Trường đại học tự chủ tuyển sinh: Vẫn nhiều băn khoăn
Theo Luật Giáo dục Đại học (ĐH) sửa đổi, quyền tự chủ cho phép các trường ĐH tổ chức nhiều phương thức tuyển sinh nhằm chọn ra số lượng thí sinh phù hợp với tiêu chí của từng trường. Các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh và tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT trả lại việc tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) thì không phải trường nào cũng hồ hởi với phương án tổ chức thi riêng.
Băn khoăn thi chung, thi riêng
Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay trường vẫn xét từ kết quả học bạ sau đó xét tiếp đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia rồi gọi các thí sinh đạt yêu cầu vào kỳ thi đánh giá năng lực. Nhìn lại quá trình 3 năm thực hiện tự chủ tuyển sinh, trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu nhưng quy trình tuyển sinh qua nhiều công đoạn như hiện nay là quá phức tạp với thí sinh. Việc tự chủ tuyển sinh của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn nên PGS Hải đánh giá, đề án tự chủ tuyển sinh của trường dường như đang “tự trói” chân mình. Bởi hiện nay các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển như tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét tuyển học bạ, xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia... Sắp tới, trường sẽ xem xét lại vấn đề này.
Trên thực tế, đa số hiện nay các trường ĐH, CĐ đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh hoặc bổ sung thêm kỳ thi tuyển sinh khác. Mặc dù có những ưu điểm nhất định nhưng kỳ thi THPT quốc gia trước hết hướng tới mục tiêu công nhận tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm học phổ thông nên để lấy kết quả đó tuyển sinh ĐH, CĐ có phần chưa phù hợp theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục.
Nếu như Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức kỳ thi với một nhiệm vụ là xét tốt nghiệp, công nhận quá trình học tập của học sinh khi đã hoàn thành chương trình phổ thông thì chắc chắn kỳ thi sẽ nhẹ nhàng hơn. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ khi để các trường tự chủ sẽ hạn chế được tình trạng các trường ĐH top trên tuyển không hết thí sinh điểm cao trong khi các trường ĐH top dưới lại chỉ tuyển được thí sinh có mức điểm trung bình. Điều này là một trong những nguyên nhân khó nâng cao được chất lượng đào tạo ĐH.
Chia sẻ quan điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng nếu các trường ĐH chỉ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì sẽ không thể đứng thứ hạng cao. Nhìn từ các nước phát triển, những trường ĐH lớn không tuyển sinh dựa vào kết quả thi phổ thông.
Điều này được minh chứng từ nhiều học sinh Việt Nam đã đăng ký du học thành công tại các trường ĐH lớn nổi tiếng trên thế giới không chỉ nhờ vào bảng điểm đẹp ở phổ thông mà còn bằng cả các bài luận tự viết, các bảng giới thiệu về hoạt động xã hội các em đã tham gia, thành tích thể thao, năng khiếu... của bản thân. Vào ĐH không chỉ bằng học bạ có toàn điểm số đẹp là cách nhiều trường đang áp dụng.
Các trường lên tiếng
Là một trong ba trường ĐH của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE) công bố vào ngày 16/10 vừa qua, ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 301-400 trường dẫn đầu ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ trong tổng số 1.008 trường tham gia xếp hạng. Ở lĩnh vực khoa học máy tính, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đuọc xếp ở vị trí 601+ trong số 759 trường tham gia xếp hạng. PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhận định, yếu tố quan trọng nhất trong tuyển sinh đầu vào ĐH là năng lực để các em tiếp thu chứ không phải năng lực để làm một việc cụ thể. Dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia các môn Toán, Lý, Hóa là đáp ứng yêu cầu chứ không phải ĐH Bách khoa Hà Nội ngại tổ chức thi riêng. Một số chương trình đặc biệt như tài năng, nhà trường hoàn toàn tổ chức thi riêng được. Trong quá trình học ĐH, sinh viên cũng sẽ được kiểm tra, rèn luyện, có đào thải chứ không phải vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu.
Một số trường cũng chia sẻ quan điểm này khi đầu vào của sinh viên cần đạt ở mức chung. Điều này kết quả kỳ thi THPT phản ánh rất rõ. Còn trong quá trình học ĐH cần có những phương pháp riêng, cách đào tạo riêng để trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng học tập, làm việc cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng những trường nào tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển sinh sai quy định thì nhà trường và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, các cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm tiếp sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý, tự chủ là một trục xuyên suốt, trong đó tuyển sinh chỉ là một khâu. Một ĐH phát triển bền vững là phải nghiên cứu đổi mới sáng tạo, gắn kết người sử dụng lao động, cộng đồng. Nhưng hiện nay các trường mới chỉ tập trung vào đào tạo còn thời lượng dành cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... còn ít.
Theo Thu Hương
Đại Đoàn Kết