Hà Nội:
Trường học xoay xở với tiền ăn thời tăng giá
(Dân trí) - Nhiều trường tiểu học và mầm non ở Hà Nội chưa tăng tiền ăn bán trú vào thời điểm hiện tại cho dù giá cả tiếp tục tăng mạnh. Lãnh đạo các trường đều cho biết, năm học sắp kết thúc nên tăng tiền ăn vào giai đoạn này là hết sức “nhạy cảm”
Cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Quận Ba Đình) chia sẻ: “Hầu hết gia đình các em ở Trường Thành Công B còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi lương của cha, mẹ các em chưa tăng mà mình lại đề nghị tăng tiền ăn lên thì hơi bất hợp lý. Quan điểm của nhà trường là sẽ tiếp tục ổn định mức tiền ăn cho đến hết năm học này”.
Giá cả lương thực, thực phẩm tăng khiến nhiều trường rất khó khăn khi lên thực đơn cho bữa ăn của học sinh.
“Hiện nay các em đều học 2 buổi/ngày chính vì thế nếu suất ăn không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến việc học. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngoài vấn đề đảm bảo chất lượng bữa ăn nhà trường luôn đề cao khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không vì giá cả tăng mà mua những mặt hàng kém chất lượng để chế biến”, cô Yến nhấn mạnh.
Tuy nói là vậy nhưng trước việc giá cả tăng mạnh mà tiền ăn vẫn “án binh bất động” nên nhiều trường cũng thẳng thắn cho biết: Chất lượng bữa ăn được đảm bảo nhưng số lượng chắc chắn sẽ giảm đi chút ít.
Cô Chử Kim Oanh - hiệu trưởng trường mầm non Thành Công A (Quận Ba Đinh) tâm sự: “Việc tăng tiền ăn phải được đem ra bàn bạc và thống nhất với các bậc phụ huynh. Trong khi đó giá cả liên tục tăng nhưng nhà trường không thể lúc nào cũng triệu tập phụ huynh đến được. Đây cũng chính là điểm khó khăn chung cho các trường hiện nay”.
Cô Oanh cũng cho biết thêm, dự kiến vào cuối năm học này sẽ họp bàn để thống nhất với phụ huynh tăng suất ăn lên 20.000 đồng/ngày vào đầu năm học mới (thời điểm hiện tại đang thu 15.000 đồng/ngày). Mặc dù đã dự kiến chủ trương cho năm học mới nhưng hiệu trưởng Oanh cũng bày tỏ băn khoăn: “Tính toán là vậy nhưng nếu giá cả và đầu năm học mới ổn định thì mới đáp ứng được. Còn nếu tiếp tục biến động thì chắc chắn khó khăn này chưa thể kết thúc được”.
Đó là các trường công lập, còn đối với các trường dân lập và tư thục họ lại có cách giải quyết riêng để đối phó với việc giá cả tăng. Để tránh việc tăng tiền ăn khi năm học không còn nhiều, một số trường thực hiện việc tự làm một số món ăn như sữa chua, sữa đậu nành, đổi loại sữa bột giá rẻ…Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm tự làm này hiệu trưởng các trường đều phải đích thân kiểm tra và giám sát.
Nhiều giải pháp để giải quyết bài toán giá cả tăng nhưng các trường vẫn đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu.
Tuy nhiên dưới một góc độ khác cô Nguyễn Khánh Hương - hiệu trưởng Trường mầm non Cát Linh cho rằng: “Không phải trường nào cũng có điều kiện để tự làm các sản phẩm để phục vụ cho trẻ. Để làm được công tác này đòi hỏi phải có ít nhất hai người trong khi các trường công lập thì giáo viên lúc nào cũng bận rộn. Điều quan trọng với những sản phẩm tự làm thì khó có thể đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm bởi thiếu thiết bị và người làm không phải là chuyên nghiệp”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước việc giá cả gia tăng, Trường mầm non Cát Linh đã thông báo rộng rãi đến với phụ huynh là cắt 2.000 đồng tiền uống sữa trưa của các cháu để dành toàn bộ tiền cho bữa ăn chính. Các bậc phụ huynh phải chủ động mang sữa cho con mình từ ở nhà.
“Hiện nay trường chúng tôi chỉ thu tiền ăn 12.000 đồng/ngày/1 học sinh. Thời gian này chỉ dùng 10.000 đồng để đi chợ làm suất ăn cho mỗi em thì quả thật là rất khó. Việc yêu cầu phụ huynh mang sữa cho con từ ở nhà là tạm thời. Với việc giá cả tăng như thế này chúng tôi sẽ đề xuất phụ huynh nâng mức ăn lên 15.000 đồng/ngày. Tuy nhiên việc tăng này có lẽ chỉ được thực hiện từ tháng 6/2011”, hiệu trưởng Hương cho biết thêm.
Trước việc các trường đang phải "vật lộn" và tìm mọi cách nhằm ổn định để không phải thu thêm tiền ăn của học sinh vào thời điểm gần hết năm học, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) tâm sự: “Tiền ăn đối với cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận. Không có mức khống chế tiền ăn/ngày là bao nhiêu. Chính vì thế đòi hỏi nhà trường và các bậc phụ huynh phải họp bàn và thống nhất làm sao để chất lượng bữa ăn được đảm bảo. Trong thời điểm giá cả gia tăng thì việc tăng tiền ăn là điều tất yếu”.
Chưa bao giờ công tác nuôi dạy bán trú ở trường mầm non và tiểu học gặp nhiều khó khăn đến vậy. Giờ đây các trường không chỉ bận rộn trong việc nuôi dưỡng các em phải làm luôn tìm tòi sáng tạo để giải quyết bài toán giá cả tăng. Mặc dù tiền ăn là mức thu thỏa thuận nhưng các trường cũng không thể đề nghị quá cao bởi nhẽ phần lớn phụ huynh các em đều là công nhân viên chức, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào mức tiền lương. Trong khi giá cả thì gia tăng từng ngày còn tiền lương thì “nhích” lên chẳng là bao. Có lẽ công cuộc "chống chọi" với giá cả tăng của trường học thời gian tới sẽ còn khốc liệt hơn.
Nguyễn Hùng