Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng mạnh

(Dân trí) - Tại buổi họp báo tuyển sinh năm 2017, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, điểm thi của thí sinh năm nay cao hơn năm trước nên dự kiến ngưỡng điểm nhận hồ sơ vào trường sẽ tăng.


PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Ngưỡng điểm nhận hồ sơ có thể lên tới 24

PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết, với phổ điểm thi năm nay của thí sinh cao hơn năm trước nên về nguyên tắc điểm chuẩn vào các trường đại học sẽ cao hơn.

Phổ điểm mà trường ĐH Bách khoa quan tâm không phải là phổ điểm 15 - 20 điểm mà mức điểm ĐH Bách khoa quan tâm là từ 21 điểm trở lên. Cụ thể, ngày 13 hoặc 14/7 tới, trường sẽ công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ để thí sinh biết. Ngưỡng điểm này của các ngành trong trường sẽ khác nhau.

Ví dụ, ngưỡng điểm ngành "hót" của trường ĐH Bách khoa HN có thể sẽ tăng cao. Năm ngoái điểm của những ngành này trung bình 3 môn là 7,5 (tương đương điểm 3 môn là 22,5).

Năm nay với diễn biến tình hình điểm thi cao thì có thể thí sinh có mức 23 điểm mới được nhận hồ sơ, thậm chí từ 23,5 - 24 điểm mới được nộp hồ sơ.

Những ngành "hót" của trường ĐH Bách khoa Hà Nội là các ngành/nhóm ngành KT11 (kỹ thuật cơ điện tử), KT21 (Kỹ thuật điện tử - truyền thông), KT22 (gồm các ngành Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin) và KT24 (Kỹ thuật Điện-Điện tử, Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa).

Với quy chế tuyển sinh và xét tuyển năm nay, thí sinh được chọn một dải rộng nhất phổ điểm tối đa để chọn nên không thể dự đoán được điểm chuẩn của các trường trong nhóm xét tuyển miền Bắc.

Ông Tớp cho rằng, điểm chuẩn năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phổ điểm cũng như việc thí sinh đăng ký vào ngành học nào đó, cụ thể chưa biết được nhưng rõ ràng mặt bằng điểm năm nay cao, thì điểm chuẩn về mặt nguyên tắc sẽ cao nhưng đôi khi nó tạo ra tâm lý lo ngại sợ không đỗ được thì dịch chuyển sang ngành khác, lúc đó điểm chuẩn ngành học đó sẽ thấp đi.

Chính vì vậy, năm trước trường ĐH Bách khoa Hà Nội cố gắng không để ngành hót nhất của trường có điểm 9,5. Tuy nhiên, với mức điểm này tỉ lệ ảo rất lớn so với số nhập học. Do đó, nhà trường đã phải gọi tăng thí sinh lên 150% chứ nếu để như vậy nhà trường chỉ gọi được khoảng 30% chỉ tiêu. Đây là một bài học kinh nghiệm - ông Tớp chia sẻ.

Sẽ có 2 tiêu chí phụ

PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết, mọi năm, trường ĐH Bách khoa HN chỉ sử dụng 1 tiêu chí phụ nhưng năm nay với điểm thi cao, trường buộc phải sử dụng 2 tiêu chí phụ: Tiêu chí phụ thứ nhất là của trường và tiêu chí phụ thứ 2 là của quy chế.

Tiêu chí phụ thứ nhất là tổng điểm của 3 môn không nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên. Tiêu chí này khác với tiêu chí phụ năm trước (năm trước ĐH Bách khoa HN dùng tiêu chí phụ là môn toán duy nhất) nhưng năm nay toán cũng thi trắc nghiệm và bản thân nhà trường đánh giá môn toán là môn quan trọng thể hiện tư duy của học sinh vì vậy nhà trường vẫn coi đây là môn chính.

Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng cho các thí sinh, ông Tớp cho hay, thay vì lấy môn toán là môn chính thì trường ĐH Bách khoa HN lấy tổng điểm 3 môn không nhân hệ số và không cộng điểm ưu tiên.

Bên cạnh đó, khi xét tiêu chí phụ mà có nhiều thí sinh điểm như nhau có thể làm cho chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường tăng lên hoặc giảm đi, nhà trường sẽ đưa tiêu chí phụ thứ 2 là ưu tiên thí sinh có nguyện vọng 1 hơn so với thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào ngành học đó. Tiêu chí dự phòng này có thể sử dụng đến. Chính vì vậy rất cần thiết.


PGS.TS Trần Văn Tớp đang tư vấn cho thí sinh và phụ huynh

PGS.TS Trần Văn Tớp đang tư vấn cho thí sinh và phụ huynh

Không có phiếu xét tuyển riêng cho nhóm xét tuyển miền Bắc

Đối với việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh trong nhóm xét tuyển miền Bắc, ông Tớp cho rằng, năm nay khác với năm trước, không có phiếu xét tuyển riêng của nhóm miền Bắc mà dùng phiếu xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT để xét tuyển.

Cách thức đăng ký vào trường trong nhóm hoặc ngoài nhóm đều như nhau, đều thay đổi bằng phiếu hoặc trực tuyến tùy theo các em mong muốn.

Số lượng nguyện vọng không đổi thì thí sinh thay đổi bằng hình thức trực tuyến. Nếu bổ sung thêm nguyện vọng thì đăng ký bằng phiếu.

"Việc thay đổi nguyện vọng sau khi biết kết quả là rất hợp lý, cần thiết, là quyền của các em. Tuy nhiên, thí sinh cần đăng ký ngành học theo năng lực, phổ điểm của mình chứ không nên chạy theo trào lưu mà thay đổi nguyện vọng chạy theo ngành học "hót". Nếu ngành học mà bạn không đam mê thì khó thành công sau này. Vì vậy, mọi thí sinh cần theo dõi sát tình hình để điều chỉnh nguyện vọng" - ông Tớp chia sẻ.

Có 2 mức học bổng dành tặng các tân sinh viên:

Năm học 2017-2018, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng chính sách học bổng mới nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập tại Trường cũng như khuyến khích những sinh viên tài năng phát triển năng lực cá nhân.

Học bổng có hai mức: Học bổng toàn phần có trị giá tương đương 100% học phí chương trình đại trà và Học bổng bán phần ở mức 50% tương ứng. Những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, dự kiến số lượng khoảng 8% tổng số sinh viên của trường, sẽ có cơ hội được nhận Học bổng hỗ trợ học tập.

Bên cạnh đó, những sinh viên thuộc nhóm 3% của Trường đạt thành tích xuất sắc nhất trong học tập và nghiên cứu khoa học sẽ được xét tặng Học bổng khuyết khích tài năng.

Hồng Hạnh