Bạn đọc viết:

Bài toán tính gà: Chân lý khoa học không phụ thuộc vào bậc học

(Dân trí) - "Nếu ở nước ngoài, người ta chú trọng trau dồi tư duy phản biện (critical thinking) thì ở ta lại hay có khái niệm “luyện” như luyện thi, luyện viết chữ. Những cái luyện đó đưa học sinh đi đến một tư duy lối mòn, không có sáng tạo, kiểu như số gà phải là 8x4 chứ không thể là 4x8".

Mấy ngày qua, bài toán tính gà đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Từ Australia, bạn đọc Nguyễn Nguyên Ngọc chia sẻ ý kiến dưới đây, xin trân trọng giới thiệu:
 
Tôi không thuộc thẩm quyền để đưa ra một kết luận nhằm kết thúc cuộc tranh luận này, nhưng tôi viết bài này với mong muốn chúng ta có thể chấm dứt cuộc tranh luận về “bài toán tính gà” tại đây. Trên quan điểm khoa học, người ra đề bài toán đã sai khi đưa ra hai đáp án cùng đúng trong một câu hỏi. Điều sai lầm trong tư duy ở đây là người ra đề và chấm bài đã cho rằng một chân lý khoa học sẽ sai ở bậc tiểu học, và sẽ đúng ở các bậc cao hơn. Điều này hoàn toàn sai lầm. Cùng một chân lý khoa học, nhưng ở bậc học tiểu học, các em sẽ được tiếp cận bằng con đường đơn giản nhất, trực quan nhất, và khi tư duy và kiến thức của học sinh phát triển lên, người ta sẽ tiếp cận chân lý đó bằng con đường trừu tượng hơn, phổ quát hơn, nhưng cái kiến thức trừu tượng đó không phủ nhận lại kiến thức ban đầu.
 
Tôi lấy ví dụ, khi các em mới học tính cộng, các em sẽ dùng những que tính và đếm số que trong tổng để đưa ra kết quả. Chẳng hạn thực hiện phép tính 4 + 4 + 4 + 4, các em sẽ chia các que tính ra thành 4 phần, mỗi phần 4 que rồi gộp chúng lại và đếm, nó sẽ ra 16. Vậy 4 + 4 + 4 + 4 =16. Nhưng khi các em học cao hơn, các em sẽ thực hiện phép nhân, 4 + 4 + 4 + 4 = 4x4 = 16. Và cao hơn nữa, các em có thể dùng phép lũy thừa, sẽ là 4x4 = 42 = 16.

Vậy về mặt khoa học, không thể ra một bài toán cho học sinh lớp 2 kiểu như: Trong các phép tính sau, phép tính nào đúng:

A/ 4 + 4 + 4 + 4 = 16

B/ 4x4 = 16

C/ 42 = 16

Và rồi cho đáp án đúng là A/ với lý do các em chưa học phép nhân và phép lũy thừa. Xét về mặt khoa học, tất cả các đáp án đều đúng.

Quay trở lại bài toán tính gà, cả hai phương án A và B đều đúng. Nếu phương án A có áp dụng phép giao hoán mà các em chưa được học, thì người ra đề không được phép đưa ra ở đây, còn nếu đã đưa ra ở đây, thì hiển nhiên nó là một phương án đúng. Cũng như không có chuyện ở lớp 2 thì 42 = 16 là sai được.

Quan trọng hơn cả, phải hiểu rằng giáo dục là dạy cho học sinh lối tư duy và tiếp cận vấn đề trên nhiều khía cạnh. Không thể áp đặt các em theo kiểu 8x4 thì đúng còn 4x8 thì sai. Nếu ở nước ngoài, người ta chú trọng trau dồi tư duy phản biện (critical thinking) thì ở ta lại hay có khái niệm “luyện” như luyện thi, luyện viết chữ. Những cái luyện đó đưa học sinh đi đến một tư duy lối mòn, không có sáng tạo, kiểu như số gà phải là 8x4 chứ không thể là 4x8. Với những tư duy non trẻ được hình thành theo lối mòn đó thì lên cao hơn làm sao các em có những suy nghĩ, phát kiến táo bạo để khám phá và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, trong khoa học?

Nguyễn Nguyên Ngọc
(Hiện học tập tại Australia)
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm