Tâm sự của tác giả bài toán “đầu cừu, đuôi thuyền trưởng”
(Dân trí) - “Giáo dục của chúng ta chỉ mới đề cập một chiều, mặc định lời thầy cô, bố mẹ, sách nói là đúng tạo ra một lớp trẻ không được chích ngừa, không có sức đề kháng. Một chút vi trùng là học trò chới với”.
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Phạm Đình Thực, nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn tác giả bài toán "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?" chia sẻ với PV Dân trí về bài toán "lạ" của mình.
Tôi có chủ ý viết “tầm bậy”
Phóng viên: Thưa ông, trong những ngày qua, có rất ý kiến tranh cãi xunh quanh bài toán “đầu cừu đuôi thuyền trưởng” - được biết do ông là tác giả. Ông có theo dõi những phản hồi này không?
NGƯT Phạm Đình Thực: Không chỉ trên báo chí, nhiều người gọi điện trực tiếp cho tôi và phần lớn họ đồng tình về bài toán này - được in trong sách Bài tập toán tham khảo Toán lớp 2 năm 2013 của Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nhà giáo Phạm Đình Thực tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1970. Ông được phong Nhà giáo Ưu tú năm 1988. Ông là tác giả của trên 500 cuốn sách về Toán tiểu học dành cho giáo viên và học sinh.
Thật ra, từ lâu đã có một số phụ huynh gọi điện phản ánh tôi ra "bài toán tầm bậy". Nhiều người tưởng rằng tác giả viết bậy bạ nhưng đây là chủ định của mình, tôi cố ý đưa vào chứ không phải bậy bạ. Trên chục cuốn sách của tôi có đưa vào những bài Toán dạng “ngược” thế này chứ không mỗi bài toán “con cừu, ông thuyền trường”.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về chủ ý của mình khi đưa một bài toán đầu một đằng, đuôi một nẻo vào sách? Hơn nữa, có nghịch lý không khi bài toán theo dạng mở nhưng lại ra đáp án là “không giải được?
NGƯT Phạm Đình Thực: Tôi xin nhấn mạnh đây không phải là một bài toán mở. Không phải cứ cái gì mới mới, lạ lạ là mở. Đề mở là đặt ra nhiều khả năng, đáp án khác nhau hoặc chưa có trong đáp án. Còn đây là bài toán sai, một bài toán tầm bậy.
Trước mỗi bài toán, vấn đề trẻ phải đọc, phải suy nghĩ và đi đến kết luận. Với đề toán này, rất nhiều em vừa đọc đề, vừa thấy có từ “rơi” là làm tính trừ ngay mà không đọc kỹ đề, không suy nghĩ và không có thói quen tư duy.
Theo tôi biết, khoảng 5 - 10% các em giải được rằng đề Toán này “viết bậy”. Em nào nói được đây là bài toán tầm bậy nghĩa là các em đọc kỹ đề, tư duy và có nhận định về vấn đề. Tất nhiên là khi chưa đăng tải trên báo chí rầm rộ thế này.
Trẻ cần biết phản biện, không phải điều gì từ thầy cô, bố hay hay từ sách đều mặc nhiên là đúng.
Tôi còn nhiều bài toán “tầm bậy” lắm! - Nói đến đây, nhà giáo Phạm Đình Thực đứng dậy cầm bút vẽ một hình tam giác.
Đây cũng là bài toán khác của tôi. Cho một hình tam giác thế này rồi yêu cầu HS tính diện tích. Nhiều người sẽ nói ngay không giải được vì không có dữ liệu. Nhưng HS chúng ta có thước kẻ, có ê ke có thể tự đo chiều cao, độ dài đáy tìm dữ liệu để giải. Các em toàn toàn có thể tự mình xây dựng dữ liệu bài toán.
Học trò được “mớm” nhiều quá
Phóng viên: Đưa ra những bài toán “ngược đời” như vậy, ông có băn khoăn phải chăng mình đang đánh đố và làm học trò thêm nặng nề trong việc học?
NGƯT Phạm Đình Thực: Bất cứ sự động não nào cũng đòi hỏi sự vất vả, khổ luyện, căng thẳng. Và sự vất vả rất đáng giá. Đừng bao giờ nghĩ anh đạt được trí tuệ mà không vất vả. Còn cha mẹ muốn trẻ học ít, học không vất vả, không khổ luyện thì không giỏi được đâu.
Tuy nhiên, tôi phải nói rằng sự vất vả hiện nay không cần thiết. Trẻ đi học thêm, nhồi nhét chứ chưa thật sự phát huy được khả năng tự học. Trẻ muốn hiểu được bài, muốn có kỹ năng phải tự suy nghĩ, tự động não mới hiểu vấn đề.
Giờ gặp một bài toán khó, HS đi học thêm là được thầy chỉ cho dạng này, dạng kia rồi chỉ cách giải thế này, thế kia ngay. Cái gì các em cũng được “mớm” sẵn, thầy cô làm hộ thì còn gì là động não.
Phải tự học, tự mày mò kiến thức, phải toát mồ hôi tìm hiểu thì đó mới là kiến thức của mình. Cứ khó rồi chờ thầy chỉ thì kiến thức giải bài Toán đó vẫn là của ông thầy, đâu phải của HS.
Các em bây giờ rất lười tư duy vì cái gì cũng có sẵn. Chúng ta không tạo điều kiện cho HS tự học để kiến thức thành tri thức, thành kỹ năng mà hình thành cho các em thói quen: lười tư duy.
Chúng ta cần tập cho trẻ nhận định bằng chính tư duy của mình, phải biết phản biện, phải linh hoạt trước mọi vấn đề. Trí tuệ của trẻ dồi dào lắm.
Phóng viên: Theo ông, chương trình học tác động đến tư duy của học trò như thế nào? Cụ thể là chương trình môn Toán trong trường tiểu học?
NGƯT Phạm Đình Thực: Môn Toán của chúng ta ở bậc tiểu học không nặng đâu nhưng quá hàn lâm, nhất là về mặt ngôn ngữ y như rằng sau này cho ra toàn các nhà toán học. Người bình thường không có cần như vậy. Chương trình toán của chúng ta không gắn liền với cuộc sống nên HS không thích học và không vận dụng được.
Mà không riêng gì môn Toán. Tôi không vừa lòng với giáo dục của chúng ta là chỉ dạy những điều đúng mà bỏ quan những điều sai/cái xấu/ cái phản diện. Lịch sử thường chỉ đề cập địch chết bao nhiêu mà né tránh mất mát của mình. Giáo dục chỉ nói con người Việt Nam toàn tính tốt mà tính xấu của người Việt nhiều lắm lại không đề cập. Đạo đạo đức chỉ nói hiếu thảo mà không nói lên sự bất hiếu.
Giáo dục của chúng ta chỉ nói điều đúng, người học như được mặc định những điều thầy cô, bố mẹ, sách nói là đúng tạo ra một lớp trẻ không được chính ngừa, không có sức đề kháng. Nền giáo dục không có sức đề kháng. Vi trùng vào là các em chới với. Chỉ một bài toán sai đã rối như vậy rồi.
Trẻ của chúng ta thiếu tư duy linh hoạt để có thể ứng phó với mọi tình huống. Các em cần biết phản biện lại điều không đúng, kể cả điều đó do thầy cô, bố hay hay sách đề cập.
Đúng - sai, chính diện- phản diện, tốt - xấu là hai mặt của vấn đề, luôn đi cùng với nhau, không thể tách rời. Có xấu mới có tốt, có sai mới có đúng, có đau khổ mới có hạnh phúc... Nhưng chúng ta chỉ mới dạy trẻ một nửa của chân lý.
Hoài Nam