiệm vụ Hiệu trưởng; không quy định việc thay đổi nhân sự này khi cần thiết (tình huống hiệu trưởng được kéo dài mà lại bị đình chỉ là điều chưa được dự liệu).
Như vậy việc cơ quan chủ quản có quyết định đình chỉ/miễn nhiệm Hiệu trưởng và phân công người tạm quyền quản lý một đại học tự chủ cần được xem xét kỹ về thẩm quyền. Cơ quan chủ quản có được Chính phủ ủy quyền quyết định việc này không?
Các hệ lụy pháp lý của việc đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng
Hiện nay, Ban Giám hiệu TDTU nhiệm kỳ 2014-2019 đã kết thúc nhiệm kỳ theo quyết định của cơ quan chủ quản, trong thời gian chưa bầu được Hội đồng Trường mới, Hiệu trưởng được kéo dài việc thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ và quyết nghị của Hội đồng trường trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Việc đình chỉ công tác điều hành của Hiệu trưởng trong bối cảnh Hội đồng trường/Ban Giám hiệu đều hết nhiệm kỳ đã gây ra nhiều hệ lụy, hơn 2000 sinh viên tốt nghiệp vào tháng 9/2020 không có người ký bằng tốt nghiệp.
Liệu khi ra quyết định đình chỉ ông Lê Vinh Danh, cơ quan chủ quản có tính đến hệ lụy khi không có ai ký văn bằng cho người học đồng thời lại đúng vào thời điểm tuyển sinh của TDTU dẫn đến bị ảnh hưởng, đe dọa nguồn thu và sự tồn tại của một đơn vị tự chủ.
Các hợp đồng hợp tác với các trường Đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước bị ngừng trệ, gây thiệt hại cho Trường khi bị các đơn vị này phạt hợp đồng và tác động xấu đến uy tín của Việt Nam đối với nước ngoài.
Đây cũng là thiệt hại về vật chất và tình thần không thể khắc phục được. Một ngày chậm giải quyết câu chuyện này thì hoạt động của Nhà trường và quyền lợi của sinh viên, người học và GVVC sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Giải pháp nào?
Để sớm ổn định tổ chức hoạt động của TDTU hiện nay, cơ quan chủ quản cần kịp thời phối hợp với Đảng ủy Trường, Đảng ủy Khối các Trường ĐH Cao đẳng TP.HCM để triển khai thực hiện ngay công tác nhân sự của TDTU.
Theo qui định hiện hành, để làm công tác nhân sự Hiệu trưởng thì trước hết phải làm quy trình và bầu Hội đồng trường nhiệm kỳ mới.
Theo Nghị quyết 19-NQ/TW thì Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư Đảng ủy, theo hướng dẫn Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng ủy Khối đại học – cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh thì nhân sự Bí thư Đảng ủy sẽ là nhân sự dự kiến làm Chủ tịch Hội đồng trường.
Do Ban chấp hành Đảng bộ trường Đại học Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2020-2025 cũng chưa được bầu, để tiến hành làm công tác nhân sự và bầu Hội đồng trường nhiệm kỳ mới và Hiệu trưởng thì cần làm công tác nhân sự và bầu Ban chấp hành Đảng bộ trường nhiệm kỳ 2020-2025 trước.
Công tác nhân sự thực hiện theo quy trình:
- Bầu Ban chấp hành Đảng bộ Nhà trường nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban chấp hành bầu Thường vụ Đảng ủy, Bí thư và Phó bí thư; báo cáo Đảng ủy khối để được phê chuẩn.
- Thường vụ Đảng ủy và các thành viên khác của Tập thể lãnh đạo Nhà trường cùng với đại diện cơ quan chủ quản cần thống nhất quy trình, cơ cấu nhân sự để thực hiện việc bầu Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025.
- Trình danh sách Hội đồng trường cho cơ quan chủ quản công nhận. Hội đồng trường thực hiện quy trình bầu Chủ tịch Hội đồng Trường. Trình kết quả bầu cho cơ quan chủ quản công nhận
Chủ tịch Hội đồng trường mới chủ trì xây dựng Quy chế tổ chức hoạt động của Trường, thực hiện qui hoạch, qui trình và thủ tục để chọn hiệu trưởng, chủ trì bầu hiệu trưởng. Trình kết quả bầu hiệu trưởng cho cơ quan quản lý trực tiếp công nhận.
Để triển khai đồng bộ các quy trình này cần có sự đồng thuận và thống nhất cao giữa Đảng ủy Trường, tập thể cán bộ chủ chốt nhà trường và cơ quan chủ quản. Rất cần một giải pháp kịp thời để tránh nguy cơ đổ vỡ một mô hình tự chủ tại TDTU như hiện nay.