Tự chủ đại học ở Việt Nam

(Dân trí) - Đó là chủ đề “nóng” của giáo dục đại học Việt Nam trong câu chuyện cải cách giáo dục hiện nay; cũng là chủ đề chính của hội thảo do Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 25 và 26/10

Tham dự hội thảo có 45 đại diện của 27 trường đại học Việt Nam trong đó có 20 Hiệu trưởng, Hiệu phó và thành viên của hội đồng khoa học trường; đặc biệt là các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực.


Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ngay tại phiên khai mạc hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ trải nghiệm thực tế khi khởi động tổ chức bộ máy theo cơ chế của đại học tự chủ, nhất là với các trường công lập. Một trong những vấn đề bàn thảo nhiều nhất là thực hiện tự chủ thế nào với việc thay đổi chất lượng giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực đi kèm với mức thu học phí tăng lên khi thoát khỏi “bao cấp”

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian bàn thảo xoay quanh việc một cơ chế quản lý và bộ máy tổ chức chất lượng, tạo được sự cân bằng giữa Ban lãnh đạo trường và các khoa, viện của một trường đại học tự chủ cần phải như thế nào?; Tự chủ đóng vai trò gì trong việc thu hút và thúc đẩy nguồn lực khoa học và nguồn lực quản lý giỏi?; Các trường đại học tự chủ được trao quyền ở phạm vi nào trong việc phát triển chương trình học, trong nghiên cứu khoa học hoặc trong hội nhập quốc tế?

Đóng vai trò tư vấn, các chuyên gia quốc tế của DAAD chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu thực hiện tự chủ đại học ở Đức và quốc tế.

Đại diện của DAAD bày tỏ mong muốn đóng góp một phần cho quá trình cải cách trường đại học tại Việt Nam. Trong đó phải kể đến việc hỗ trợ xây dựng cơ cấu trường đại học, đào tạo nhân lực cũng như hiện nay là hỗ trợ cải cách giáo dục đại học.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm