Gieo chữ ở vùng cao Quảng Nam:

Trường phải “gói ghém” để giữ chân học sinh

(Dân trí) - Khi chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh đồng bào vùng cao, các trường ở vùng cao Quảng Nam phải tự gói ghém để giữ chân các cháu đến trường, không để các cháu phải bỏ học một ngày nào dù cuộc sống của các cô giáo còn rất khó khăn.

Giữa tháng 3, chúng tôi có dịp đến với thầy và trò huyện vùng cao Nam Trà My. Từ trung tâm huyện, chúng tôi đi xe máy cùng một cán bộ lãnh đạo phòng Giáo dục huyện đến điểm trường được coi là gần nhất cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ.

Điểm trường Long Túc (thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My)
Điểm trường Long Túc (thôn 5, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My)

Tại điểm trường mầm non Long Túc (thôn 5, xã Trà Nam) hiện có 45 cháu với 2 lớp đa số là trẻ em người Xê Đăng. Cô giáo Hồ Thị Mỹ Yến - chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn cho biết, điểm trường ở đây có “nhiều không” là không điện, không nước, không sóng điện thoại… Cuộc sống ở đây rất thiếu thốn nhưng các cô vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường vì các em.

Cô Yến cho biết, trẻ mẫu giáo ở đây được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. “Nếu không được hỗ trợ buổi ăn trưa thì buổi chiều các cháu sẽ không đến trường nữa vì bố mẹ các cháu không đưa đến trường mà đi theo lên rẫy hoặc để ở nhà”, cô Yến nói.

Căn phòng học đơn sơ, buổi trưa các cháu phải trải chiếu nằm dưới đất để ngủ
Căn phòng học đơn sơ, buổi trưa các cháu phải trải chiếu nằm dưới đất để ngủ

Tại điểm trường mầm non Long Túc này có 2 cô, mỗi cô phụ trách một lớp. Để duy trì sĩ số của lớp là một việc rất khó khăn. Cô Yến cho hay, từ đầu năm học này, việc hỗ trợ tiền ăn trưa của Nhà nước đã tạm dừng để triển khai chương trình hỗ trợ mới. Việc ngừng hỗ trợ này gây không ít khó khăn cho nhà trường trong việc duy trì lớp học.

Điểm trường Tak Ta- Mang Liệt nằm chót vót trên đồi
Điểm trường Tak Ta- Mang Liệt nằm chót vót trên đồi

Tuy nhiên, để “giữ chân” các cháu, cô Yến cho biết, trường đã “linh hoạt” kinh phí để nấu buổi trưa cho các cháu nên sĩ số vẫn được duy trì. Các cháu vẫn đều đặn đến trường và không có cháu nào phải bỏ học.

Cô Hồ Thị Mỹ Yến tâm sự: “Hồi mới đầu lên nhận nhiệm vụ giảng dạy ở trên này, tôi muốn bỏ cuộc, chán nản nhưng dần dần quen với những khó khăn của vùng cao và thương yêu các em học sinh ở đây hơn. Tôi và các thầy, cô giáo ở đây muốn vào các điểm trường dạy học phải đi bộ mất gần 3 tiếng đồng hồ mới đến lớp được. Vì đường sá đi lại rất khó khăn, nên hầu hết tôi và nhiều cô khác luôn ở lại tại điểm trường khoảng 3-4 tuần mới mới đi bộ xuống núi để ra trung tâm xã lấy xe máy chạy về dưới xuôi thăm gia đình”. Vài năm nay, cố Yến được ra điểm trường gần hơn dạy nên cũng đỡ vất vả.

Trường học được nhà nước và nhân dân cùng làm
Trường học được nhà nước và nhân dân cùng làm

Cô Yến cho biết thêm, buổi tối cô và các thầy cô các điểm trường khác phải sử dụng đèn dầu thắp sáng hoặc xin thắp nhờ điện của các hộ dân ở gần sử dụng thủy điện nhỏ đặt ngoài khe suối mới có thể soạn giáo án phục cho công việc giảng dạy. Ngoài ra, đời sống đồng bào dân tộc Xê Đăng ở các thôn tự sản xuất, tự cung cấp nên ít có hàng hóa để mua. Vì vậy, cuối tuần cô và nhiều cô khác phải đi xuống trung tâm xã để cõng gạo, thức ăn, lương khô lên.

Giáo viên trao đổi với PV

Từ điểm trường Long Túc, chúng tôi đến điểm trường Tak Ta - Mang Liệt (thuộc thôn 4, xã Trà Nam) vừa đi xe máy vừa đi bộ gần 1 tiếng đồng hồ. Cô giáo Nguyễn Thị Thành (25 tuổi) cho biết, hiện lớp học có 27 em học sinh, từ 3-5 tuổi chủ yếu là con em đồng bào Xê Đăng của hai thôn Tak Ta và Mang Liệt. Nhờ các thầy, cô giáo, chính quyền và trưởng thôn đến từng hộ gia đình vận động, khuyên bảo, giải thích để cho con em họ đến lớp đều đặn.

Trường phải “gói ghém” để giữ chân học sinh - 5
Trường phải “gói ghém” để giữ chân học sinh - 6

Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường điểm còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu do phụ huynh tự bỏ ngày công xẻ gỗ và còn chính quyền mua tôn xi măng, lưới thép để xây dựng phòng học. Ngoài ra, trường vẫn chưa có điện thắp sáng nên chủ yếu dùng đèn dầu hỏa và bằng nước từ các khe suối về để sinh hoạt hằng ngày. Điều đáng mừng đồng bào dân tộc đã có ý thức, nhiệt tình trong việc đưa con em mình đi lớp.

Căn bếp để nấu cho các em ăn buổi trưa
Căn bếp để nấu cho các em ăn buổi trưa

Thầy Võ Đăng Thuận - Phó Trưởng phòng giáo dục huyện Nam Trà My cho biết, huyện có 29 trường học và hơn 100 trường điểm thôn. Ngoài ra, có hơn 1.000 em học sinh mẫu giáo, hơn 2.000 em học sinh tiểu học và hơn 2.500 học sinh THCS. Trong đó, 443 phòng học THCS, tiểu học kiên cố hóa, 101 phòng học cấp 4 và 142 phòng học gỗ, mái lợp tôn xi măng. Thầy Thuận cũng cho biết, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn rất nhiều trường học học sinh còn nằm đất để ngủ trưa.

Thầy Võ Đăng Thuận trao đổi với PV

Nói về việc các trường gói ghém, tự bỏ tiền để nấu ăn trưa cho các cháu trong khi chờ đợi hỗ trợ của Nhà nước, thầy Thuận cho biết, theo Nghị định 60 của Chính phủ ngày 6/10/2011 về việc hỗ trợ một số chính sách cho giáo dục mầm non ở miền núi giai đoạn 2011-2015 trong đó hỗ trợ cho trẻ từ 3-4 tuổi và Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ thực về hiện đề án phổ cập giáo dục miền núi cho trẻ miền núi thì mỗi em được hỗ trợ 120 ngàn đồng/tháng. Nhưng trong năm 2015-2016 đã tạm thời dừng trong học kỳ 1 và hiện tại Chính phủ đã có Nghị định mới thay thế các Nghị định cũ nhưng chưa triển khai khiến kinh phí của các trường rất khó khăn.

Theo thầy Thuận, để khắc phục tình trạng này, một số trường trích nguồn kinh phí của mình để hỗ trợ một số em học sinh có điều kiện khó khăn ở lại trường ăn trưa trong khi chờ Chính phủ sớm có hướng dẫn về Nghị định mới để kịp thời có kinh phí trang trải trong việc hỗ trợ nữa ăn trưa cho các em học sinh đồng bào vùng cao. “Nếu có nguồn, các thầy cô tổ chức nấu ăn trưa cho các cháu thì các cháu sẽ học hiệu quả hơn”, thầy Thuận cho biết.

Thầy Thuận cũng tâm sự: “Phải duy trì chế độ ăn trưa tại trường, nếu không buổi trưa các cháu về nhà, chiều không đi học nên việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày rất khó khăn”.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm