Quảng Ngãi:
Giáo viên vùng cao chăm lo từng bữa ăn cho học trò nghèo
(Dân trí) - Chỉ với 12 ngàn đồng cho một suất ăn nhưng những bữa ăn của học sinh trường Tiểu học và THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) luôn đầy đủ rau, thịt, cá. Không chỉ được ăn ngon, những trò nghèo ở huyện vùng cao Ba Tơ còn cảm nhận được tình thầy trò thiêng liêng qua sự chăm lo tận tình của thầy cô giáo.
Sau giờ học buổi sáng, 45 học sinh bán trú của trường Tiểu học và THCS Ba Lế lại tập trung ở nhà ăn phụ giúp nhân viên cấp dưỡng lo bữa cơm trưa. Các em tự giác sắp xếp bàn ăn, chén đũa, bưng bê thức ăn rồi cùng nhau ăn bữa trưa khá vui vẻ.
Cứ 6 học sinh ngồi chung một mâm cơm với thức ăn gồm canh cá, rau xào, thịt kho. Nhìn những đĩa thức ăn khá đầy đặn ít ai nghĩ giá thành của mỗi mâm cơm chỉ vỏn vẹn 72.000 đồng.
"Cơm trường nấu rất ngon, mỗi bữa lại có món khác nhau. Hôm nào cháu cũng ăn rất no mà không lo thiếu cơm", em Phạm Thị Ngọc Châu nói.
Sau mỗi bữa ăn, các em tự rửa chén, dọn dẹp nhà ăn thật sạch rồi mới về phòng nghỉ trưa chuẩn bị cho giờ học buổi chiều. Những căn phòng bán trú tuy cũ nhưng sạch và ngăn nắp cho thấy ý thức tập thể của những học sinh vùng cao.
"Nhà cháu rất xa không thể đi về nên cháu được ở bán trú. Ở đây thầy cô lo cho chúng cháu ăn ở, học tập nên ai cũng thích", em Phạm Thị Ngọc Châu cho biết thêm.
Thầy Nguyễn Hải Dương - Trường Tiểu học và THCS xã Ba Lế cho biết, xã Ba Lế là một trong những xã khó khăn nhất của huyện vùng cao Ba Tơ. Với địa hình phức tạp, nhiều sông suối nên đường đến trường của các em vô cùng cách trở, nhiều học sinh phải mất từ 2-3 tiếng đi bộ đến trường. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh đi học không đều hoặc bỏ học. Vì vậy, nhà trường đã khắc phục khó khăn để tổ chức bán trú cho số học sinh có nhà xa trường.
Được ăn ở, học tập tại trường là niềm vui của em Phạm Thị Ngọc Châu và hơn 40 học sinh có nhà xa trường.
Theo thầy Dương, gạo cho bữa ăn là nguồn gạo được cấp từ Nghị định 116 của Chính phủ, nếu thiếu thì phụ huynh học sinh sẽ hỗ trợ thêm. Một học sinh bán trú được hỗ trợ 12.000 đồng cho mỗi bữa ăn. Số tiền này không nhiều nhưng nhà trường đã nỗ lực để các em có được bữa cơm ngon, đầy đủ chất.
"Tuy ở miền núi xa xôi nhưng nhà trường tìm được đơn vị cung cấp thực phẩm giá cả khá rẻ, vừa đảm bảo chất lượng cho bữa ăn của các em đầy đủ nhất có thể. Chúng tôi cũng kêu gọi các cá nhân, tổ chức hảo tâm hỗ trợ thêm để đầu tư cơ sở vật chất, mua vật dụng sinh hoạt cho các em", thầy Dương nói.
Sự chăm lo của thầy cô đã hạn chế được tình trạng học sinh đi học không đều hoặc bỏ học.
Từ khi những học sinh có nhà xa trường được ở bán trú, được thầy cô chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ thì tình trạng đi học không đều hay số học sinh bỏ học đã giảm. Cùng với đó, thầy cô trường Tiểu học và THCS Ba Lế còn tự nguyện kèm cặp, nhắc nhở các em trong việc học tập nên chất lượng việc dạy và học của nhà trường nâng lên rõ rệt.
"Việc làm này đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là trong thời điểm ngày mùa hoặc mưa bão. Cuộc sống bán trú với sự chăm sóc của thầy cô còn giúp các em cải thiện kỹ năng giao tiếp trong đời sống", thầy Nguyễn Mậu Hải - Hiệu trưởng trường TH và THCS xã Ba Lế nhận định.
Quốc Triều