Bạn đọc viết:

Từ bài toán tính gà, nghĩ đến mục tiêu chính của giáo dục

(Dân trí) - Một điều dễ nhận thấy trong các cuộc tranh luận liên quan tới giáo dục gần đây là chúng ta thường chỉ tranh luận trên bề mặt vấn đề mà ít khi quay lại từ gốc. Mục tiêu của giáo dục là gì? Mục tiêu của học toán là gì?...

Quả thực đọc các ý kiến bạn đọc tranh luận về bài toán tính gà 4x 8 hay 8x4 mới thấy ai cũng rất say sưa với các quan điểm và luận cứ của mình. Cứ tranh luận thế này thì bao giờ mới dứt?  

Một điều dễ nhận thấy trong các cuộc tranh luận liên quan tới giáo dục gần đây là chúng ta thường chỉ tranh luận trên bề mặt vấn đề mà ít khi quay lại từ gốc. Mục tiêu của giáo dục là gì? Đào tạo học sinh có kĩ năng gì? Mục tiêu của học toán là gì? Mục tiêu của việc học bảng cửu chương là gì? Mục tiêu của bài toán này là gì? Muốn giáo dục thành công, chúng ta phải biết cái gốc, từ đó phát triển thành cành, thành các mục tiêu nhỏ hơn.

Quay lại bài toán con gà, đây là bài toán trong chương trình “Logic”, “Đại số” hay chương trình “Toán số học”? Nếu là toán tiểu học (số học), đây có phải là bài toán trong mục tiêu giáo dục “Ứng dụng bảng cửu chương qua các bài toán cụ thể”? Đây là bài toán ôn tập hay bài toán trong phần “bảng cửu chương nhân 8”?
 
Nếu là bài toán trong phần bảng cửu chương nhân 8, thì tất nhiên mục tiêu của giáo viên là dạy trẻ hiểu 8x1=8, 8x2=16; 8x3=24, 8x4=32; thì học sinh nên tư duy 8x4, tuy nhiên trong phần câu trả lời không nên có 4x8 mà nên có 4+4+4+4+4+4+4+4 chẳng hạn, để các con hiểu 8 lần 4 cộng lại.

Từ bài toán tính gà, nghĩ đến mục tiêu chính của giáo dục

Nếu là bài toán trong ứng dụng bảng cửu chương, thì 4x8 hay 8x4 đều đúng, vì mục đích học bảng cửu chương là gì? Để áp dụng được các phép nhân vào tính thực tế. Để thay vì phải đi đếm, cộng ngang cộng dọc, chúng ta có thể dùng những gì chúng ta đã thuộc lòng để tính ngay ra được số con gà! Thật là tuyệt! Thế thì cách nào ứng dụng được để ra đáp số cũng được. Bởi vì mục tiêu học bảng cửu chương chỉ có thế thôi, giúp chúng ta có những “short-cut” (đường dẫn ngắn) dẫn thẳng đến kết quả, giúp các con nhanh nhạy hơn, hiểu vấn đề hơn, và hứng thú với học thuộc lòng bảng cửu chương hơn; biết ứng dụng trong thực tế; cũng như dần dần chuẩn bị khả năng để nhớ những công thức, định lý, tiên đề khó hơn ở các lớp học cao hơn.

Thay vì thế, bài toán lại ra những lựa chọn rất đánh đố về mặt logic, và cô giáo lại dùng những tư duy cao hơn nữa, khó hơn nữa để giải thích một mục tiêu giáo dục rất cụ thể rất “tiểu học” là “áp dụng bảng cửu chương”. Trẻ sẽ ngơ ngác, sẽ đành lại phải học thuộc lòng cả cách suy luận, và thấy toán học cũng nhàm chán như chính việc học thuộc lòng bảng cửu chương. Trẻ không được động não, không được tìm cách nhanh nhất trả lời được câu hỏi, thì còn gì là thú vị với việc học toán nữa? Thậm chí, để đếm ra 32 con gà, nếu các em thuộc bảng cửu chương số 4 hơn, thì có thể “nhanh nhẹn” áp dụng 4x8 =32 và ra đáp số “nhanh nhất” vẫn là một kết quả tuyệt vời của mục tiêu “dạy trẻ ứng dụng bảng cửu chương”.

Tại sao chúng ta lại càng ngày càng xa rời những câu hỏi cơ bản như “học để làm gì”, “bài toán này phục vụ mục đích gì” như thế này? Tại sao lại cứ muốn biến các em thành cái máy, phải bấm máy tính 8x4 mới đúng còn 4x8 sẽ là sai? (hoặc ngược lại?)

Cách đây không lâu, dư luận cũng rộ lên bài toán tính tuổi thuyền trưởng. Không nói đến tính đúng sai, có thật hay không của bài toán, nhưng hãy chú ý đến mục tiêu khi đưa ra đề bài này của người thầy “vì Bộ yêu cầu sáng tạo”. Như vậy, mục tiêu là vì yêu cầu của Bộ, hay vì muốn các con sáng tạo hơn? Hay muốn các con biết suy luận bên ngoài cái hộp (think out of the box?). Giả sử mục tiêu “biết suy nghĩ ra ngoài giới hạn thông thường của Toán học” cần được đưa vào mục tiêu phát triển trẻ tiểu học, các thầy cũng nên nghiên cứu xem những loại bài nào, cách giảng dạy nào, phần nào thì nên đưa mục tiêu này vào; cho các em tiếp cận và hình dung khác về cuộc sống qua môn học nào, tại độ tuổi nào… chứ không thể bừa cái đánh dấu sao và đưa một bài toán đánh đố vào trong một bài kiểm tra, vì các con có thể mất cả buổi thi hoang mang nhìn đề bài này nếu như chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Giả sử mục tiêu “dạy các con sáng tạo/suy nghĩ ngoài giới hạn thông thường thông qua việc học toán” thì bài toán cần đưa vào lớp học khi các con được sôi nổi bàn tán và tranh cãi, thậm chí chia nhóm để tranh cãi, và khi cô giáo đưa đáp án các bạn sẽ “Ồ” và ấn tượng đọng lại là vui vẻ tích cực tiếp nhận, chứ không phải là đưa bài toán vào một bài kiểm tra. Như vậy, người viết sách có thể đúng, nhưng thiếu hướng dẫn thực hành cụ thể dẫn đến việc giáo viên áp dụng sai, gây ấn tượng xấu cho trẻ và phụ huynh, khiến phụ huynh mất niềm tin vào giáo dục.

Dzung Nguyen