Quảng Nam:

Trường vùng cao nuôi heo, gà, rau cải thiện bữa ăn cho các em

(Dân trí) - Từ nguồn vốn ban đầu của các mạnh thường quân, nhiều Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) và tiểu học ở huyện miền núi Nam Trà My tổ chức nuôi heo, gà và trồng rau để cải thiện bữa ăn, tạo quỹ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Đây là mô hình hỗ trợ học sinh khó khăn một cách hiệu quả, gắn kết trách nhiệm chung.

Tiếng trống trường vừa điểm giờ tan lớp, thay vì trở về khu nội trú, một nhóm học trò của Trường PTDTBT THCS Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) lại “lon ton” tiến thẳng ra phía chuồng gia súc. Lúc này, trên tay mỗi cô cậu học trò luôn có mớ rau lang, chuối rừng. Đó là thức ăn cho đàn lợn được các em tranh thủ hái vào mỗi chiều tối muộn sau giờ học ở trường. Hình ảnh này xuất hiện trong hai năm học vừa qua tại trường.


Trường vùng cao nuôi heo, gà, rau cải thiện bữa ăn cho các em - Ảnh 1.

Đàn heo của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Trà Leng

 

Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước thềm khai giảng năm học 2017-2018, nhờ sự kết nối của thầy Nguyễn Trần Vỹ (cán bộ Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My, chủ nhiệm câu lạc bộ Kết nối yêu thương), nhà trường đón nhận sự ủng hộ về vật chất của các tấm lòng thiện nguyện. Với số tiền 10 triệu đồng, sau khi hội ý cùng thầy Vỹ, giáo viên trong trường đã quyết định mua 12 con heo tặng cho học trò nghèo.

Số heo này được nuôi tại nhà trường, nơi có miếng đất còn trống. Cả thầy trò cùng bắt tay làm chuồng trại, tranh thủ thời gian sau mỗi buổi học, thầy cô cùng các em nấu thức ăn, chăm sóc đàn heo. Những ngày cuối tuần, trách nhiệm chăm sóc được các nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ cùng tham gia.

Trường vùng cao nuôi heo, gà, rau cải thiện bữa ăn cho các em - Ảnh 2.

Vườn rau tại Trường PTDTBT THCS Trà Mai

 

Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, được chăm sóc chu đáo, đàn heo lớn rất nhanh. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, nhà trường xuất bán 6 con với giá bình quân 80 nghìn đồng/kg heo hơi. Số tiền thu được, nhà trường đã mua nhu yếu phẩm và tặng kèm 100 nghìn tiền mặt cho 11 học sinh về ăn tết cùng gia đình, tặng nhiều phần quà bánh cho các học sinh khó khăn khác. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mua lại 7 heo con để tiếp tục quay vòng đàn, chủ động nguồn thực phẩm cho học sinh nội trú; đồng thời giữ nguồn quỹ khi có trường hợp cần hỗ trợ.

Nhận thấy mô hình này hỗ trợ các em học sinh khá hiệu quả, một số trường khác trên địa bàn Nam Trà My cũng triển khai mô hình này. Trường PTDTBT THCS Trà Mai, một xã vùng cao khác của huyện Nam Trà My, trong năm học 2018-2019 nhà trường có 242 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số Ca dong đến ở để học tập, trong đó có 70 em học sinh ở thôn 1 và 2.

Trường vùng cao nuôi heo, gà, rau cải thiện bữa ăn cho các em - Ảnh 3.

Đàn heo đang nuôi tại Trường PTDTBT THCS Trà Mai

 

Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng trường cho biết, 70 em học sinh này không thuộc thôn đặc biệt khó khăn nhưng các em này có nhà quá xa, đi lại quá khó khăn để đến trường học tập nhưng các em không được hưởng chế độ học sinh bán trú theo quy định nên các em này có nguy cơ bỏ học. Để tạo điều kiện cho các em có điều kiện để học tập, nhà trường tổ chức hướng dẫn cho học sinh chăn nuôi heo, gà để có thêm nguồn thu.

Cùng nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm chăm lo cho các em, nhà trường tổ chức cho các em trồng rau để cải thiện thêm bữa ăn, bên cạnh đó nhà trường thu mua cây dược liệu như chè dây giảo cổ lam của người dân rồi hướng dẫn học sinh chế biến và bán để kiếm thêm thu nhập, góp vào bếp ăn để chăm lo cho các em được tốt khi đến trường ở lại nội trú nhà trường học tập và duy trì tốt sỹ số học sinh ra lớp.

Nhờ hỗ trợ của các mạnh thường quân, trong năm học 2018-2019 này, nhà trường mua được 10 con heo giống, thầy cô cùng các em chung tay xây dựng chuồng trại. Thầy cô hướng dẫn các em đi lấy rau, tận dụng thức ăn thừa nuôi heo. Dự kiến Tến Nguyên đán 2019, trường sẽ xuất chuồng 5 con với hơn 2 tạ hơi. 5 con còn lại sau Tết sẽ xuất chuồng.

“Việc tổ chức chăn nuôi, trồng rau, sơ chế dược liệu còn giúp cho các em có thêm kỹ năng biết lao động để sau này các em lớn lên biết cách làm ăn, để có cuộc sống tốt hơn và các em về hướng dẫn cho gia đình làm ăn chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn”, thầy Điệp chia sẻ.

Cũng theo thầy Điệp, việc chăn nuôi, trồng rau, chế biến chè dây giảo cổ lam, nhà trường phân cho cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường hướng dẫn cho các em làm, từ đó các em thấy thích thú và có nguồn kinh phí để được ở lại nội trú nhà trường học tập, từ đó hạn chế được học sinh bỏ học giữa chừng, đồng thời các em đi học chuyên cần hơn.

“Mong muốn của thầy cô là có được diện tích đất gần trường để tổ chức chăn nuôi, trồng rau được nhiều hơn và giáo dục tốt kỹ năng cho học sinh, tạo niềm vui khi các em sống xa gia đình, xem trường là ngôi nhà thứ hai của các em”, thầy Điệp cho biết.

Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, trong năm học 2018-2019 này trường cũng tổ chức nuôi heo, trồng rau tại điểm trường chính để hỗ trợ cho học sinh bán trú của trường. Hiện trường có diện tích 200m2 trồng rau, cải các loại. Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng trường “khoe” hiện trong chuồng của trường cũng đang nuôi 16 con heo và sắp xuất chuồng. Số tiền bán heo gây quỹ và mổ cho học sinh trong trường ăn. Việc làm này, theo thầy Phương là để cải thiện bữa ăn cho các em học sinh bán trú, giúp các em có bữa ăn hàng ngày ngon hơn.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt heo đen bản địa rất cao, giá bán heo hơi cũng cao. Việc thu hồi vốn để gây quỹ hỗ trợ cho học sinh, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cung cấp cho bếp ăn tập thể, cũng như quay vòng nguồn vốn để duy trì đàn heo có nhiều thuận lợi. Hiện mô hình này được Công đoàn ngành giáo dục huyện Nam Trà My phát động các đơn vị trường học trên địa bàn hưởng ứng, nhằm có điều kiện cải thiện bữa ăn tập thể và giúp đỡ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ về chương trình giúp đỡ học sinh đã được áp dụng ở huyện, thầy Nguyễn Trần Vỹ - cán bộ Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My cho biết, mô hình này bắt đầu phát huy hiệu quả ở một số trường trên địa bàn huyện. Nhờ đó, các trường cũng có nguồn thu để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn và bữa ăn của các em bán trú cũng được “tươm tất” hơn. Hy vọng, mô hình giúp đỡ học trò nghèo này sẽ mang lại những tín hiệu tích cực và chắc chắn được nhân rộng cho tất cả các trường trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Công Bính

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm