Trường ĐH Quốc tế TPHCM: Dự án hơn 12 tỉ đồng giải quyết vấn nạn kẹt xe
(Dân trí) - Sau một năm triển khai lắp đặt và qua 1 tháng vận hành, dự án “Triển khai thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh” của trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã hoạt động hiệu quả nhằm giảm kẹt xet trên tuyến đường Võ Văn Kiệt mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng cho thực tế.
PGS. TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đại diện cho nhóm thực hiện dự án hệ thống quản lý giao thông thông minh, vừa có báo cáo kết quả sau một tháng vận hành thực tế dự án. Đây là dự án nhằm giảm kẹt xe và hỗ trợ điều tiết giao thông một cách hiệu quả nhất trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ giao lộ Ký Con đến Hải Thượng Lãn Ông.
Theo đó, tuyến đường này có 35 camera liên kết với camera giao thông giúp thu thập hình ảnh xe cộ trên đường để thống kê dữ liệu. Dựa vào hình ảnh thực tế có tính chính xác 90%, các chuyên viên Trung tâm Quản lí Đường hầm sông Sài Gòn sẽ đánh giá tình trạng giao thông, từ đó điều phối thời lượng đèn tín hiệu để điều tiết dòng xe, giảm ùn tắc. Dữ liệu này được cập nhật 5 phút/lần, giúp dự báo tình trạng giao thông qua các số liệu vận tốc, mật độ xe.
Dự án này do ĐH Quốc gia TPHCM làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 12 tỉ đồng cho phần cứng và phần mềm, trong đó kinh phí phần lớn là trang thiết bị phần cứng của hệ thống gồm hệ thống camera, máy chủ xử lý…
PGS.TS Hồ Thanh Phong cho biết, trường ĐH Quốc tế đang tiếp tục hoàn thiện khâu đảm bảo an ninh thông tin cho hệ thống cũng như đang nghiên cứu cải tiến camera có thể bắt hình nhanh và dễ điều khiển hơn. Đặc biệt, nhà trường sẽ thiết kế luôn hệ thống camera chuyên dụng để giảm chi phí cho việc mua sắm thiết bị của nước ngoài.
Trong tương lai, hệ thống giao thông thông minh này có thể xử lý được hình ảnh trong điều kiện thiếu sáng, dư sáng, trời mưa. Ngoài ra, các camera này còn giúp ghi nhận biển số các xe vi phạm luật giao thông hay trường hợp xe dừng quá lâu trên đường.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá cao dự án này vì từ trung tâm điều khiển có thể kịp thời phát hiện và xử lí những vị trí kẹt xe. Qua kết quả đạt được của dự án, phía Sở Giao thông vận tải mong nhà trường tiếp tục phát huy mở rộng hệ thống này. Phía thành phố cũng thống nhất chọn phương án này mở rộng ra khu vực Cát Lái.
PGS.TS Hồ Thanh Phong chia sẻ rằng, có 3 vấn đề mà một nhà khoa học ở trường ĐH mong muốn thì đến nay TPHCM đã đáp ứng phần nào được điều đó. “Điều mong mỏi thứ nhất là kết quả nghiên cứu của mình được đánh giá đúng mức, thứ hai là được tạo điều kiện nghiên cứu và đối với nghiên cứu ứng dụng như phương án giao thông thông minh này thì điều mong mỏi là có điều kiện để ứng dụng, được ghi nhận và có điều kiện để cải thiện. Tất cả những điều đó đã được thành phố đáp ứng và điều mong muốn cao hơn của người làm nghiên cứu là tiếp tục được đặt hàng”, ông Phong bộc bạch.
Ông Phong cho biết nhà trường tiếp tục giữ lời hứa với Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ cố gắng mang kết quả nghiên cứu này ứng dụng cho điểm nóng kẹt xe ở khu vực Cát Lái (quận 2) sắp tới. Theo ông Phong, riêng “điểm nóng” Cát Lái, nhà trường sẽ bổ sung thêm phương án sắp xếp tối ưu để có thể giảm bớt kẹt xe ở khu vực này.
Lê Phương