Bình Định:
Trường ĐH Quy Nhơn giãn thời gian nộp tiền chênh lệch học phí
(Dân trí) - Lãnh đạo Trường ĐH Quy Nhơn khẳng định tổng học phí theo tín chỉ và niên chế là như nhau. Việc chênh lệch học phí sinh viên phải nộp thêm do khóa 38, 39 số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký năm một, năm hai nhiều; cá biệt có sinh viên chưa nộp học phí kỳ trước.
Học phí theo tín chỉ và niên chế là như nhau
Trước đó, Dân trí đã thông tin, nhiều sinh viên khóa 38, 39 của Trường ĐH Quy Nhơn tỏ ra băn khoăn và lo lắng khi nhận thông báo mức đóng học phí học kỳ 1 năm học 2017 - 2018 tăng gần gấp đôi so với trước đây. Theo nhiều sinh viên, nếu như trước đây học phí tầm 3,5 đến 4 triệu đồng/kỳ, thì nay tăng lên 6-7 triệu đồng, cá biệt có trường hợp lên đến 17 triệu đồng.
Giải thích về chênh lệch học phí thu theo tín chỉ và tạm thu theo niên chế, ông Phan Vũ Hạnh, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Trường ĐH Quy Nhơn) khẳng định mức học phí chênh lệch phải nộp thêm hoặc nộp thừa sau khi trường thu theo tín chỉ là đúng theo quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ chứ không phải trường tăng học phí.
“Trên thực tế, học phí nộp theo niên chế và tín chỉ đều như nhau không hề thay đổi. Tuy nhiên, số tiền chênh lệch sinh viên phải nộp thêm là do trong năm một và năm hai thường các môn đại cương nhiều, khối lượng tín chỉ sinh viên đăng ký học nhiều nên học phí tăng thêm so với mức nộp theo niên chế. Còn hai năm cuối thì tập trung vào các môn chuyên sâu, thời gian thực tập, thực tế… khối lượng tín chỉ ít lại nên học phí sẽ thấp. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không hiểu vấn đề nên nghĩ rằng nộp theo tín chỉ cao hơn”, ông Hạnh cho hay.
Đề cập đến một số trường hợp cá biệt có sinh viên “choáng váng” khi nhận thông báo nộp học phí lên đến trên 17 triệu đồng. Nói về sự bất thường này, ông Hạnh cho hay: “Sở dĩ, có trường hợp này là ngoài tiền chênh lệch, những sinh viên này đang còn nợ học phí kỳ trước chưa nộp cho nhà trường. Vì vậy, khi áp dụng phần mềm thu học phí theo tín chỉ, phần mềm này sẽ thông báo số tiền còn nợ vào tài khoản từng sinh viên, chứ hoàn toàn không chỉ là tiền chênh lệch.
Cũng theo ông Hạnh, toàn trường hiện có 4.773 sinh viên năm 2 (khóa 39) và năm 3 (khóa 38) phải nộp thêm hoặc được trả lại khoản tiền chênh lệch. Số tiền chênh lệch sinh viên phải nộp cao nhất hiện nay là khoảng 4,4 triệu đồng.
Thu đúng nhưng cách làm chưa bài bản
Không ít sinh viên cho rằng nhà trường không rõ ràng trong việc thu học phí theo tín chỉ và tạm thu theo niên chế. Vì quy định thu theo tín chỉ vừa ban hành trong năm 2017, nhưng nhà trường lại truy thu 2 năm trước đó. Trong khi, vào nhập học thì nhà trường không thông báo việc thu theo tín chỉ, lúc nộp tiền vẫn thu bình thường chứ không nói là tạm thu.
Về việc này, ông Hạnh cho biết: “Nhà trường bắt đầu thu học phí theo tín chỉ từ khóa 38. Ban đầu, trường tự làm phần mềm thu học phí theo tín chỉ nhưng không đảm bảo yêu cầu. Sau đó, qua 2 lần hợp đồng với 2 công ty chuyên về phần mềm, đến nay, nhà trường mới chính thức đưa vào sử dụng”.
Ông Hạnh thông tin thêm: Mức học phí tạm thu học kỳ 1 năm học 2015-2016, của khóa 38 theo nhóm ngành: Khoa học xã hội, Kinh tế, Nông học là 2.800.000 đồng; Khoa hoc tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ là 3.300.000 đồng; Sư phạm: không đóng học phí. Sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí (tạm thực hiện theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP).
Đối với sinh viên khóa 39, học phí thu theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, mức học phí 1 tín chỉ là: 210.000 đồng, mức tạm thu học kỳ 1 năm học 2016-2017 là: 4.410.000 đồng.
“Trong thời gian chờ đợi có phần mềm hoàn chỉnh, gần 2 năm qua, trường tạm thu học phí theo hình thức niên chế và thông báo rõ ràng từ đầu mỗi năm học với sinh viên rằng, tiền học phí là khoản tạm thu, khi có phần mềm thu theo tín chỉ thì sẽ tính lại”, ông Hạnh cho hay.
Trao đổi về việc này, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn cho rằng việc thực hiện thu học phí theo tín chỉ và tạm thu theo niên chế của trường là đúng theo quy định của nhà nước, tuy nhiên cách làm chưa bài bản dẫn đến sinh viên hiểu chưa rõ vấn đề.
“Quan điểm xuyên suốt của trường là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên. Tuy nhiên, việc thu học phí và tiền chênh lệch cùng một lúc là không phù hợp trong tình hình các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của bão, lũ lụt. Qua vụ việc này, nhà trường rút ra được bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn”, ông Hiền nói.
Giãn thời gian nộp tiền chênh lệch học phí
PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn cho biết, các thành viên dự họp đã bàn và thống nhất điều chỉnh thời gian nộp học phí học kỳ 1 năm học 2017-2018 và các khoản nợ còn lại của các kỳ trước gồm tiền chênh lệch giữa tạm thu theo niên chế và tín chỉ, số nợ học phí kỳ chính, học lại của các kỳ trước (theo thông báo nợ trường đã gửi đến các khoa).
Cụ thể, đối với khoản chênh lệch học phí giữa thu theo tín chỉ và tạm thu theo niên chế của sinh viên các khóa 38 và 39, nhà trường thống nhất cho sinh viên khóa 38 nộp thành 3 đợt (mỗi đợt bằng 1/3 khoản chênh lệch) và nộp vào học kỳ 2 năm học 2017-2018, học kỳ 1 năm 2018-2019 và học kỳ 2 năm học 2018-2019. Còn sinh viên khóa 39 thì nộp thành 2 đợt (mỗi đợt bằng 1/2 khoản chênh lệch) và nộp vào học kỳ 2 năm học 2017-2018, học kỳ 1 năm học 2018-2019.
Đối với học phí học kỳ 1 năm học 2017-2018 và các khoản nợ học kỳ chính, học lại của các kỳ trước, nhà trường yêu cầu sinh viên các khóa 36, 37, 38, 39 phải nộp đầy đủ các khoản học phí trên đúng theo thông báo số 2138/TB-ĐHQN về việc thu học phí sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy học kỳ 1 năm học 2017-2018.
Sinh viên nộp các khoản này từ 27/11/2017 đến 15/12/2017 tại Phòng Kế hoạch - Tài chính hoặc các điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) trên toàn quốc. Nếu nộp bằng chuyển khoản thì tại các trụ ATM của BIDV hoặc trên internet, smartphone có cài đặt dịch vụ BIDV_SmartBanking của BIDV. Nếu nộp bằng thẻ ngân hàng BIDV theo hình thức quẹt thẻ qua POS_BIDV thì tại Phòng Kế hoạch - Tài chính của trường.
Nhà trường đã đề nghị các khoa, phòng, hội sinh viên thông báo cụ thể các nội dung trên đến tất cả sinh viên để biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc, sinh viên đến trực tiếp Phòng Kế hoạch - Tài chính của trường để phản ánh và đối chiếu.
“Nhà trường đã họp bàn và thống nhất chỉ thu học phí học kỳ 1, còn khoản chênh lệch sẽ chia đều cho các học kỳ còn lại. Ngay trong học kỳ 1 này, những sinh viên nào gia đình thực sự bị ảnh hưởng nặng do thiên tai không có khả năng nộp học phí thì làm đơn để nhà trường xem xét miễn, giảm phù hợp”- ông Hiền chia sẻ.
Doãn Công