Nghệ An:
Trường mầm non thu nhiều khoản ngoài quy định
(Dân trí)-Để “lách luật”, các khoản thu ngoài quy định của Trường MN Thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đều được thu dưới danh nghĩa tự nguyện. Điều lạ lùng là toàn bộ các khoản này được nhà trường “khoán” cho Ban Đại diện Cha mẹ HS đứng ra vận động và tổ chức thu.
Theo phản ánh trong đơn của cha mẹ học sinh Trường Mầm non thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), đầu năm học 2012-2013, nhà trường đã tổ chức thu nhiều khoản trái quy định và tổ chức vận động xã hội hóa giáo dục với mức sàn quá cao. Theo đó, tiền vận động xã hội hóa giáo dục được quy định mức vận động tối thiểu 400.000 đồng/cháu; tiền hỗ trợ thiết bị dạy học tùy từng nhóm lớp, giao động từ 160.000 đồng đến gần 370.000 đồng/cháu. Ngoài ra, nhà trường còn thu khoản hỗ trợ đồ dùng dạy học 100.000 đồng/cháu; tiền nước uống 60.000 đồng/cháu; tiền quỹ lớp 30.000 đồng/cháu; tiền quỹ trường 50.000 đồng/cháu.
Theo cha mẹ các cháu thì những khoản đóng góp trên họ không được bàn bạc mà do nhà trường và giáo viên chủ nhiệm áp đặt. Khi cha mẹ các cháu chất vấn lại không được sự giải thích thỏa đáng từ phía lãnh đạo nhà trường. “Trường Mầm non Quán Hành đưa ra nhiều khoản thu lạ lùng, bất hợp lý, khoản thu này chồng chéo khoản thu kia…”, đơn nêu rõ.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường để làm rõ các vấn đề nêu trong đơn. Buổi làm việc có cô Nguyễn Thị Hoa - hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Quán Hành; bà Đỗ Thị Điểm - Trưởng Ban đại diện Cha mẹ Học sinh của trường và ông Nguyễn Trường Biên - Trưởng Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp 5A. Tại buổi làm việc, cô giáo Nguyễn Thị Hoa khẳng định nhà trường trực tiếp thu các khoản theo quy định của Bộ GD-ĐT như học phí. Còn lại các khoản thu khác đều do Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường đứng ra vận động và trực tiếp thu. “Việc thu các khoản tiền trên đều đúng quy trình và nhận được sự nhất trí cao của phụ huynh học sinh. Riêng khoản quỹ trường thì nhà trường không thu”, cô hiệu trưởng khẳng định.
Về khoản thu xã hội hóa giáo dục, cô giáo Hoa lý giải: Do nhà trường còn đang hết sức thiếu thốn, cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp, có 3 phòng học hiện đang phải học nhờ phòng họp của trường và chưa có nhà vệ sinh cho trẻ. Nhiều lần trường “kêu” lên UBND thị trấn Quán Hành và Phòng GD-ĐT nhưng chưa được giải quyết. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, nhà trường đã dự trù kinh phí xây dựng, tu sửa hết 269.000.000 đồng. Tuy nhiên, kinh phí của trường chỉ trông chờ vào 30% học phí, do vậy trường dự kiến vận động cha mẹ các cháu đóng góp 190.000.000 đồng nữa mới đủ kinh phí thực hiện xây dựng, tu sửa phục vụ cho các cháu học tập tốt hơn. Tuy nhiên, dù năm học đã chuẩn bị bước sang tháng thứ 3 nhưng cô hiệu trưởng vẫn không nắm rõ con số cụ thể của 30% học phí được trích ra để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm đồ dùng dạy học là bao nhiêu.
Trong buổi họp cha mẹ các cháu đầu năm học, trách nhiệm vận động xã hội hóa giáo dục được “giao” cho Ban đại diện Cha mẹ Học sinh của trường. Số tiền đóng góp của mỗi người được cụ thể hóa trong danh sách “Phụ huynh đăng ký tự nguyện hỗ trợ theo hình thức xã hội hóa giáo dục năm học 2012-2013”. Cha mẹ các cháu tự điền tên, số tiền ủng hộ và ký vào bản đăng ký tự nguyện trên. Trung bình, mỗi người “tự nguyện” nộp 400.000 đồng. Cá biệt có người ủng hộ 200.000 đồng hoặc 500.000 đồng. Ngoài ra còn có thêm một danh sách cha mẹ các cháu đăng ký hỗ trợ thêm. Ở danh sách này, số tiền ủng hộ giao động từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng.
Ngoài số tiền xã hội hóa giáo dục, cha mẹ các cháu còn được vận động “tự nguyện” đóng góp tiền mua sắm đồ dùng học tập theo thông tư 02/2010/TT-BGDĐT. Theo đó, tùy theo từng nhóm tuổi, mỗi người phải đóng góp từ 165.000 đồng (nhóm trẻ) đến 267.000 đồng (lớp mẫu giáo 3-4 tuổi) và 367.000 đồng (đối với lớp 5 tuổi. Về khoản thu này được hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa lý giải như sau: “Đồ dùng học tập theo Thông tư 02 gồm có 128 danh mục tối thiểu. Trong đó một phần là do Sở GD-ĐT cấp, một phần được mua từ quỹ học phí của trường, một số đồ dùng do giáo viên tự làm và số còn lại do phụ huynh thỏa thuận. Đồ dùng học tập theo Thông tư 02 là do Hội cha mẹ Học sinh thống nhất với các phụ huynh nộp tiền để mua”.
Không những thế, mỗi cha mẹ các cháu còn được “vận động tự nguyện” mua sổ khám sức khỏe 6.000 đồng; khăn mặt (1 trẻ 2 khăn) 10.000 đồng; nước tẩy Vim, xà phòng thơm, xà phòng giặt, xô chậu 30.000 đồng; phiếu bé ngoan, giấy giáo viên chủ nhiệm dùng lên lớp 9.000 đồng; hỗ trợ thêm đồ dùng bán trú 45.000 đồng. Tổng cộng, số tiền “hỗ trợ thêm đồ dùng học tập” mà mỗi cha mẹ các cháu phải đóng góp là 100 nghìn đồng.
Riêng tiền nước uống thu dưới hình thức “tự nguyện” với số tiền 60.000 đồng/cháu cũng được cô hiệu trưởng lý giải là do Ban đại diện Cha mẹ các cháu vận động và được sự thống nhất cao trong cha mẹ các cháu. “Nước sạch phục vụ cho các cháu được nhà trường ký hợp đồng với một doanh nghiệp tại thị xã Cửa Lò. Đây là loại nước uống tinh khiết. Khi nào nhà trường mua được máy lọc nước cho các cháu thì số tiền nước sẽ hoàn trả lại”, cô Hoa cho biết thêm. Tuy nhiên, tại lớp học ngay bên cạnh phòng họp của trường, nước uống của các cháu được đựng trong một thùng kim loại. Bởi vậy thật khó để xác định nước các cháu đang dùng là nước tinh khiết hay không.
Số tiền quỹ lớp mỗi cháu 30.000 đồng được ông Nguyễn Trường Biên - Trưởng Ban đại diện Cha mẹ Học sinh lớp 5A lý giải là dùng để thăm hỏi các cháu khi ốm đau. Tuy nhiên, lý do này cũng được đưa ra lý giải cho khoản thu quỹ cha mẹ học sinh 25.000 đồng/người.
Khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của Ban đại diện Cha mẹ Học sinh đến đâu trong việc đưa ra các khoản thu, tổ chức vận động và thu chi, bà Đỗ Thị Điểm khẳng định, các khoản thu mà Ban đại diện đứng ra vận động là đúng và đã được sự thống nhất cao trong cha mẹ các cháu.
Theo Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22/11/2011 kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT (Điều lệ này có hiệu lực từ ngày 07/01/2012 thì Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ Học sinh.
Các khoản thu này bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Khi chúng tôi viện dẫn những quy định mới về trách nhiệm, quyền hạn của Ban đại diện Cha mẹ Học sinh trong vấn đề thu chi của trường thì cả bà Điểm và ông Biên đều trả lời “Chúng tôi chưa được tiếp cận quy định này”. Thế nhưng trong biên bản họp cha mẹ học sinh của từng lớp đều có mục “Thông qua điều lệ Hội cha mẹ học sinh và Nội quy của trường” và đều đã được “quyết định thông qua”.
Hoàng Lam