Trường Đại học Bách khoa HN phát động cuộc thi InnoWorks 2019

(Dân trí) - Đây là cuộc thi phát triển phần mềm và các ứng dụng công nghiệp theo đội, nhóm dựa trên nền tảng WISE-PaaS.

Trường Đại học Bách khoa HN phát động cuộc thi InnoWorks 2019 - 1

Lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong lễ phát động

Với mục đích khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên, tạo điều kiện cho các bạn trẻ đam mê công nghệ có cơ hội hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo, giao lưu, học hỏi cùng các chuyên gia, bạn bè trong nước và quốc tế, lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa HN tổ chức cuộc thi “Phát triển ứng dụng (Advantech) AIoT Developer InnoWorks 2019” (InnoWorks 2019).

Đây là cuộc thi phát triển phần mềm và các ứng dụng công nghiệp theo đội, nhóm dựa trên nền tảng WISE-PaaS.

“InnoWorks 2019” được tổ chức đồng thời tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ vào cùng một thời điểm (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Việt Nam) với sự tham gia của hơn 200 nhóm thí sinh đến từ 12 trường ĐH trên toàn cầu. Các đội vô địch của các quốc gia sẽ được kết nối giao lưu và trao đổi ý tưởng qua hội thảo trực tuyến dành cho các nhà vô địch.

Đối tượng InnoWorks 2019 hướng đến là các đội/nhóm có từ 3 đến 6 thành viên từ 16 tuổi trở lên (tính đến ngày 01/01/2019) đáp ứng các tiêu chí:

Ít nhất một thành viên trong nhóm phải đang là học sinh, sinh viên tại thời điểm đăng ký dự thi;

Nếu trong độ/nhóm có thành viên sở hữu hoặc làm chủ Doanh nghiệp/Công ty thì Doanh nghiệp/Công ty đó không được là thành viên VIP của WISE-PaaS và chưa từng nhận được khoản tài trợ hoặc cấp vốn nào có giá trị hơn 30.000 USD;

Không thành viên nào từng nhận được giải thưởng có giá trị hơn 30.000 USD từ các cuộc thi khác;

Các thành viên trong nhóm có thể đến từ nhiều trường và quốc gia đồng thời lựa chọn một quốc gia/ khu vực mình đại diện.

Các nhóm sẽ có 5 tháng để phát triển ứng dụng với chương trình đào tạo chuyên nghiệp đến từ đội ngũ kỹ sư Advantech Việt Nam và các chuyên gia của Trường ĐHBK Hà Nội.

Tại InnoWorks 2019, các lĩnh vực liên quan đến Internet of Things (IoT) trong công nghiệp, các ứng dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất/công nghiệp 4.0/năng lượng, môi trường/trí tuệ nhân tạo/y tế/giáo dục/vận tải được khuyến khích phát triển.

Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 330 triệu đồng, các đội đến với vòng Chung kết tại Việt Nam.

GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, Trưởng BTC cuộc thi cho biết: “Việc hợp tác tổ chức cuộc thi giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp sẽ đem lại nhiều ưu việt cho các thí sinh tham gia. Trong đó, các bạn trẻ sẽ được tiếp xúc và nắm bắt sớm với các nền tảng công nghiệp thực tế ngay từ khi còn đang học tại Trường.

Điều này hỗ trợ việc học sâu, học có mục đích trong các chuyên ngành liên quan. Cùng với sự đồng hành của các chuyên gia từ doanh nghiệp, các nhóm tham dự sẽ nhanh chóng làm chủ các hệ thống kỹ thuật công nghiệp trong tương lai, góp phần tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ trong nền kinh tế tri thức thời đại mới”.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm