Trường Mỹ xuất khẩu danh tiếng, liệu còn tự do học thuật?
Các lớp học của ĐH New York ở Thượng Hải đã bắt đầu đi vào hoạt động. Có thể nói đây là nỗ lực mới nhất của một trường đại học Mỹ nhằm xuất khẩu danh tiếng và phương pháp giảng dạy ra nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất cứ trụ sở “có thực” nào cho 295 sinh viên trong lễ khai giảng. Một nửa số sinh viên là người Trung Quốc, một nửa tới từ Mỹ và các quốc gia khác. Tòa nhà 15 tầng dự kiến vẫn đang trong quá trình xây dựng. Những lớp học này hiện đang được giảng dạy tại ĐH Sư phạm phía Đông Trung Quốc – một đối tác của ĐH New York trong dự án liên kết này.
Hồi tháng 4 năm 2011, tại một hội nghị ở Washington trong cuộc trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó – bà Hillary Rodham Clinton đã khen ngợi hiệu trưởng ĐH New York – ông John Sexton về “tầm nhìn của ông trong việc mở rộng ngôi trường trên phạm vi quốc tế mà vẫn duy trì được danh tiếng và tự do học thuật của trường”.
Tuy nhiên, ý nghĩa của từ “tự do” với ông Sexton dường như không được ổn định cho lắm. “Tôi không có vấn đề gì trong việc phân biệt giữa quyền tự do học thuật và quyền phát ngôn chính trị” – ông nói với Bloomberg News lúc đó. “Đây là hai thứ hoàn toàn khác nhau” - một tuyên bố gây sửng sốt tới từ một học giả về luật hiến pháp.
Cơ sở của ĐH New York ở Abu Dhabi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất
Cùng với những tranh cãi về một khuôn viên độc lập mà ĐH New York đã mở ra ở Abu Dhabi năm 2010, nó góp phần vào việc đưa ông Sexton “về vườn” – giảng viên khoa học và nghệ thuật xuất sắc nhất ĐH New York bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 3. Cả hai cơ sở của ĐH New York ở nước ngoài được cấp vốn chủ yếu bằng các khoản trợ cấp nước ngoài.
Ông Sexton dường như không biết gì về bài học của ĐH John Hopkins. Trường Nghiên cứu quốc tế hiện đại trực thuộc trường này có một trung tâm lâu đời ở Nam Kinh, Trung Quốc – nơi bị hạn chế những cuộc thảo luận về chính trị, ví dụ như ngăn chặn lan truyền công khai một tài liệu về cuộc nổi dậy Thiên An Môn năm 1989 trong phạm vi trường và lệnh cấm lan truyền một tạp chí ngoài phạm vi trường được khởi xướng bởi một sinh viên Mỹ.
Các nhà ngoại giao có những lý do hợp lý để khuyến khích hợp tác giáo dục với các quốc gia quan trọng. Hơn nữa, giáo dục đại học Mỹ đang gặp khó khăn – bằng chứng là kế hoạch của ông Obama để các trường có mức học phí phải chăng hơn và có trách nhiệm hơn bằng cách xếp hạng chúng. Vì vậy, việc kiếm thêm tiền bằng cách mở rộng quy mô trường ở những quốc gia đang phát triển cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào những lời lẽ bay bổng của họ, bạn sẽ thấy các vị hiệu trưởng và ủy viên các trường đại học có quy mô toàn cầu đang hạ thấp kì vọng của họ về cái gọi là một nền giáo dục tự do – cũng giống như các doanh nghiệp khi họ nhìn thấy hướng đi khác ở lao động tay nghề thấp và việc làm ăn ở nước ngoài. Tất nhiên, sự khác biệt là: nhiệm vụ của một trường đại học là đặt câu hỏi cho những sự sắp xếp đó, chứ không phải là tạo điều kiện cho chúng.
đại học, danh tiếng, xuất khẩu, Yale, ĐH New York, khủng hoảng, giáo dục tự do, tự do ngôn luận, chính trị
Tôi không phản đối các chương trình nghiên cứu hợp tác về luật, kinh doanh, y tế và đào tạo kỹ thuật ở những quốc gia giàu có, độc tài hoặc cả hai. Nhiều sinh viên ở những nước này có thể muốn mở rộng tầm nhìn chính trị và xã hội cũng như các kỹ năng nghiệp vụ. Tuy nhiên, giả vờ rằng tự do truy vấn có thể được tách ra từ tự do ngôn luận là sự ngây ngô lạc quan nhất và là sự hoài nghi bi quan nhất.
Có lẽ không có ví dụ nào tốt hơn về sự hoài nghi này hơn ở Yale – nơi tôi đang giảng dạy. Quyết định thành lập một trường mới trong tiến trình liên kết với ĐH Quốc gia Singapore (NUS) đã gây ra một trong những cuộc tranh cãi gay gắt nhất trong nhiệm kỳ hiệu trưởng dài 20 năm của ông Richard C. Levin, người đã nghỉ hưu vào mùa hè năm nay - một năm sau khi nghị quyết giảng viên không ràng buộc cho thấy sự hạn chế nghiêm trọng của dự án này.
Yale hứa hẹn rằng những giảng viên mới thuê tại Yale-N.U.S sẽ “suy nghĩ lại về giáo dục tự do từ đầu” trong một ngôi trường được xây dựng và cấp kinh phí bởi Singapore – một đất nước độc tài với những hạn chế nghiêm trọng về tự do ngôn luận.
“Chúng ta phải nhìn vào từ “tự do” theo nghĩa rộng, chứ không phải chỉ là “tự do” – ông Kay Kuok, một doanh nhân đứng đầu ban điều hành Yale-N.U.S cho hay. “Nó là tự do về suy nghĩ; không nhất thiết phải là tự do ngôn luận”.
Ông Levin hứa rằng sinh viên sẽ được tự do thành lập các hội “miễn là họ không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo”. Tuy nhiên, hiệu trưởng cơ sở Singapore cho rằng họ sẽ không được tự do thành lập các hiệp hội chính trị, các cuộc biểu tình chính sách của chính phủ.
“Trong một môi trường mà tự do ngôn luận bị hạn chế nếu không muốn nói là bị cấm thì đội ngũ giảng viên sẽ phải tự giữ mồm giữ miệng, và mục tiêu của giáo dục tự do đích thực sẽ bị ảnh hưởng” – Hiệp hội giảng viên đại học Mỹ cảnh báo trong một bức thư chỉ trích việc Yale liên kết với Singapore. Bức thư này đăng tải 16 câu hỏi mà Yale không giải đáp. Thậm chí, Yale còn không tiết lộ cho giảng viên các điều khoản đầy đủ của hợp đồng với Yale-NUS.
Năm nay, Hiệp hội Phóng viên không biên giới đã xếp Singapore đứng thứ 149 trong số 179 quốc gia về tự do báo chí – tụt từ vị trí số 135 vào năm ngoái. Các giảng viên của Claremont Colleges (California) và ĐH Warwick (Anh) đã tỏ ra lo ngại về tự do học thuật khi họ từ chối đề nghị của Singapore về việc tài trợ cho các trường “liberal arts” của nước này – trước khi Yale đồng ý.
Tự do học thuật không phải là lý tưởng duy nhất có nguy cơ rủi ro. Năm 2009, khi ĐH Wisconsin ở Madison được Kazakhstan mời tới để giúp tạo một chương trình công nghệ sinh học, thay vào đó người Mỹ đã đề xuất thiết kế một ngôi trường chuyên về khoa học xã hội nhân văn – ngôi trường “được lấy cảm hứng từ ý tưởng của Wisconsin” – một tầm nhìn tiến bộ về quyền lao động và Chính phủ mở. Kết quả là một thứ rất khác so với dự kiến ban đầu đã được xây dựng: ngôi trường 2 tỷ đô la được điều hành bởi một tổ hợp trong đó có ĐH Wisconsin, và được đặt tên theo tên của Tổng thống độc đoán Nursultan A. Nazarbayev – người đại diện cho hội đồng quản trị. Tổ chức Nhân quyền thế giới và các nhóm khác đã ghi nhận nhiều vụ vi phạm quyền lao động ở Vương quốc Ả Rập thống nhất – nơi mà các công nhân nhập cư (chiếm hơn 70% cư dân của Abu Dhabi nhưng được hưởng rất ít sự bảo vệ của luật pháp) - vẫn đang xây dựng cơ sở của ĐH New York trên đảo Saadiyat – khu dân cư và du lịch sang trọng.
Khi các chế độ độc tài mua lại danh tiếng và tài năng của các trường đại học Mỹ, họ “đã đi tắt một quãng đường dài cả thế kỷ” – ông Harry R. Lewis, cựu hiệu trưởng Harvard College nhận xét trên tờ South China Morning Post.
Hiệu trưởng các trường đại học đã đổ tiền vào một giả thuyết không chính xác, được tán thành bởi các nhà tư tưởng như Fareed Zakaria và Kishore Mahbubani rằng, những quốc gia tự do hóa nền kinh tế cũng sẽ tự do hóa chính trị. Các trường đại học cần phục hồi mục tiêu tìm kiếm tự do, “truyền giáo” nhiều hơn ở các quốc gia bản xứ. Hoặc họ nên làm theo mô hình của Columbia và các trường đại học khác: tạo những trung tâm học tập với quy mô nhỏ hơn, không phải là những trường chính thức.
Tốt nhất, một nền giáo dục tự do nên truyền thụ cho các nhà lãnh đạo tương lai những giá trị và kỹ năng cần thiết để đặt vấn đề, chứ không phải chỉ để phục vụ và tập trung vào quyền lực và lợi nhuận. Các trường đại học từ bỏ lý tưởng này đang cho mượn tên tuổi của mình, biến chính mình thành những trung tâm mạng lưới nghề nghiệp và làm rẻ mạt giá trị của những tấm bằng mà họ cấp ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Bài viết của tác giả Jim Sleeper – giảng viên Khoa học chính trị tại ĐH Yale, tác giả cuốn “Liberal Racism”.
Theo Nguyễn Thảo
Vietnamnet/New York Times