Trượt ĐH Harvard danh tiếng vì quá… toàn diện?!

(Dân trí) - “ĐH Harvard không chọn ứng viên toàn tài!”, đó là chia sẻ của thầy Conor McVeigh - chuyên gia đào tạo tuyển sinh ĐH Hoa Kỳ với bạn trẻ Việt về câu chuyện chinh phục ĐH danh tiếng bậc nhất thế giới này tại buổi hội thảo hôm 11/6.

Thất bại vào Harvard vì quá… toàn diện?!

Điểm số môn học ở trường, các điểm số chuẩn hóa SAT, ACT… rất hoàn hảo nhưng tại sao bạn vẫn trượt Harvard và nhóm trường IvyLeague?

Rất sinh động, bằng cách chọn 4 bạn trẻ lên sân khấu đại diện cho 4 tuýp ứng viên ứng tuyển vào ĐH Harvard, chuyên gia Conor McVeigh đã giúp người tham dự hình dung dễ dàng, ai trong số những ứng viên này có cơ hội vào Harvard, ngôi trường ĐH danh tiếng có mức độ cạnh tranh nghiệt ngã.


Chuyên gia Conor McVeigh nhấn mạnh, ĐH Harvard đi tìm chọn những ứng viên có câu chuyện thú vị thay vị ứng viên “biết nhiều nhưng không sâu”.

Chuyên gia Conor McVeigh nhấn mạnh, ĐH Harvard đi tìm chọn những ứng viên có câu chuyện thú vị thay vị ứng viên “biết nhiều nhưng không sâu”.

Ứng viên đầu tiên là một học sinh ở trường trung học nổi tiếng ở Mỹ và chuẩn bị thi ĐH, bạn rất quan tâm đến vấn đề y tế công và bạn này rất muốn sang Hoa Kỳ để đại diện cho sinh viên Việt Nam học về vấn đề này.

Ở trường trung học, ứng viên này đã rất quan tâm đến y tế công cộng và cũng đã phối hợp với nhiều tổ chức ở địa phương; thực tập ở bệnh viện để trao đổi với các nhà quản lý về câu hỏi làm thế nào để có chính sách tốt liên quan đến y tế công. Ứng viên cũng có nhiều phản biện để tìm ra chính sách y tế có lợi cho người nghèo, người có điều kiện khó khăn ở Việt Nam.

Ứng viên 2 là một học sinh da màu, bố là một nhà lãnh đạo người Châu Phi, điểm số SAT chỉ ở mức trung bình và ứng viên này mong muốn sau khi học ở Hoa Kỳ có thể quay về phục vụ đất nước trong phòng chống tham nhũng và trở thành một chính trị gia.

Ứng viên 3 là người Việt Nam và cũng đang học trung học ở Mỹ, học sinh này có các điểm số học tập và chuẩn hóa rất hoàn hảo, ngoài ra còn đạt huy chương vàng môn Toán quốc gia, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa - lập các CLB nên được các học sinh trong trường rất mến mộ. Ứng viên này quan tâm nhiều đến các chủ đề từ thể thao, toán đến âm nhạc.

Ứng viên 4 là người Mỹ Latin, không muốn thi vào Harvard, không có điểm số SAT cao và không có gì đặc biệt nhưng ngay trước ngày tuyển sinh thì mẹ của ứng viên này đã “tặng” trường Harvard 5 triệu đô la.

Chuyên gia đào tạo tuyển sinh đại học Hoa Kỳ Conor McVeigh đã khiến hội trường rất bất ngờ với đáp án, ứng viên 1 và 2 đỗ Harvard, trong khi ứng viên 3 và 4 trượt.

Câu chuyện của ứng viên thứ 3 không được ĐH Harvard lựa chọn đại diện cho mẫu học sinh “toàn tài” với điểm số học tập hoàn hảo, năng nổ trong nhiều hoạt động cộng đồng và có mối quan tâm trải rộng mọi lĩnh vực.

Trái lại, ứng viên 1 thành công vì có một bảng điểm đủ tốt và hơn hết là cá tính nổi bật thể hiện qua mối quan tâm nhất quán, mạnh mẽ về lĩnh vực y tế và chính sách công.

Hơn thế, ứng viên này còn xác định rõ ràng được mục tiêu rằng, muốn học ở Hoa Kỳ để sau này trở về phục vụ đất nước ở lĩnh vực y tế công vốn là thế mạnh và đam mê của mình.

Qua ví dụ này, chuyên gia Conor McVeigh đã “bật mí” bí mật vào trường Harvard cũng như các trường IvyLeague đó là: “Harvard không đi tìm ứng viên toàn diện – lĩnh vực nào cũng biết nhưng không sâu.

Họ đi tìm ứng viên có mối quan tâm sâu sắc ở lĩnh vực nhất định và thể hiện xuất sắc trong lĩnh vực đó. Không nhất thiết phải có điểm số cực hoàn hảo nhưng cần có câu chuyện cá nhân thú vị, độc đáo”.

Lí giải thành công của ứng viên thứ 2 có bố là một nhà lãnh đạo người Châu Phi và điểm số không cao, chuyên gia giải thích: Ứng viên này thuộc nhóm người thiểu số, sinh viên Harvard là người châu Phi đang còn quá ít.

Hơn nữa ứng viên này lại là con của một nhà lãnh đạo da màu vì thế họ biết, trong tương lai có thể bạn nam này cũng sẽ trở thành một nhà lãnh đạo giúp châu Phi đối mặt với nạn tham nhũng.

Thất bại của ứng viên có mẹ đóng góp cho trường 5 triệu đô la trước ngày tuyển sinh là bởi, ĐH Harvard là một trong những trường có tài khoản quỹ mạnh nhất thế giới vì lẽ đó, 5 triệu đô la là quá nhỏ có thể khiến hội đồng tuyển sinh cho rằng đó là hành động “mua chuộc”. Nhưng, nếu vị phụ huynh này năm nào cũng đóng góp một khoản không nhỏ cho trường trong thời gian dài thì có lẽ câu chuyện sẽ khác.

Qua đây, lời khuyên của chuyên gia đào tạo ứng tuyển ĐH Hoa Kỳ cho các bạn trẻ có ước mơ du học là hãy sớm tìm ra đam mê, thế mạnh của mình, tận dụng nó và tập trung vào chuỗi hoạt động một cách thường xuyên, nhất quán để làm nổi bật cá tính, con người mình.

Để ứng tuyển thành công, đừng quên 5 lời khuyên

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, có một sai lầm nhiều ứng viên mắc phải là nộp một bài luận na ná nhau trong tất cả các trường ĐH ứng tuyển mà không cần biết rằng, mục tiêu mỗi trường là không giống nhau.

Và bài luận chung kiểu này cũng không thể nào thể hiện được đam mê, tình yêu của bản thân dành cho trường và do đó, khó có thể lay động trái tim nhà tuyển sinh.

“Nếu bạn chỉ nói tôi muốn học ở Harvard vì đây là môi trường tốt nhất thế giới thì bạn rất dễ bị loại vì đó là câu trả lời quá nhàm chán và chung chung. Hãy nói tôi muốn học ở đây để phát triển lĩnh vực đam mê và tôi sẽ đóng góp thế nào cho cộng đồng sau khi học xong…”, thầy Conor McVeigh nhắn nhủ.

Nhiều phụ huynh, học sinh đặt băn khoăn: “Liệu con em mình học ở một trường cấp 3 nhỏ, không nhiều danh tiếng liệu có cơ hội vào ĐH Harvard hay các trường IvyLeague không?”

Câu trả lời là có. Trước đây, các trường ĐH hạng IvyLeague thường chọn ứng viên dựa vào uy tín và mối quan hệ giữa trường cấp 3 ứng viên đó học với trường đại học (số này khoảng chiếm 40%). Tuy nhiên, sau này khi họ muốn cá tính học sinh trong trường đa dạng hơn thì đã chọn học sinh học cấp 3 ở các trường ít ai biết đến.

Trả lời câu hỏi: “Liệu điểm thấp nhưng bài luận cực tốt liệu có cơ hội trúng tuyển vào nhóm trường IvyLeague?”, thầy Conor McVeigh nói rằng, để vào ĐH cỡ IvyLeague thì không được, bạn cần phải cân bằng giữa điểm số và bài luận.

5 lời khuyên chuyên gia đào tạo giáo dục hàng đầu Hoa Kỳ này dành cho bạn trẻ Việt gồm:

1. Đừng cứ “đâm đầu” nộp đơn vào ĐH Harvard khi bạn biết rằng, mình phù hợp với môi trường khác hơn để tránh phí cơ hội của chính mình, có rất nhiều trường ĐH tốt.

2. Không nên là ứng viên tốt chung chung, hãy tạo ra điểm nhấn của riêng mình bằng thế mạnh.

3. Nộp đơn ở đợt lựa chọn sớm của các trường ĐH Mỹ vì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn nhiều so với các đợt sau.

4. Mặc dù là người gốc Á nên khi nộp vào ĐH Mỹ chắc chắn bạn có thể bị “kì thị” một chút nhưng đừng lo, những điểm nổi bật và thế mạnh độc đáo sẽ mở cho bạn cơ hội.

5. Đừng ngại đi sâu vào chủ đề kì lạ vì đó là điểm cộng rất lớn cho hồ sơ của bạn.

Lệ Thu