Kiên Giang:
Trường sắp sập nhưng không được sửa, trường mới xây xong… chờ đập bỏ
(Dân trí) - Vì dính qui hoạch, nhiều trường học xập xệ, xuống cấp nhưng không sửa chữa xây mới; trong khi đó có nhiều ngôi trường còn mới tinh nhưng chờ đập bỏ. Thực trạng này vừa lãng phí, vừa gây xáo trộn việc dạy và học của thầy trò ở huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Như Dân trí đã từng phản ánh, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã có 7 điểm trường bị các dự án “nuốt chửng” và hiện tại có 10 trường học khác đang bị qui hoạch làm những dự án du lịch, khu dân cư, đô thị…Trong số những ngôi trường chờ giải tỏa, nhiều điểm trường xuống cấp trầm trọng nhưng không sửa chữa xây dựng mới, gây khó khăn cho việc dạy và học, như điểm trường Rạch Vẹm (trường tiểu học và THCS Gành Dầu), điểm trường Bãi Vòng (trường tiểu học và THCS Hàm Ninh)…
Đáng nói, một ngôi trường qui mô có bề dày lịch sử như trường tiểu học thị trấn Dương Đông 3, hiện có hơn 700 học sinh đang theo học cũng bị lọt vào qui hoạch con đường tơ lụa. Theo kế hoạch, năm 2019, trường sẽ nộp hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn quốc gia, vì trường vừa được UBND huyện lấy ngân sách cả chục tỷ đồng xây mới thêm 24 phòng học.
Cô Nguyễn Thị Thạnh - Hiệu trưởng trường tiểu học Dương Đông 3, cho biết: “Khoảng tháng 3/2017, nhà trường mới đưa vào sử dụng 2 dãy phòng học mới, do vậy cơ sở vật chất của trường xem như đã đáp ứng tốt việc dạy và học. Chỉ còn sân trường, hàng rào cổng trường là chưa hoàn chỉnh. Do vậy, nếu địa phương lấy trường giao cho dự án thì tiếc lắm. Khi họp phụ huynh, nhiều phụ huynh cũng ý kiến không nên lấy trường giao cho dự án. Tuy nhiên, nếu phải lấy trường thì phụ huynh và giáo viên đề nghị các cấp xem xét, xây trường mới đạt chuẩn và vị trí xây trường sao cho thuận lợi để tránh gây xáo trộn việc học tập của các cháu”.
Trong khi đó, ngôi trường tiểu học Dương Đông 3 khang trang thế này đang chờ đập bỏ cũng vì bị quy hoạch.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, trường tiểu học Dương Đông 3 dù phòng lớp khá khang trang, tuy nhiên đến nay sân trường vẫn còn sân đất, cổng trường chỉ có một bên xây tường rào, phía còn lại kéo kẽm gai, cỏ, rác nhếch nhác. Giải thích về việc này, lãnh đạo nhà trường cho biết, vì trường dính quy hoạch nên không thể “rót” ngân sách xây dựng thêm. Nhà trường đang vận động các mạnh thường quân xây tường rào và làm sân trường.
Ông Phan Thành Lấm - khu phố 9, thị trấn Dương Đông, có 6 đứa cháu đang học tại trường tiểu học Dương Đông 3, cho biết: “Năm 2016, chủ đầu tư và chính quyền mời dân họp thông báo dự án con đường tơ lụa. Buổi họp hôm đó, có nhiều người dân bỏ ra về vì không đồng tình. Và mới đây, khi có người đến đo đạc, nhiều người dân không cho vào nhà, thậm chí còn rượt đuổi nhưng người này ra khỏi nhà”.
Một ngôi trường khác còn mới tinh sắp lọt vào dự án ở xã Cửa Cạn. Cụ thể, tháng 4/2018, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc gửi công văn đến UBND huyện Phú Quốc về việc công ty cổ phần thương mại tổng hợp Toan Vân xin 17,6ha đất (xã Cửa Cạn) thực hiện dự án Khu dân cư. Đang nói trong diện tích này có trường Mầm non Cửa Cạn (10 phòng) và Trung tâm văn hóa của xã cũng vừa xây dựng, còn mới tinh.
Tuy nhiên, đến nay sân trường vẫn còn sân đất, tường rào chỉ làm được một bên, phía còn lại dùng kẽm gai rào chắn, cỏ mọc nhếch nhác thế này.
Ông Đống Thành Đạt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc cho biết, vừa qua ông cùng đại diện một số cán bộ ở những ngành chức năng khác được UBND huyện giao đến khảo sát và có ý kiến để trình lãnh đạo UBND huyện xem xét về chủ trương làm khu dân cư của công ty Toan Vân. Tại buổi làm việc này, Phòng giáo dục đã nêu ý kiến là không đồng ý về việc lấy đất trường Mầm non Cửa Cạn giao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là cấp huyện và cấp tỉnh.
Trường tiểu học Dương Đông 3... chờ đập bỏ
Những ngôi trường vừa được UBND huyện Phú Quốc trích ngân sách hàng chục tỷ đồng xây dựng trường lớp đạt chuẩn thì đang chờ đập bỏ. Trong khi đó, nhiều điểm trường cũng vì dính qui hoạch nên trường lớp xuống cấp, chờ sập mà không có phương cách nào ngoài việc sơn, sửa nhỏ, việc dạy và học ở những điểm trường này thiếu thốn, khó khăn trăm bề. Phải chăng tầm nhìn phát triển cho giáo dục không được coi trọng trong tầm nhìn phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế?
Nguyễn Hành