"Nhiều nghiên cứu xuất phát từ hàn lâm, không thương mại hóa được"
(Dân trí) - "Hiện giờ, nhiều nghiên cứu của các giảng viên, cả của tôi không xuất phát từ nhu cầu thị trường mà xuất phát từ hàn lâm, nên không thương mại hóa được".
TS. Đỗ Thị Hải Ninh, Giám đốc Đào tạo - Hợp tác quốc tế, Viện Đổi mới sáng tạo, ĐH Kinh tế TPHCM, thẳng thắn trao đổi như vậy với Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng tại Hội thảo "Tổng kết 10 năm phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011-2022" vừa diễn ra ở TPHCM.
Bà Ninh bộc bạch, nghiên cứu muốn thương mại hóa được phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường.
"Vậy nhưng hiện giờ các nghiên cứu của nhiều giảng viên, cả của tôi không xuất phát từ nhu cầu thị trường mà xuất phát từ hàn lâm, thành ra, không thương mại hóa được", TS. Ninh nói.
Bà thông tin, các công bố hàn lâm có thể xin bộ này ngành khác hỗ trợ. Nhưng nếu nói kết quả nghiên cứu của mình chỉ để đi thương mại hóa lại không xin được nữa. Nhiều đề tài phải dừng luôn, không xin được, nộp lên không được giải quyết.
Vị TS cũng chia sẻ, năm ngoái trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức khóa "Thương mại hóa các sản phẩm công nghệ" dành cho các nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu cái gì cũng không nắm được như thẩm định, sở hữu trí tuệ, tài sản của tôi như thế nào, kết quả nghiên cứu làm thế nào để được công bố...
Hiện còn nhiều vướng mắc như nhiều nhà nghiên cứu làm xong không biết kết quả của ai? Thuộc về tôi, nhà trường hay nhà nước?
Họ cũng không thẩm định được nghiên cứu của mình, không hiểu giá trị là bao nhiêu. Đăng ký sở hữu trí tuệ thì mất tiền, đăng ký xong không thương mại hóa được thì tiền này ai chịu?
"Vậy nên nhiều nhà khoa học không dám làm nghiên cứu, không dám thương mại hóa", TS. Ninh khẳng định.
Ủng hộ các đề tài xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
Chủ trì hội thảo, trước băn khoăn này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, về công tác quản lý, định hướng của Bộ KH&CN trong thời gian tới rất ủng hộ các đề tài xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Đó là những đầu bài để các nhà khoa học giải quyết và khi giải quyết xong, chúng ta sẽ tính toán. Nếu tiền nhà nước bỏ ra nhiều, thuộc sỡ hữu của nhà nước, chúng ta có quyền đưa cho nhiều người sử dụng để lan tỏa kết quả đó nhanh nhất, đưa lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội.
Chung quan điểm này, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ cho biết, như trường ĐH Cần Thơ, hiện có rất nhiều GS.TS nhưng giờ hỏi có bằng sáng chế đi để đi chuyển giao không? Không có!
Ông chia sẻ, ngồi các chuyên gia nước ngoài, ông rất trăn trở. Tại sao người ta có kỹ sư trưởng, có công trình sư, mà Việt Nam mình không có.
"Hội đồng thẩm định đánh giá công nghệ mà chúng ta không có những con người thực chất làm ngành này, thực chất được công nhận là người ta có khả năng đánh giá thì làm sao có thể thẩm định?", ông Tín đặt câu hỏi.
Theo ông Tín, chúng ta nghiêng về hàn lâm, không nghiêng về công nghệ. Các trường ĐH có khoa công nghệ nhưng khoa công nghệ cũng theo tính hàn lâm, giảng viên tập trung viết các bài báo.
Ông cũng chỉ ra thực trạng, những kết quả nghiên cứu của thầy cô, vẫn âm thầm đưa cho doanh nghiệp đưa vào sử dụng nhưng mình không đăng ký, không chuyển giao được.
Đặt nặng bài báo quốc tế, chưa chú ý sáng chế
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 22%.
Trong đó, một số ngày tăng trưởng cao như ngành điện, điện tử máy tính 46%; ngành chế biến gỗ, giấy 29%, ngành chế biến thực phẩm 28%.
Tuy nhiên, theo ông Tùng thị trường khoa học và công nghệ trong nước chưa phát triển đúng với tiềm năng của nguồn cung, nguồn cầu bởi rất nhiều nguyên nhân.
Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vị trí, vai trò của thị trường KH&CN trong hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia còn hạn chế; Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho thị trường KH&CN phát triển...
Chưa thực sự có những cơ chế, chính sách kích thích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
"Các tổ chức KH&CN đặt quá nặng về bài báo quốc tế, chưa chú ý đến sáng chế, và chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu", ông Tùng nói.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng thông tin về thị trường KH&CN còn hạn chế, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các đối tượng có nhu cầu như: Doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học với nhau và với các tổ chức, cá nhân khác.
Chưa thiết lập được các hình thức liên kết với thị trường quốc tế, phục vụ thương mại hóa công nghệ trong nước và tăng cường hoạt động đầu tư cho kết quả nghiên cứu tại Việt Nam.
Số lượng tổ chức trung gian nhiều nhưng năng lực tư vấn, môi giới, xúc tiến không đồng đều, sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các tổ chức trung gian còn manh mún, hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu cùng cầu công nghệ hạn chế.
Đại học Bách khoa TP.HCM doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2009-2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó đạt cao nhất trong năm 2017, 2018 lần lượt là 182.645 triệu đồng và 197.768 triệu đồng.
Trước thực trạng thiếu nguồn lực chuyên sâu trong lĩnh vực KH&CN, năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mở ngành học mới là Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo.