Trường tiên tiến hay trường thu tiền tiên tiến?
(Dân trí) - Hầu hết các trường thực hiện theo mô hình tiên tiến ở TPHCM đều đưa ra mức thu thỏa thuận chạm “đỉnh” cao nhất trong khung quy định. Có nhiều người lo ngại, trường đeo “mác” tiên tiến để thu cao còn chất lượng thì phải chờ... được công nhận.
Năm học 2017-2018, TPHCM có thêm 9 trường học triển khai thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, nâng tổng số trường áp dụng mô hình này là 35 trường, từ mầm non đến THPT. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, điểm khác biệt nhất có thể thấy rõ của trường/lớp tiên tiến là… đóng tiền cao.
Trường mầm non Họa Mi, huyện Nhà Bè, ngoài các khoản thu chung như học phí, học phẩm đồ dùng cho trẻ em, tiền ăn, tiền nước, tiền tổ chức phục vụ bán trú, tiền vệ sinh phí, thiết bị - vật dụng bán trú…, học sinh theo lớp học tiên tiến sẽ đóng thêm 1.496.000 đồng/tháng. Chỉ thiếu 4.000 đồng là cán mức thu cao nhất trong khung quy định.
Cụ thể, tiền tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh 400.000 đồng/tháng; chương trình thể dục thể thao: 436.000 đồng/tháng; tổ chức cho trẻ tham gia các bộ môn năng khiếu (thể dục nhịp điệu 80.000 đồng/tháng, vẽ 80.000 đồng/tháng); tổ chức hoạt động ngoại khóa 150.000 đồng/tháng; trang bị cơ sở vật chất trường tiên tiến 350.000 đồng/tháng.
Nhìn vào các danh mục thu của lớp tiên tiến trên, một nhà giáo thốt lên rằng mức thu quá cao. Như tiền tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh 400.000 đồng/tháng, nhiều trường tổ chức rất tốt nhưng chỉ đóng 200.000 – 250.000 đồng. Rồi việc thu tiền thể dục nhịp điệu liệu có phải là thu cho có khoản thu không khi đây là hoạt động thông thường ở lớp học mầm non do chính giáo viên phụ trách.
Chính thức từ năm học 2016-2017, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Q.1, TPHCM cũng chính thức thực hiện đề án trường tiên tiến. Đến năm nay hai khối lớp 1 và lớp 2 đang thực hiện mô hình này.
Ngoài hàng hoạt các khoản thu chung, trường thu học sinh hai khối này 1,5 triệu đồng/tháng theo đề án trường tiên tiến. Các hoạt động bao gồm: tiền tổ chức học 2 buổi/ngày, tiền tổ chức các lớp học tiếng Anh tăng cường và giao tiếp với giáo viên nước ngoài, tiền tổ chức lớp Tin học, Kỹ năng sống, Toán tư duy Lego, tiền tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tiền cơ sở vật chất…
Theo quy định của UBND TPHCM, học phí các trường tiên tiến theo xu thế hội nhập thu theo mức quy định chung, tức THPT 120.000 đồng/HS/tháng, THCS là 100.000 đồng/tháng, mẫu giáo 160.000 đồng/tháng, tiểu học không thu học phí.
Ngoài ra, bên cạnh các khoản thu hộ-chi hộ theo quy định thì các khoản thu còn lại được thỏa thuận để đảm bảo các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình tiên tiến nhưng không quá 1,5/HS/tháng. Trong đó bao gồm: Tổ chức dạy học hai buổi/ngày; tổ chức dạy học tăng cường ngoại ngữ; học với giáo viên nước ngoài; dạy các bộ môn năng khiếu; kỹ năng sống; các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm; trang bị cơ sở vật chất...
Cũng phải nói một cách công bằng, việc áp dụng của mô hình trường tiên tiến tại TPHCM hầu hết chỉ mới ở giai đoạn thí điểm. Theo lộ trình xây dựng mô hình trường tiên tiến của TPHCM, các trường mầm non thực hiện trong 3 năm từ lớp 3 tuổi, tiểu học 5 năm và THCS là 4 năm theo hình thức cuốn chiếu. Kết thúc thời gian này, các trường được khảo sát, đạt tiêu chí quy định thì mới được công nhận là trường tiên tiến.
1,5 triệu đồng là mức thu cao nhất của mô hình trường tiên tiến. Vậy nhưng, ngay từ đầu mon men áp dụng, các tiêu chí, chất lượng chưa rõ ràng, chưa được kiểm định thì hầu hết các trường đã nhiệt tình, nôn nóng... "hái quả ngọt", áp ngay mức thu cao nhất trong khung quy định.
Hầu hết, lý giải của các trường về việc thu chạm đỉnh đều ở mặt kỹ thuật như sĩ số lớp thấp, học sinh được học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, việc thi một số chứng chỉ tiếng Anh không mất tiền, tiền đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật…
Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở TPHCM cho hay, cho dù đang áp dụng nhưng bản thân ông rất băn khoăn về mô hình trường tiên tiến. Trường tiên tiến không không thể hiện được khác biệt nào đầu vào và đầu ra so với trường bình thưởng ra sao mà chỉ mới cần người học đáp ứng về tài chính. Các tiêu chí đặt ra cũng chung chung, điểm nhấn nổi bật nhất chính là… thu tiền cao.
Bình quân mỗi học sinh học ở trường/lớp tiên tiến có thể phải đóng đến 2,6 - 3 triệu đồng (tiền thu chung + tiền đề án tiên tiến). Đến nỗi, nhiều người nhìn vào mô hình tiên tiến đã nghẹn ngào đặt câu hỏi: Trường “đeo” mác tiên tiền là để thu tiền cao? Và đi cùng đó là băn khoăn liệu thu tiền cao thì có thành trường tiên tiến?
Chất lượng của trường tiên tiến còn là một dấu hỏi đang chờ câu trả lời. Hơn nữa, đó không chỉ là chuyện của “người trong cuộc”, cho con theo học thì phải đầu tư tài chính mà còn gây áp lực đến trường và học sinh không theo đề án tiên tiến. Trường tiên tiến phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo sĩ số sẽ đẩy gánh nặng sang các trường đã khó khăn lại càng khó khăn hơn trong khi tình hình thiếu trường thiếu lớp vốn rất trầm trọng ở TPHCM.
Hoài Nam