Bài toán tính gà: Lỗi của sự “sáng tạo” quá đà?

(Dân trí) - Trong quá trình tiếp cận với một số giáo viên tiểu học để tìm lời giải “bài toán tính gà”, phóng viên <i>Dân trí</i> đã phát hiện ra một số tình tiết khá thú vị. Trong sách giáo khoa lớp 2 và 3 có những dạng toán tương tự nhưng không ra đề dưới dạng trắc nghiệm.

Vừa qua, một phụ huynh đăng tải trên mạng một bài kiểm tra toán tính số gà mà giáo viên đưa ra cho học sinh. Cụ thể như sau:

 

Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là:

Với các phương án:

A. 4x8=32

B. 8x4=32

C. 4+8=12

D. 8:4=2

Trong bài toán này, em học sinh tiểu học lựa chọn đáp án A (4x8=32), tuy nhiên giáo viên lại cho rằng đây là đáp án sai và phương án B (8x4=32) mới chính xác.

 

Sau khi báo chí đăng tải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng cô giáo bắt bẻ học sinh và phê phán cô giáo nhưng cũng có nhiều ý kiến khẳng định đáp án của cô giáo là đúng.

 
Phó hiệu trưởng của một trường tiểu học (theo đề nghị của phó hiệu trưởng này, xin phép không nêu tên) ở Hà Nội chia sẻ: "Cá nhân tôi cũng hay đi dự giờ đối với học sinh (HS) lớp 2 và những dạng toán diễn giải tương tự như bài toán tính gà thì phần lớn các em sẽ viết theo chiều thuận, nghĩa là 8x4, tuy nhiên cũng có em sẽ viết là 4x8. Dù các em viết theo kiểu nào thì chúng tôi đều công nhận đáp án là đúng. Sở dĩ nhiều em sẽ viết 8x4 là do phương pháp dạy của giáo viên (GV) quy ước theo chiều thuận để HS dễ hiểu. Câu chuyện trở nên phức tạp bởi GV đã cho rằng phép tính 4x8 là sai".

“Ở đây GV đã sáng tạo từ một bài toán diễn giải bằng lời sau đó ra phép tính nhân trong sách giáo khoa (SGK) bằng một đề thi tương tự dưới hình thức ra câu hỏi trắc nghiệm. Song GV đã có một sự “sáng tạo” quá đà nên dẫn đến cách hiểu sai, thậm chí là đánh đố HS. Cá nhân tôi còn nhận thấy, bài toán tính gà này đã vượt quá chương trình lớp 2 bởi nếu ai tham khảo SGK Toán lớp 2 thì các em mới chỉ làm quen đến phép nhân 5, nếu đề ra viết phép nhân 8, tôi thiết nghĩ nhiều em sẽ chưa hiểu được” - vị phó hiệu trưởng này nói.

Minh chứng cho sự “sáng tạo” của GV từ bài toán cụ thể trong SGK, phó hiệu trưởng này tiết lộ: Đối với GV tiểu học dạy môn Toán thì thường dùng các tài liệu liên quan đến kiến thức chuyên môn. Cụ thể gồm SGK, sách giáo viên và một tài liệu hữu ích khác là thiết kế bài giảng toán.

Xin lấy một minh chứng cụ thể trong SGK hiện hành và hướng xử lý của các tài liệu dành cho GV đã đề cập nói trên. Ở phần ôn tập củng cố kiến thức đầu năm học nằm trong SGK khoa Toán lớp 3 có bài: "Trong phòng ăn có 8 cái bàn, cứ mỗi bàn xếp 4 cái ghế. Hỏi trong phòng ăn có bao nhiêu cái ghế?".

Ở sách giáo viên của NXB Giáo dục Việt Nam hướng dẫn như sau: Bài này nhằm củng cố phép nhân, HS tự giải, chẳng hạn: Số ghế trong phòng ăn là: 4x8 =32 (cái ghế). Đáp số: 32 cái ghế.

Một cách thiết kế bài giảng với một bài toán cụ thể dành cho học sinh tiểu học
Một cách thiết kế bài giảng với một bài toán cụ thể dành cho học sinh tiểu học.

Chúng ta sẽ thấy rõ vì sao ở bài toán này, tác giả lại dụng ý chọn phép tính 4x8 mà không chọn phép tính 8x4 được thể hiện trong cuốn sách thiết kế bài bài giảng toán. Xin đưa một cách thiết kế bài giảng toán 3 của một cuốn sách của NXB Hà Nội về bài toán này:
 
GV: - Gọi một học sinh đọc đề bài
-GV hỏi để hướng dẫn:
+ Trong phòng ăn có mấy cái bàn?
+ Mỗi bàn có mấy cái ghế?
+ Vậy 4 cái ghế được lấy mấy lần?
+ Muốn tính số ghế trong phòng ăn ta thực hiện như thế nào?
-Yêu cầu học sinh làm bài
-Chữa bài và cho điểm HS
HS: -Trong phòng ăn có 8 cái bàn, cứ mỗi bàn xếp 4 cái ghế. Hỏi trong phòng ăn có bao nhiêu cái ghế?
-HS trả lời để rút ra cách giải:
+ Trong phòng ăn có 8 cái bàn
+ Mỗi bàn có 4 cái ghế
+ 4 cái ghế được lấy 8 lần
+ Ta thực hiện tính 4x8
+ Một học sinh lên bảng làm bài, các em còn lại làm vào vở bài tập.
 
Bài giải
Số ghế trong phòng ăn là:
4x8=32 (cái ghế)
Đáp số: 32 cái ghế
 
“Theo tôi cách diễn giải này sẽ giúp HS dễ hình dung ra hơn để tiếp cận đến phép tính nhân. Nếu chúng ta nói ngược lại và đưa số 8 lên đầu thì khá trừu tượng, các em HS lớp 2 khó có thể hiểu được. Đối với chúng ta, khi đã có đủ kiến thức thì sẽ nhận thấy đây chỉ là hai con số chiếu lệ không cần đơn vị tính, việc thực hiện 4x8 hay 8x4 thì cũng giống nhau vì phép nhân có tính hoán vị” - lãnh đạo nói trên chia sẻ.

Phó hiệu trưởng này cũng khẳng định, nếu tuân thủ nguyên tắc thiết kế bài giảng như trên thì bài toán tính gà đã vượt quá khả năng của HS lớp 2 bởi phép tính sẽ là 8x4 nghĩa là các em phải làm quen với phép nhân 8. Có thể vì lý do các em chưa được làm quen với phép nhân 8 nên đã có HS chọn đáp án đúng là 4x8. Song nếu đáp án là 4x8 thì đề bài toán lại nên điều chỉnh như sau để phù hợp với HS lớp 2: Nhà Lan có 8 chuồng gà, mỗi chuồng có 4 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà?

“Tôi chỉ muốn đề cập đến việc thiết kế bài giảng như thế nào để làm cho HS lớp 2 dễ hiểu nhất khi tiếp cận với phép nhân. Có thể sẽ có những cách thiết kế bài giảng khác nhau nhưng viết theo chiều thuận, chắc chắn HS sẽ dễ hiểu hơn” - phó hiệu trưởng này chốt câu chuyện.

S.H (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm