TPHCM:
Trường học cho thuê mặt bằng, phụ huynh bức xúc
Không ít trường học ở TPHCM đã đem một phần mặt bằng trường cho thuê để bán cơm bình dân, giữ trẻ, bán giày dép, giữ xe… Việc làm này đã gặp phải phản ứng gay gắt từ phía người dân và phụ huynh học sinh.
Trường Bồi dưỡng giáo dục Q.3 có chức năng bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho giáo viên các trường trên địa bàn quận. Tuy nhiên, ngay bên dưới tấm biển hiệu tên trường là một xe bán cơm bình dân án ngữ. Lối đi duy nhất có chiều ngang khoảng 3m, dài 15m vào bên trong trường đã bị người bán đặt hàng chục bộ ghế nhựa cho khách ngồi ăn. Buổi trưa, quán tấp nập khách ra vào. Theo người dân sống gần trường, quán cơm này đã được trường cho thuê từ nhiều năm. Quán cơm nhếch nhác và ồn ào ngay lối ra vào của trường, lại cạnh trụ sở của lãnh sự nước ngoài khiến người dân rất bức xúc. Không chỉ cho thuê bán cơm, mặt bằng nơi này còn biến thành bãi giữ xe cho khách vãng lai vào buổi chiều và tối; các phòng học còn được cho thuê để giữ học sinh.
Trong khuôn viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) có một shop giày hiệu Rotica. Trong giờ học, khách bên ngoài vẫn có thể vào trường mua thoải mái. Ngoài ra, trong sân trường còn có một bãi giữ xe khá lớn, nhận giữ xe cho cả khách của Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn. Phụ huynh phản ánh, việc trường cho thuê mặt bằng giữ xe bên ngoài và mở một shop bán giày dép thời trang trong khuôn viên trường ảnh hưởng đến việc học tập và vui chơi của học sinh.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), ngay sát bên cổng chính của trường có ba dãy kiosque án ngữ bán văn phòng phẩm, sách vở; chụp hình kiêm photocopy, bán tạp hóa, nước giải khát, khiến cảnh quan trước cổng trường trông rất nhếch nhác. Một chủ kiosque cho biết: ba kiosque này là của nhà trường cho thuê với giá “mềm”, tôi đã thuê trên 10 năm nay. Tương tự, một góc khuôn viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được tận dụng để bày hoa, cây kiểng… Tuy nhiên, ban giám hiệu trường cho rằng, nhà trường chỉ cho Công ty dịch vụ công ích tạm mượn để tập kết cây xanh, ươm cây cảnh phục vụ các công trình công ích trên địa bàn.
Ngành GD-ĐT đang thực hiện “môi trường học thân thiện - học sinh tích cực”, “trường ra trường, lớp ra lớp” nhưng không hiểu sao các đơn vị trên lại xé rào? Một số phụ huynh nói: chúng tôi cảm thấy bất an khi trong giờ học vẫn có người mua, kẻ bán.
Trả lại mặt bằng cho học sinh
Hầu như nguồn thu từ việc cho thuê, mượn mặt bằng đều được gộp vào quỹ phúc lợi của nhà trường. Tuy nhiên, nguồn thu này không nhiều (như ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu), hoặc không có như khẳng định của ban giám hiệu Trường THPT Bùi Thị Xuân nhưng đã gây điều tiếng cho trường, chưa kể làm cổng trường không sạch đẹp, an toàn, chiếm không gian của học sinh trong bối cảnh còn thiếu phòng học, phòng chức năng. Ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch Công đoàn Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Hiện nay, các trường thực hiện theo Nghị định 43 của Chính phủ, nếu các đơn vị thực whiện chi tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiết kiệm được nguồn chi sẽ góp phần cải thiện cho giáo viên”. Như vậy, không nhất thiết phải cho thuê mặt bằng để cải thiện đời sống giáo viên. Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhờ tiết kiệm chi tiêu, thưởng Tết năm trước ở nhiều trường THPT lên đến hàng chục triệu đồng.
Về trường hợp một số trường thuộc phạm vi các quận huyện quản lý, nếu cho thuê mặt bằng kinh doanh không phục vụ giáo dục, ông Hùng cho rằng đó là trách nhiệm của các quận huyện. Về mặt chỉ đạo chung của Sở GD-ĐT, nơi nào làm sai yêu cầu phải chấn chỉnh, trả lại mặt bằng cho học sinh.