Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đào tạo chương trình song ngành tích hợp
(Dân trí) - Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM triển khai 4 chương trình đào tạo song ngành, sinh viên học một chương trình khi tốt nghiệp sẽ nhận hai bằng cử nhân riêng biệt.
Thông tin từ ĐH Kinh tế TP.HCM, năm nay, trường thực hiện 4 chương trình đào tạo song ngành tích hợp gồm: Kinh doanh nông nghiệp - Logistic và quản lý chuỗi cung ứng; Bảo hiểm - Tài chính; Quản lý công - Luật và riêng chương trình Kinh doanh nông nghiệp - Kinh doanh quốc tế áp dụng tại phân hiệu Vĩnh Long
Thời gian đào tạo rút ngắn từ 4,5 đến tối đa 5 năm dành cho hệ chính quy tập trung. Sinh viên được giảm học phí các học phần thuộc ngành học thứ hai theo quy định.
Khi tốt nghiệp, người học được nhận hai bằng Cử nhân riêng biệt.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay, các chương trình đào tạo song ngành mới sẽ theo hướng tích hợp kết hợp giữa các ngành học có kiến thức bổ sung cho nhau, giúp người học tiết kiệm thời gian và có kế hoạch học tập hợp lý. Khi tốt nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động trên nhiều lĩnh vực hơn.
Được biết, học phí tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dao động 20 đến 60 triệu đồng/năm. Trong đó, chương trình Đại trà 20 - 22 triệu đồng/năm; chương trình Chất lượng cao 30 - 45 triệu đồng/năm; Chương trình Cử nhân tài năng bình quân 60 triệu đồng/năm.
Ngày 27/4, với sự tham gia của bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM và trường ĐH Kinh tế TP.HCM ký hợp tác với Tập đoàn giáo dục Pearson của Anh quốc về phát triển hệ sinh thái và dạy học tiếng Anh cho sinh viên. Bao gồm các chương trình đào tạo, tài nguyên, giải pháp kiểm tra đánh giá, khảo thí và văn bằng chuẩn quốc tế hàng đầu cho sinh viên theo học tại trường.
Hệ sinh thái này mở ra cơ hội hỗ trợ người học nguồn tài nguyên, học liệu, công nghệ giáo dục, khảo thí cùng hệ thống bằng cấp chứng chỉ quốc tế, được xem là chìa khóa giúp sinh viên nâng tầm bản thân, giúp các em thành công hơn trong môi trường học tập cũng như sự nghiệp trong tương lai.