Trường Tiểu học Phan Chu Trinh - Dấu ấn 70 năm của ngành giáo dục Thủ đô
70 năm ngày thành lập trường Tiểu học Phan Chu Trinh (1946 - 2016), điểm lại những mốc thời gian đánh dấu quá trình hình thành, xây dựng và phát triển mới thấy hết niềm vinh dự của cán bộ, tập thể giáo viên và học sinh nhà trường. Một ngôi trường xứng đáng là lá cờ đầu của ngành giáo dục Thủ đô.
Một nền giáo dục kiểu mới sau cách mạng tháng Tám
Tháng 9/1946, tại địa chỉ số 40 - 42 phố Phan Chu Trinh (nay là phố Nguyễn Thái Học - quận Ba Đình - thành phố Hà Nội), người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vinh dự nhận quyết định thành lập trường Phan Chu Trinh của Mặt trận Việt Minh. Sự kiện này nhằm đưa lại cho Thanh niên và Nhi đồng thời đó một nền giáo dục kiểu mới sau Cách mạng tháng Tám.
Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường là Đại biểu Quốc hội khóa I, Bộ trưởng Bộ giáo dục, nhà Văn hóa Giáo dục mẫu mực - Giáo sư Đặng Thai Mai.
Trong những ngày đầu thành lập, giáo viên chính của trường là các học giả, giáo sư, nhà khoa học, nhà văn, những nghệ sĩ mà tên tuổi của họ mãi được vinh danh như:
- Các giáo sư: Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Mai Văn Phương, Ngụy Như Kon Tum, Hoàng Xuân Tùy,…
- Các nhạc sĩ: Văn Cao, Lưu Hữu Phước,…
- Các họa sĩ: Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An,…
- Nhà văn - nhà thơ - nhạc sĩ: Nguyễn Đình Thi,…
- Thi sĩ: Nguyễn Xuân Sanh,…
- Các nhà văn: Vũ Ngọc Phan, Bùi Công Truy, Đỗ Đức Dục,…
Ngoài ra còn gần 50 giáo viên khác là các giáo sư, nhà văn và sinh viên (trong tổ chức Sinh viên cứu quốc nằm trong Mặt trận Việt Minh).
Vinh dự biết bao, ngay những ngày đầu mới thành lập, vào giữa trung tuần tháng 10/1946, trường Phan Chu Trinh đã được đón Bác Hồ về thăm. Lời dặn dò của Bác: “Đoàn kết thi đua, dạy tốt, học tốt” đã là động lực giúp nhà trường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để phát triển, vươn lên không ngừng.
Tuy nhiên, chưa đầy 3 tháng sau ngày khai giảng, trường phải tạm đóng cửa để thầy và trò cùng tham gia cuộc kháng chiến trường kì chống Thực dân Pháp xâm lược. Xếp lại bút nghiên, biết bao học sinh của trường đã tham gia các tổ chức cứu quốc như “Đội Thiếu niên tình nguyện Bát Sắt”; “Đội Cảm tử quân” với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thanh niên, thiếu niên trường Phan Chu Trinh tham gia đông nhất trong số các học sinh Hà Nội tình nguyện làm cảm tử quân thời bấy giờ.
Trường Phan Chu Trinh đóng cửa suốt 9 năm kháng chiến. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực dân Pháp chiếm đóng, tại địa điểm trường có thầy Bùi Quang Tời (người miền Nam) thành lập trường Trung học tư thục. Sau khi Hà Nội giải phóng, trường học này đóng cửa.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc, một số giáo viên đóng góp cơ sở vật chất mở lại trường học tại địa chỉ 40 - 42 Nguyễn Thái Học và lấy tên nhà trí thức cách mạng Phan Thanh làm tên trường. Hiệu trưởng nhà trường lúc này là ông Vũ Đình Khoa. Ngoài ra còn có ông Bùi Ý làm giám học, ông Hà Hoàng Châu làm quản lí.
70 năm trôi qua, cùng với sự phát triển không ngừng của Thủ đô và đất nước, trường Tiểu học Phan Chu Trinh cũng không ngừng phát triển. Ngôi trường nhỏ bé ngày nào được gây dựng khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập nay đã trở thành một ngôi trường khang trang, sạch đẹp với truyền thống “Dạy tốt - Học tốt”. Mọi nỗ lực của các thầy, các cô đã được đền đáp xứng đáng.
Ngay năm học đầu tiên sau hòa bình, 1970 - 1971, trường Cấp 1 Phan Chu Trinh đã được công nhận là trường Xuất sắc cấp Thành phố. Năm học sau, năm học 1971 - 1972 trường đã xây dựng được tổ Lao động XHCN đầu tiên và duy nhất của ngành giáo dục Hà Nội, được công nhận là trường dẫn đầu phong trào Viết chữ đẹp của Thành phố, có nhiều Học sinh Giỏi toàn miền Bắc… Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường được Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên trực tiếp tặng cờ thi đua tại Nhà hát Lớn - Hà Nội.
Cùng với sự đổi thay, phát triển của đất nước, trường Tiểu học Phan Chu Trinh cũng dần dần thay đổi diện mạo.Năm học 2001 - 2002, trườngTiểu học Phan Chu Trinh “thay áo mới”. Ngôi trường được gây dựng từ thời đất nước mới giành được độc lập với những lớp học đơn sơ, chiếc cầu thang gỗ cũ kĩ dẫn lên tầng hai được thay thế bằng những dãy nhà ba tầng khang trang, sạch đẹp. Đó chính là kết quả của sự cố gắng nỗ lực phấn đấu không ngừng, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thế hệ mầm non tương lai đất nước của tập thể cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Thế hệ học sinh nổi bật trong các giai đoạn
Trong những năm qua, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ mái trường yêu dấu này.
Thế hệ học sinh năm học 1946 - 1947:
- Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính Trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Trung tướng Phạm Hồng Cư
- Nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Thiếu tướng - Nhà văn Hồ Phương
- Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Việt Nam: Luật sư Ngô Bá Thành
- Nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình: Thầy Nguyễn Thạc Chỉnh
- Nguyên Phó cục trưởng cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị: Đại tá - Nhà thơ Chính Hữu
- Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ: Nhà văn Nguyệt Tú
- Nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ: Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng.
…………
Thế hệ học sinh giai đoạn 1954 - 1977: Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Phạm Bình Minh Tổng giám đốc Đài THVN: Trần Bình Minh Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Công an: Nguyễn Quốc Khánh
- Chủ nhiệm Hội nhạc sĩ Việt Nam: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
- Giám đốc công ty cổ phần Đông Sơn: Võ Điện Biên.
- Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Chu Trinh: Lê Thị Anh Thư
- Hiệu trưởng trường Tiểu học Thủ Lệ: Nguyễn Thị Thu Hà
……………..
Thế hệ học sinh giai đoạn 1977 đến nay:
- Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại: Bùi Huy Sơn
- Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Tài chính: Vũ Như Thăng
- Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam: Đạo diễn Đỗ Thanh Hải
- Phó Tổng giám đốc Vietjet: Nguyễn Thúy Bình
- Nữ danh ca Việt Nam: Lê Hồng Nhung
- Nghệ sĩ Ưu tú: Công Lý
- Nhà báo - Biên tập viên : Đỗ Hồng Cư , Nguyễn Hồng Nga
- Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Khánh: Phùng Tố Nga
- Bí thư Đảng ủy phường Điện Biên: Đỗ Thị Duy Nhiên
- Phó Bí thư Đảng ủy phường Điện Biên: Đỗ Trang Nhung
Những thành tích của nhà trường 10 năm trở lại đây
Tập thể nhà trường có 24 lớp học và 1274 học sinh. Cán bộ giáo viên, nhân viên có 59 người: 100% đạt chuẩn, trong đó có 1 thạc sĩ, 49 đạt trình độ Đại học. Trong các cuộc thi GV Giỏi và Học sinh Giỏi cấp Quận, cấp Thành phố GV và HS nhà trường đều đạt giải cao. Trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp nhà trường đạt: Olimpic Tiếng Anh: 1 giải nhì Toàn quốc, 5 giải Thành phố (gồm 2 nhất, 2 nhì, 1 ba); Giải toán qua mạng: 19 giải cấp Thành phố ( 5 nhất, 4 nhì, 10 ba). Trong các hội thi văn hóa thể dục thể thao trường đã đạt: 1 Huy chương bạc môn taekwondo Toàn quốc, 1 Huy chương bạc, 1 huy chương đồng Khiêu vũ thể thao toàn quốc, 10 giải nhất, 6 giải nhì, 4 giải ba môn Đá cầu cấp thành phố,10 Huy chương Vàng cấp Thành phố;14 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng cấp quận môn cờ vua, 2 Huy chương Vàng cấp Thành phố, 5 huy chương bạc cấp quận môn Cờ tướng.
Những hoạt động sao nhi đồng của trường rất sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Học sinh của trường tham gia các cuộc thi đều đạt giải nhất cấp Thành phố: Cuộc thi Chủ nhân đất nước lần thứ 4, Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ 11, Phụ trách sao nhi đồng giỏi lần thứ 4. Năm học 2015 – 2016 Tổ chức Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của nhà trường đạt danh hiệu: Liên đội mạnh xuất sắc cấp Trung ương. Trường cũng là đơn vị có phong trào làm từ thiện, văn hóa, văn nghệ phát triển. Chính vì vậy công tác Chữ thập đỏ của nhà trường đạt danh hiệu Xuất sắc cấp Trung ương. Tổ chức Công đoàn nhà trường đạt danh hiệu Vững mạnh xuất sắc cấp Thành phố.
Năm học 2015 - 2016, trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã vươn lên trở thành 1 trong 6 trường của quận Ba Đình được công nhận Tập thể Lao động Xuất sắc của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Đây cũng chính là sự tiếp nối truyền thống tự hào của nhà trường. Từ đây, các thế hệ thầy và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh có thêm nguồn động lực, niềm tin để giành thêm nhiều thành tích vẻ vang, bồi đắp thêm vào truyền thống quý báu của nhà trường.
Khánh Hưng- Thu Hằng