1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Trường đại học Việt coi trọng giáo dục ý thức cộng đồng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội đã đưa giáo dục trách nhiệm cộng đồng vào chương trình đào tạo chính bởi ảnh hưởng tích cực của những hoạt động này đối với sự phát triển của sinh viên.

Dự án cộng đồng trở thành học phần chính thức

Thay vì làm luận văn hay báo cáo thực tập, các sinh viên ngành Quản lý tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN (liên kết với ĐH Keuka, Hoa Kỳ) sẽ trải qua 6 tuần học môn Giáo dục trải nghiệm. Trong đó, sinh viên lập nhóm kinh doanh gây quỹ với mô hình sản phẩm, dịch vụ bất kỳ và dùng lợi nhuận thu được để đóng góp trở lại cho cộng đồng.

Kết quả là sau 6 năm, các sinh viên ngành này đã tặng trên 3.000 chiếc mũ bảo hiểm miễn phí cho trẻ em, một tủ sách với hàng trăm cuốn sách ý nghĩa cho cộng đồng. Những giá trị đóng góp cho cộng đồng của các sinh viên ngành này ngày càng đa dạng hơn qua các năm, với thêm nhiều hoạt động ý nghĩa khác như các khóa học giáo dục kỹ năng cần thiết cho trẻ em, các chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường…

Trường đại học Việt coi trọng giáo dục ý thức cộng đồng - 1
Dự án Free Helmet đã tặng được hơn 3000 mũ bảo hiểm cho trẻ em

“Môn học trải nghiệm là môn học ai cũng chờ đợi với sự háo hức trong năm học cuối cùng vì ngay từ cuối năm thứ 3, chúng em sẽ được các anh chị khóa trên “bàn giao” thử thách môn học rồi.” - Trần Minh Khánh, sinh viên năm cuối ngành Quản lý chia sẻ:“Đó sẽ là môn học rất áp lực vì các thầy cô chỉ hướng dẫn, sinh viên phải tự làm hết mọi việc từ lên ý tưởng kinh doanh, triển khai sản phẩm dịch vụ, marketing, bán hàng và quản lý chi phí, nhân sự… Nhưng đồng thời cũng là môn học siêu ý nghĩa khi chúng em được đóng góp toàn bộ lợi nhuận vào hoạt động mà nhóm mình quan tâm và đánh giá là có ích cho cộng đồng”.

Sinh viên theo học chương trình Cử nhân Marketing (Song bằng VNU - HELP) cũng bắt buộc phải hoàn thành môn học Dịch vụ cộng đồng để đủ điều kiện tốt nghiệp. Sinh viên tự lên ý tưởng và triển khai dự án phục vụ cộng đồng và được đánh giá thông qua các bài báo cáo, tự đánh giá và thuyết trình nhóm. “Được chính thức đưa vào khung chương trình đào tạo của trường ĐH HELP tại Khoa Quốc tế từ năm 2013, môn học này nhằm nuôi dưỡng ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội, phát triển và củng cố các giá trị đạo đức cũng như thái độ tích cực giữa các sinh viên, hỗ trợ các em phát triển kỹ năng lãnh đạo và các kỹ năng mềm khác.- Cô Nguyễn Thu Thúy, đại diện ĐH HELP, Malaysia tại Việt Nam cho biết.

Cảm hứng từ những trường đại học nước ngoài

Xu hướng lồng ghép hoạt động giáo dục tinh thần trách nhiệm cộng đồng vào chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế - ĐHQGHN được tạo đà khá lớn từ bài học kinh nghiệm của các trường đại học đối tác của Khoa tại nước ngoài.

Chẳng hạn, trường Đại học Keuka - đối tác liên kết đào tạo của Khoa Quốc tế tại Hoa Kỳ có thế mạnh về phương pháp giáo dục trải nghiệm và hướng tới cộng đồng là giá trị cốt lõi từ khi thành lập của trường, không chỉ đối với cộng đồng sinh viên tại Mỹ, mà còn lan tỏa đến các cộng đồng liên kết của trường tại châu Á.

Trường đại học Việt coi trọng giáo dục ý thức cộng đồng - 2
Các khóa đào tạo kỹ năng được sinh viên tổ chức bài bản và chuyên nghiệp

“Các nhà sáng lập trường Đại học Keuka có niềm tin rằng bất kỳ ai cũng nên dành thời gian để tham gia các hoạt động xã hội và đóng góp cho cộng đồng. Tại cơ sở Hoa Kỳ, sinh viên của chúng tôi dành 140 giờ mỗi năm để tham gia các hoạt động cộng đồng.” - GS. Lynn Lannon, giảng viên ĐH Keuka cho biết.

Còn HELP, một đối tác liên kết đào tạo khác của Khoa Quốc tế tại Malaysia, là trường đại học tư thục đầu tiên ở Đông Nam Á vừa nhận đánh giá 5 sao của Hệ thống xếp hạng QS, đã đạt điểm tối đa về yếu tố Trách nhiệm xã hội (Social Responsibilities) trong các tiêu chí xếp hạng. Theo thông tin từ bảng xếp hạng QS, mỗi thành viên của cộng đồng HELP thực hiện gần 100 giờ tình nguyện và tạo ra hơn 48 triệu giá trị xã hội mỗi năm.

Trường đại học Việt coi trọng giáo dục ý thức cộng đồng - 3
Sinh viên học môn học Giáo dục trải nghiệm

Thay đổi sinh viên

“Trách nhiệm cộng đồng giúp chúng em đầu tiên là nghĩ về bản thân mình, làm sao để trở thành một người tốt, sống có ích và làm điều đúng đắn; tiếp theo là nghĩ cho xã hội và cộng đồng xung quanh, làm sao để góp phần xây dựng nên một xã hội tốt.” - Tuyết Lan, sinh viên ngành Quản lý (ĐH Keuka), chủ nhân học bổng UGRAD của Đại sứ quán Mỹ chia sẻ - “Em nghĩ rằng dù mình làm việc trong lĩnh vực hay ngành nghề gì thì cách suy nghĩ tích cực cũng sẽ tạo ảnh hưởng tốt với công việc, khi mà mỗi người đều muốn làm tốt vai trò của mình để giúp đỡ người khác và hướng tới mục tiêu chung.”

Trường đại học Việt coi trọng giáo dục ý thức cộng đồng - 4
Hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của sinh viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN

“Em nhận ra rằng những giới hạn mình từng đặt ra đối với bản thân là vô nghĩa cho đến khi em hoàn thành được những việc mình chưa bao giờ làm trong môn học trải nghiệm: từ việc nhỏ như bê vác, nấu ăn, dọn dẹp, cho đến việc lớn hơn như tổ chức sự kiện gây quỹ hay đi xin tài trợ.” - Cựu sinh viên Hà Thị Ngọc, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ngành Quản lý, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN cho biết.

“Tham gia các hoạt động thực tế giúp sinh viên học được tư duy phản biện, cách làm việc nhóm, hòa nhập với cộng đồng và nâng cao khả năng thích nghi nhanh chóng đối với sự thay đổi môi trường.”- TS. Nguyễn Trung Hiển, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Khoa Quốc tế - ĐHQGHN nhận xét. “Như vậy, việc lồng ghép giáo dục ý thức xã hội vào chính các hoạt động trải nghiệm thực tế của môn học sẽ nhân đôi giá trị của các hoạt động này đối với việc phát triển bản thân sinh viên”.

“Chúng tôi không chỉ dạy sinh viên học, đạt điểm cao, tốt nghiệp, đi làm và kiếm tiền. Chúng tôi dạy các em cách làm người, dạy các em có trách nhiệm với xã hội.” - Cô Sumathi Paramasivam - Giảng viên cao cấp ĐH HELP (Malaysia) chia sẻ.

Tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo của Đại học Keuka (Hoa Kỳ) và Đại học HELP (Malaysia) tại đây.