Trường Đại học Luật TPHCM tăng chỉ tiêu tuyển trong năm 2018
(Dân trí) - Chiều 18/1, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố đề án tuyển sinh năm 2018. Về cơ bản trường vẫn giữ nguyên phương thức tuyển sinh như năm 2017 nhưng tăng chỉ tiêu từ 1.600 lên 1.900.
Ths Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm nay trường sẽ tăng chỉ tiêu từ 1.600 lên 1.900, trong đó ngành Luật tăng 150 chỉ tiêu; Quản trị - Luật tăng 100 chỉ tiêu. Ngoài ra, tỷ trọng các tiêu chí trong xác định điểm trúng tuyển cũng được điều chỉnh so với năm trước đó. Cụ thể: điểm học bạ 10%, điểm thi THPT quốc gia 60%, điểm bài kiểm tra năng lực 30%. Như vậy, giảm tỷ trọng điểm từ bài kiểm tra đánh giá năng lực từ 40% xuống còn 30%.
Một đại diện khác của trường cho biết lý do có sự điều chỉnh này là do sau khi phân tích dữ liệu 2 năm qua (có kiểm tra đánh giá năng lực) đối với sinh viên trúng tuyển vào trường thì kết quả điểm thi THPT quốc gia phản ánh rõ nét hơn chất lượng thực sự của sinh viên. Tuy bài kiểm tra đánh giá năng lực giảm tỷ trọng điểm nhưng đây sẽ là phần có tính phân loại thí sinh cao.
Chỉ tiêu dự kiến của từng ngành sẽ tuyển trong năm 2018 như sau:
Stt | Ngành | Mã ngành | Các tổ hợp môn xét tuyển (gồm Tổ hợp truyền thống và Tổ hợp mới) | Chỉ tiêu (dự kiến) |
---|---|---|---|---|
1. | Luật | 7380101 | A, A1, C, D1,3,6 | 1.300 |
2. | Luật Thương mại quốc tế | 7110101 | A1, D1,3,6, D66,69,70 new, D84,87,88 new | 100 |
3. | Quản trị - Luật | 7110103 | A, A1, D1,3,6, D84,87,88 new | 300 |
4. | Quản trị kinh doanh | 7340101 | A, A1, D1,3,6, D84,87,88 new | 100 |
5. | Ngôn ngữ Anh (Chuyên ngành Anh văn pháp lý) | 7220201 | D1, D14 new, D66 new, D84 new | 100 |
Lưu ý, tổ hợp các môn xét tuyển, gồm:
- Tổ hợp truyền thống:
+ Khối A: Toán, Lý, Hóa;
+ Khối A1: Toán, Lý, tiếng Anh;
+ Khối C: Văn, Sử, Địa;
+ Khối D: Toán, Văn, Ngoại ngữ (D1: tiếng Anh, D3: tiếng Pháp; D6: tiếng Nhật).
Ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, năm 2018 trường bổ sung 3 tổ hợp môn mới gồm: Văn, Sử và Ngoại ngữ (D14 tiếng Anh) xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh; Văn, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D66 tiếng Anh, D69 tiếng Nhật, D70 tiếng Pháp) xét tuyển ngành Luật thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh (chỉ xét tuyển D66); Toán, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D84 tiếng Anh, D87 tiếng Pháp, D88 tiếng Nhật) xét tuyển ngành Luật thương mại quốc tế, Quản trị - Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (chỉ xét tuyển D84).
Theo đề án này, trường ĐH Luật TP.HCM sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Việc tuyển sinh sẽ thực hiện qua 2 bước (bước 1 xét tuyển, bước 2 kiểm tra năng lực) với 3 tiêu chí: xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực. Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường theo từng ngành và từng tổ hợp.
Cụ thể, bước 1 trường sẽ xét điểm trung bình ở 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển (tiêu chí 1: chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2018 (tiêu chí 2: chiếm tỷ trọng 60% điểm trúng tuyển) từ cao xuống thấp để xác định những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ. Số lượng thí sinh được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo ngành và tổ hợp xét tuyển được quy định.
Bước 2, chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ mới được tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực (tiêu chí 3: chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển).
Trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và theo từng tổ hợp môn xét tuyển. Điểm trúng tuyển được xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Bài kiểm tra năng lực được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm trên giấy gồm 100 câu trong thời gian 75 phút (thang điểm 30).
Nội dung bài làm sẽ kiểm tra kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức pháp luật, tư duy logic và khả năng lập luận. Bên cạnh đó là kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân).
Thông tin từ nhà trường, để làm bài kiểm tra thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của nhà trường.
Lịch tuyển sinh:
- Đăng ký xét tuyển từ ngày nộp hồ sơ thi THPT quốc gia đến khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2018
- Kê khai thông tin: từ ngày nộp hồ sơ thi THPT cho đến khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ, theo quy định của Bộ GD-ĐT;
- Cập nhật điểm học bạ: từ ngày 15/5/2018 đến ngày 30/6/2018;
- Cập nhật điểm thi THPT quốc gia năm 2018: trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2018;
- Công bố kết quả xét tuyển sơ bộ và số báo danh của những thí sinh đủ điều kiện tham gia làm bài kiểm tra năng lực: sau 2 ngày, kể từ khi kết thúc thời hạn cập nhật điểm thi THPT quốc gia năm 2018;
- Thời gian kiểm tra năng lực: sau 3 ngày, kể từ khi công bố kết quả xét tuyển sơ bộ;
- Công bố kết quả kiểm tra năng lực và kết quả trúng tuyển: sau 2 ngày, kể từ khi tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực;
- Xác nhận nhập học: trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi Nhà trường công bố kết quả trúng tuyển, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 cho Nhà trường thông qua đường bưu điện (theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên) hoặc trực tiếp tại trường. Quá thời hạn này, thí sinh không nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học.
Lê Phương