Trường tê liệt vì mâu thuẫn nội bộ
“Chúng tôi đến trường làm việc thì bảo vệ chuyên nghiệp do hiệu trưởng thuê chặn lại, không cho vào...” - một số nhân viên Phòng Kế toán - Tài vụ Trường THPT Đăng Khoa (TPHCM) phản ánh.
Vụ việc xảy ra từ sáng 2/12 và đây là đỉnh điểm mâu thuẫn nội bộ trong HĐQT của trường đã kéo dài suốt thời gian qua.
Đuổi nhân viên, niêm phong phòng
Theo các nhân viên, sáng 1/12, ông Lê Trọng Chì - hiệu trưởng, thành viên HĐQT - cùng con gái Lê Thị Phương Viên dẫn một nhóm người vào trường, gồm 3 vệ sĩ, 1 luật sư, 1 thừa phát lại, 1 thư ký thừa phát lại, 3 kiểm toán viên; mang theo 2 máy photocopy và nhiều vật dụng khác. Những nhân viên trực đêm tại Phòng Kế toán - Tài vụ bị đuổi ra ngoài, sau đó phòng này bị niêm phong. “Họ xông đến Phòng Kế toán - Tài vụ, gọi thợ phá khóa phòng nhằm mang tất cả hồ sơ, sổ sách, tiền bạc ra ngoài. Chúng tôi can ngăn nhưng họ đông và hung dữ quá nên chúng tôi báo Công an phường 15, quận Phú Nhuận can thiệp. Khi công an đến, họ rút về, chỉ để lại 2 vệ sĩ canh Phòng Kế toán - Tài vụ” - anh Huỳnh Phan Việt Nhân, nhân viên Phòng Kế toán - Tài vụ, cho biết.
Phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc với một thành viên HĐQT, ông này cho biết do các thành viên góp vốn đã mâu thuẫn từ lâu nên khi ông Chì ủy quyền cho con gái (Phương Viên) làm ủy viên HĐQT thay cha, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm. “Lẽ ra, phải họp thành viên góp vốn để ông Chì từ nhiệm, bầu người mới rồi chuyển lên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP duyệt mới đúng. Đằng này, ông ấy tự ủy quyền mà không thông qua ai” - người này nói và cho biết thêm nhiệm kỳ HĐQT đã hết mấy tháng nay, ông Chì cũng không còn là hiệu trưởng bởi nhiệm kỳ 5 năm đã hết vào tháng 2/2014 theo quyết định công nhận hiệu trưởng của giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, ký ngày 20/2/2009.
Nhiều chứng từ nghi không hợp pháp
Cũng thành viên HĐQT này cho biết Trường THPT Đăng Khoa được thành lập vào năm 1997, loại hình dân lập. Năm 2012, trường chuyển sang loại hình tư thục. Hiện trường có 380 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. Trường có 4 thành viên tham gia góp vốn với tỉ lệ như nhau (25%). Ông Chì vừa là thành viên vừa làm hiệu trưởng. Khoảng một tuần trước, 4 thành viên góp vốn tổ chức một cuộc họp nhưng bất thành do cuộc họp nội bộ nhưng ông Chì đưa con gái và luật sư vào.
Chiều 3-12, chúng tôi liên lạc với ông Chì, ông cho biết phải niêm phong Phòng Kế toán - Tài vụ vì cần làm rõ lỗ, lãi trước khi ông hết nhiệm kỳ hiệu trưởng vào cuối tháng 12-2014. “Là hiệu trưởng, tôi có trách nhiệm với nhà trường nhưng các thành viên còn lại đang muốn đổ hết trách nhiệm cho tôi, bắt tôi phải gánh phần lỗ, nếu có” - ông Chì bức xúc. Ông Chì cũng cho biết 1 trong 4 nội dung ông dự định đưa ra trong cuộc họp 4 thành viên góp vốn tuần trước là mời kiểm toán nhưng có thành viên chống lại. Còn việc ông mời luật sư vào cuộc họp là để bảo vệ quyền lợi.
Tập thể nhân viên Phòng Kế toán - Tài vụ của Trường THPT Đăng Khoa đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp và cho biết hiện Phòng Kế toán - Tài vụ đang lưu giữ những hồ sơ kế toán của nhà trường trong nhiều năm và quỹ tiền mặt để chi trả cho hoạt động của nhà trường. Trong hồ sơ này có nhiều chứng từ nghi ngờ không hợp pháp, liên quan đến sai phạm, trách nhiệm của ông Chì. Tuy nhiên, hiện họ không được vào phòng này nên không biết những hồ sơ đó ra sao.
Bảo vệ quyền lợi học sinh Trao đổi với chúng tôi ngày 4/12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đây là vấn đề nội bộ của trường nên trước mắt để trường giải quyết. Tuy nhiên, nếu quyền lợi của học sinh bị xâm phạm, sở sẽ vào cuộc. Cùng ngày, Phòng Quản lý trường ngoài công lập và Phòng Tổ chức Cán bộ của Sở GD-ĐT TP HCM đã tới Trường THPT Đăng Khoa làm việc. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Phòng Quản lý trường ngoài công lập, cho biết đã đề nghị các thành viên sớm giải quyết mâu thuẫn nội bộ để bổ sung hiệu trưởng mới do hiệu trưởng cũ đã hết nhiệm kỳ. Sở cũng yêu cầu phải bảo vệ quyền lợi học sinh và người lao động, tránh làm tình hình phức tạp hơn, ảnh hưởng đến uy tín của trường và của ngành. Sắp tới, sở sẽ thanh - kiểm tra hoạt động của trường này. |
Theo Huy Lân
Người Lao Động