TPHCM:
Trường học “căng mình” canh chừng dịch tay chân miệng
(Dân trí) - Dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn TPHCM vẫn diễn biến khó lường và lan vào trường học sau khi năm học mới bắt đầu. Các trường mầm non không ngừng “canh chừng” dịch bệnh nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
“Điểm nóng” trường học
Bệnh tay chân miệng (TCM) tăng mạnh vào thời điểm đầu năm học mới nên các trường học, đặc biệt là trường mầm non luôn được xem là “điểm nóng” mang nguy cơ bùng phát và lây lan. Tính đến cuối tháng 9, toàn TPHCM có hàng chục trường mầm non nằm ở hầu hết ở các quận huyện ghi nhận có ca TCM.
Trong tháng 9, Sở Y tế đã yêu cầu tạm đóng cửa để tránh nguy cơ lây lan và tiến hành tổng vệ sinh tại cơ sở thuộc Trường mầm non 15 (Q.11). Cơ sở này có 170 trẻ nhưng có 8 trẻ mắc TCM trong thời gian 1 tuần.
Trước tình hình dịch bệnh luôn tiềm ẩn ở trường học, trong tháng 9, Sở GD-ĐT và Sở Y tế TPHCM họp liên tịch nhằm đẩy mạnh việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. Theo đó, yêu cầu các quận huyện, đơn vị giáo dục khẩn trương triển khai các hoạt động thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết trong trường học.
Chỉ đạo nhấn mạnh nguy cơ lây lan bệnh trong trường học và hậu quả phải đóng cửa trường lớp nếu bệnh lan rộng. Ngoài công tác vệ sinh, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn để phụ huynh HS đồng thuận không đưa trẻ đến trường khi trẻ bị sốt hoặc đang nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đồng thời thông báo ngay cho giáo viên. Trường học cũng có nhiệm vụ phát hiện và tầm soát trẻ mắc bệnh trong giờ đón và chăm sóc trẻ.
Giáo viên bơ phờ “canh” dịch
Đến các trường mầm non thời điểm này có thể dễ thấy việc tăng cường phòng chống dịch TCM rất được chú trọng. Ở nhiều trường, băng rôn tuyên truyền về dịch bệnh TCM được treo mắt mắt ở ngay cổng trường, ở lớp học đều có thông tin, hình ảnh phòng trách dịch bệnh. Từ quản lý nhà trường cho đến đội ngũ GV, nhân viên đều "căng như dây đàn" để thực hiện các công tác phòng chống dịch bệnh như vệ sinh lớp học, đồ chơi, hướng dẫn trẻ rửa tay được thực hiện liên tục trong ngày.
Tại Trường mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3), việc vệ sinh lớp học bằng dung dịch diệt khuẩn được thực hiện 3 ngày một lần vào đầu ngày, trước khi trẻ ăn trưa và kết thúc ngày học. Đồ chơi của trẻ được tẩy rửa vào cuối ngày, khăn lau được hấp nóng 2 lần/ngày…
Cô Đặng Huỳnh Bích Trân, GV lớp 3C cho biết, việc đầu tiên khi đón trẻ là các cô sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của hàng chục cháu bằng các thao tác sờ trán, kiểm tra kỹ lưỡng tay chân. Tiếp đó, tất cả trẻ sẽ được rửa GV hướng dẫn rửa tay bằng xà bông. Việc rửa tay cho trẻ cũng diễn ra liên tục trong ngày sau mọi hoạt động.
“Đầu năm trẻ chưa quen các thao tác rửa tay nên GV phải chỉ dẫn từng chút. Trong khi số lượng trẻ đông nên công việc rất cực”, cô Trân chia sẻ.
Bà Vũ Thị Thu Hà - hiệu trưởng Trường mầm non Bến Thành. Q.1 cho hay ở trường đã có ca mắc TCM nên việc phòng tránh dịch bệnh rất căng thẳng, áp lực. Hàng ngày trường truyên truyền dịch bệnh qua loa phát thanh, phát tài liệu cho phụ huynh, còn ban chỉ đạo phòng dịch bệnh của trường kiểm tra thường xuyên việc vệ sinh hàng ngày ở các lớp.
Bà Hà cho biết trường thường nắm thông tin trẻ mắc bệnh qua Trung tâm Y tế chứ không phải qua phụ huynh. Nhiều phụ huynh sợ con phải nghỉ học lâu nên họ tìm cách giấu bệnh hoặc nói con bị ốm đơn thuần nên có khi trường không nắm được. “Thế nên chúng tôi yêu cầu GV khi đón trẻ phải kiểm tra thật kỹ, nếu có dấu hiệu yêu cầu phụ huynh cho trẻ đi khám ngay”, bà Hà nói.
Vì tập trung cho kiểm soát phòng bệnh lây nhiễm nên công tác chuyện môn hàng ngày ở các trường ít nhiều đều bị ảnh hưởng. GV là người trực tiếp chịu nhiều áp lực như thời gian làm việc hàng ngày kéo dài thêm vì công tác vệ sinh, phải luôn để ý phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường.
“Mỗi khi bên y tế xuống kiểm tra, GV được gọi lên ngồi quanh bàn, họ chỉ từng người hỏi rất nhiều thứ như pha dung dịch thế nào, rửa tay thế nào, tẩy rửa đúng yêu cầu thế nào… như thể GV là nguyên nhân của dịch bệnh vậy. Thế nên trong mùa dịch bệnh này GV đến lớp cũng rất lo lắng và có phần mệt mỏi”, một GV mầm non ở Q. Bình Thạnh bày tỏ.
Hoài Nam