“Trường học cư xử như… phở mắng, cháo chửi?”

(Dân trí) - Đuổi học sinh không tuân thủ quy định, mời phụ huynh đem con em đi trường khác nếu thấy không phù hợp… theo TS. Vũ Thị Phương Anh, đó không phải là môi trường giáo dục mà giống như... "phở mắng, cháo chửi".

Từ bức tâm thư của phụ huynh về vấn đề kỷ luật và hành xử của Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có rất tranh cãi trái chiều. Từ sự việc này “tuyên ngôn” giáo dục của trường cũng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết qua những phản hồi từ quản lý nhà trường như sẵn sàng kỷ luật, đuổi học với học sinh vi phạm kỷ luật.

TS. Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam) cho biết, bà đã đọc tất cả ý kiến trái chiều trong vụ lùm xùm về trường Lương Thế Vinh. Không bàn về phương pháp sư phạm hoặc quan điểm giáo dục, điều bà quan tâm nhất trong sự việc này là quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh, giữa giáo viên và học sinh.

Cách hành xử, kỷ luật tại Trường Lương Thế Vinh đang gây ra nhiều tranh cãi
Cách hành xử, kỷ luật tại Trường Lương Thế Vinh đang gây ra nhiều tranh cãi

Qua các hành xử và phát biểu của phía nhà trường, TS. Phương Anh nêu quan điểm hình như nhà trường cho rằng mình đang ban phát ơn huệ cho học sinh và phụ huynh. Vậy nên họ mới có thái độ đuổi thẳng những học sinh nào không tuân thủ quy định của nhà trường hoặc mời các phụ huynh đem con em mình đi trường khác nếu thấy không phù hợp".Theo cảm nhận của bà, điều này giống hệt như phở mắng cháo chửi vậy.

“Như một khách hàng chúng ta có quyền lựa chọn. Tôi tin rằng một môi trường giáo dục hành xử như Lương Thế Vinh sẽ không tồn tại được ở bất cứ nơi nào khác ngoài Việt Nam. Mà ngay ở Việt Nam thì cũng chỉ phục vụ cho một đối tượng khách hàng đặc thù nào đó mà thôi”, TS. Phương Anh thẳng thắn.

Về góc độ cá nhân, bà nói ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho tương lai của con cái. Mỗi người đều có quyền lựa chọn và chấp nhận mọi người kết quả/hậu quả của lựa chọn đó. Riêng bản thân bà, bà không bao giờ chọn môi trường như trường Lương Thế Vinh.

Từ sự hà khắc của trường và giáo viên trong sự việc tại trường Lương Thế Vinh, chị Nguyễn Mai, cũng công tác trong ngành giáo dục đã phải thốt lên: “Hãy thương lấy học trò!”.

Bản thân chị Mai không phải đối câu "Thương cho roi cho vọt", nhưng tự hỏi lỗi nào cần đến roi, lỗi nào chỉ cần nhắc nhở? Những lỗi như làm thiếu bài tập, đi học muộn, điểm kém lại trở thành nặng nề đến thế?

Chị Mai tự đặt câu hỏi: “Rồi sẽ ra sao khi một thế hệ học sinh đỗ đại học nhưng đầy tự ti, lúc nào cũng sợ hãi khi thấy mình mắc lỗi, răm rắp nghe theo lời người khác?

Trong sự việc tại Trường Lương Thế Vinh, điều làm chị vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy qua phản hồi của nhiều giáo viên đang đứng lớp thì họ có quan điểm phải kỷ luật, phải thật nghiêm khắc mới rèn được học sinh, thành phần bất trị không dạy được nữa thì buộc phải đuổi học.

Học sinh Trường Lương Thế Vinh , Hà Nội trong lễ khai giảng
Học sinh Trường Lương Thế Vinh , Hà Nội trong lễ khai giảng

“Từ bao giờ, giáo dục là phải kỷ luật, là phải trừng phạt như vậy? Tại sao bước chân vào trường học, là học sinh đã bị coi như kẻ tội đồ đầy những lỗi lầm cần phải răn dạy, nếu không làm theo ý thầy cô là phải bị trừng phạt, và nặng nhất là đuổi khỏi ngôi trường đang theo học? Tại sao không dạy bằng tình yêu thương, cảm hóa, khuyên nhủ, làm gương? Tôi không hiểu”, chị Mai đặt câu hỏi.

Theo chị Mai, lũ trẻ còn đang lớn và các em có những lỗi lầm cần mắc để lớn lên, để trưởng thành, các em cần môi trường giáo dục nhân văn để trở thành người nhân ái. Ngay cả người lớn cũng mắc lỗi mà...

Cũng rất nhiều ý kiến đánh giá, sự hà khắc tại Trường Lương Thế Vinh vì họ chạy theo mục tiêu học sinh phải đỗ đại học. Đuổi học không chỉ là biện pháp kỷ luật mà cũng là một hình thức “chọn lọc” để thực hiện chỉ tiêu. Mà cách thực hiện mục tiêu của nhà trường “mâu thuẫn” với quá trình giáo dục nhân cách, giáo dục làm người...

Trước đây, khi trao đổi về hình thức kỷ luật đuổi học học sinh vi phạm, TS. Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) không ngần ngại nói rằng khi chúng ta dùng đến hình phạt đẩy học trò ra khỏi nhà trường thì chúng ta đã không còn xứng đáng làm giáo dục và đừng nên làm giáo dục. Trừng phạt như vậy cũng là một hình thức bạo lực, không có tính chất và mục tiêu giáo dục.

Muốn hay không thì đuổi học là biện pháp đơn giản, nhanh gọn nhất và cũng thể hiện sự bất lực của giáo dục!

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm