Trường Đại học Kinh tế TPHCM đào tạo hai ngành mới

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa có quyết định cho phép Trường Đại học Kinh tế TPHCM được mở 2 ngành đào tạo mới là ngành Kinh doanh thương mại (mã số: 52340121) và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (mã số: 5234-0103). Hai ngành này chính thức tuyển sinh ngay trong năm nay.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM mở ngành Kinh doanh thương mại và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trên cơ sở nâng cấp 2 chuyên ngành đã có trước đây  Quản trị kinh doanh thương mại  và Quản trị kinh doanh du lịch.

 
Ngành

Ngành Kinh doanh thương mại đào tạo bậc cử nhân bao gồm ngành Kinh doanh thương mại và chuyên ngành Thương mại bán lẻ. Tổng số tín chỉ đào tạo của ngành và chuyên ngành đều bằng nhau là 135, trong đó bao gồm kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức ngành thương mại và chuyên ngành. Trong giai đoạn đầu, sinh viên được đào tạo chung về kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức ngành thương mại.

Giai đoạn tiếp theo, sinh viên ngành Kinh doanh thương mại sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu của ngành gồm các môn học: Marketing quốc tế, Quản trị bán hàng, Quản trị bán lẻ, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ, Thanh toán quốc tế, Phân tích báo cáo tài chính, Thị trường chứng khoán, Quản trị thương hiệu, Thương mại điện tử, Marketing công nghiệp. Đối với sinh viên chuyên ngành Thương mại bán lẻ được đào tạo các môn học: Marketing dịch vụ, Kỹ năng bán hàng, Quản trị mối quan hệ khách hàng, Logistics, Quản trị mua hàng và lưu kho, Quản trị hệ thống phân phối, Quản trị bán lẻ, Quảng cáo và  khuyến mãi, Thương mại điện tử, Quản trị thương hiệu.

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành bao gồm 2 chuyên ngành là Quản trị lữ hành và Quản trị du thuyền. Đặc biệt, chuyên ngành Quản trị du thuyền được đưa vào chương trình nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của ngành du lịch TPHCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung.

Được biết, hai ngành này chính thức tuyển sinh ngay trong năm nay với số chỉ tiêu nằm trong tổng chỉ tiêu của trường là 4000. Phương thức tuyển sinh giống các ngành là sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức để xét tuyển.

Tổ hợp môn xét tuyển như tất cả các ngành của trường, trong đó thí sinh chọn một trong các tổ hợp môn xét tuyển gồm tổ hợp 1: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (khối D1 cũ); tổ hợp 2: Toán, Vật lý, tiếng Anh (khối A1 cũ); tổ hợp 3: Toán, Vật lý, Hóa học (khối A cũ). Lưu ý, tất cả các môn tổ hợp 1, 2, 3 hệ số 1.

Điểm trúng tuyển: xét theo tổ hợp môn thi, điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành, chuyên ngành. Sau khi học xong giai đoạn giáo dục đại cương, sẽ phân bổ sinh viên vào các ngành/chuyên ngành theo kết quả học tập 3 học kỳ đại cương, theo nguyện vọng xét tuyển và chỉ tiêu đào tạo của từng chuyên ngành.

Lê Phương