Gia Lai:

Trường có 102 học sinh bỏ học: Hiệu trưởng bị tố “có nhiều vấn đề”

(Dân trí) - Không chỉ bị “tố” bất minh về tài chính, ông Trần Văn Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Phú Thiện, Gia Lai) còn bị "tố" về cách điều hành quản lý, khi chỉ một năm trường có đến 102 học sinh bỏ học.

Học sinh vùng cao “oằn mình” nộp tiền

Theo phản ánh, Trường THPT Võ Văn Kiệt được thành lập 4 năm nay, nhưng ngôi trường này đã bộc lộ nhiều vấn đề khiến cho nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên bức xúc về cách quản lý của hiệu trưởng.

Về cơ sở vật chất, theo Biên bản kiểm tra cơ sở vật chất do ông Trần Văn Thuận cung cấp cho PV: Trường TPHT Võ Văn Kiệt được thành lập từ năm 2011, ngày 1/9/2011 trường được bàn giao 264 bộ bàn ghế. Nhưng gần 2 năm sau (tháng 9/2013), tổng số bàn ghế còn sử dụng được là 144 bộ, tổng số bàn ghế hư hỏng không sử dụng được là 122 bộ; số tiền sửa chữa bàn ghế hết 14.700.000 đồng. Ngoài bàn ghế, thì Biên bản cũng chỉ ra 2 dãy nhà công vụ của giáo viên bị nứt gần hết phòng và trường đã thuê một công ty trên địa bàn sửa chữa.

Cơ sở vật chất của Trường THPT Võ Văn Kiệt được xây dựng từ nguồn kinh phí của nhà nước nhưng chưa đầy 2 năm đã xuống cấp, tuy nhiên vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm và chỉ ra nguyên nhân của sự xuống cấp này! Không chỉ vậy, trong Biên bản kiểm tra của ông Thuận cũng bộc lộ rõ sự “thiếu sót” khi có sự chênh lệch về tổng số bàn ghế còn sử dụng được và đã hư hỏng so với số bàn ghế nhận được là 2 bộ; đại diện Sở GD&ĐT ký vào biên bản nhưng lại chỉ có mỗi chữ ký và không ghi rõ họ tên là ai, chức vụ gì cũng như con dấu cơ quan.

Trường có 102 học sinh bỏ học: Hiệu trưởng bị “tố” có nhiều “vấn đề”
Trường có 102 học sinh bỏ học: Hiệu trưởng bị “tố” có nhiều “vấn đề”
Không biết ai là đại diện của Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã ký vào biên bản này của Trường THPT Võ Văn Kiệt

Trường THPT Võ Văn Kiệt có đến 70% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các gia đình là nông dân nhưng hàng năm các em phải “oằn mình” nộp nhiều khoản tiền hết sức vô lý như: Hàng năm các em học sinh vẫn phải đều đặn nộp 40 nghìn đồng tiền mua ghế ngồi chào cờ mặc dù ghế cũ vẫn còn dùng được, giáo viên chủ nhiệm thu 120 nghìn đồng/học sinh tiền quỹ Hội phụ huynh, giáo viên giữ lại 20 nghìn đồng còn nộp lên cho hiệu trưởng 100 nghìn đồng, học sinh phải nộp tiền quỹ đoàn để xây hòn non bộ cho trường, nộp 30 nghìn đồng/em tiền giấy kiểm tra nhưng nhiều môn phải tự lo giấy, học sinh khối 12 phải nộp 100 nghìn đồng/em tiền hỗ trợ thi, tiền vệ sinh 50 nghìn đồng/em…

Theo giáo viên, những khoản thu trên đều do hiệu trưởng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp phải thu từ học sinh rồi nộp lên cho hiệu trưởng giữ. Tuy nhiên, việc chi như thế nào giáo viên và phụ huynh, học sinh không hề biết.

Không chỉ bị tố thu tiền học sinh vô tội vạ, mà ông Thuận còn bị tố không hề đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn nhận tiền giảng dạy 2 môn hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ, tự ý thay đổi kết cấu phòng làm việc, đóng xây dựng hòn non bộ, khu sân khấu ngoài trời bằng tiền của học sinh…

Học sinh buộc phải nộp hơn 15 triệu đồng để xây hòn non bộ này cho nhà trường
Học sinh buộc phải nộp hơn 15 triệu đồng để xây hòn non bộ này cho nhà trường

Giải thích về khoản tiền sửa chữa cơ sở vật chất, trong Bản kiểm tra cơ sở vật chất nêu khoản tiền sửa chữa bàn ghế lấy từ “nguồn tự chủ của trường năm 2013”. Nhưng khi làm việc, chúng tôi đề nghị được xem hóa đơn chứng từ thì ông Thuận lại cho biết đã làm quyết toán với Sở Tài chính: “Tôi nói rồi, chúng tôi làm sai Sở Tài chính quyết toán, Sở Tài chính quyết toán rồi”.

Còn các khoản tiền thu của học sinh ngoài quy định trên, ông Thuận không trả lời thẳng đã chi vào đâu, mà cứ vòng vo “chuyển hướng” sang “Sở Tài chính đã quyết toán”. Còn tiền quỹ Hội phụ huynh thì được ông giữ trong két sắt của trường và được Hội trưởng hội phụ huynh đồng ý cho giữ, ông khẳng định “không có chuyện phụ huynh phản ánh đâu, có 100 nghìn bạc mà…”.

Việc học sinh phải đóng tiền để xây hòn non bộ ở giữa sân trường và sử dụng tiền quỹ Hội phụ huynh để xây khu “sân khấu ngoài trời”, ban đầu ông Thuận nói có hóa đơn chứng từ, nhưng không nhớ… rồi “nhớ” chi phí xây dựng hết khoảng hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, một lúc sau, ông lại cho biết hòn non bộ là do Bí thư đoàn trường xây ông hề biết gì, còn khu sân khấu ngoài trời xây dựng năm ngoái mới dùng đến một lần đã xuống cấp là do Đoàn trường phối hợp với Hội phụ huynh xây, ông cũng không hề biết gì. Sau đó, ông Thuận đưa ra tờ “phiếu chi” do trường lập là đã chi 1.660.000 đồng cho Hội trưởng hội phụ huynh xây sân khấu ngoài trời.

Học sinh buộc phải nộp hơn 15 triệu đồng để xây hòn non bộ này cho nhà trường
Khu sân khấu ngoài trời cũng được xây từ tiền của gia đình học sinh nhưng không có bất kì chứng kì nào

Một Hội phó hội phụ huynh nhà trường cho biết, bản thân mình không hề biết gì về tiền quỹ hội này, giáo viên chủ nhiệm thu, ông Thuận giữ tiền và không hề họp hay thông báo gì về việc thu chi tiền quỹ ra sao. Còn ông Siu Nghe - Hội trưởng hội phụ huynh liên tục ngập ngừng khi hỏi về tiền quỹ hội và đang như ông Thuận giữ, khi chúng tôi hỏi về tất cả các khoản chi thì ông đều không trả lời được mà chỉ nói “đã thống nhất hết rồi” và tiền xây sân khấu ngoài trời hết 35 triệu đồng.

Còn việc từ tháng 2/2015 đổ về trước, ông Thuận không đứng lớp 2 môn Hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ nhưng vẫn nhận tiền dạy 2 môn này. Ông Thuận đã không chứng minh được mình đã từng dạy mà cho rằng ông lồng ghép vào giờ chào cờ và dạy bất cứ lúc nào mình rảnh và không cần thời khóa biểu.

102 học sinh bỏ học

Trường THPT Võ Văn Kiệt có khoảng 70% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, được xây dựng trên mảnh đất Phú Thiện- là nơi được mệnh danh là đất học của người bản địa ở Gia Lai. Đặc biệt, trường lại nằm trên xã Ia Piar - đây là xã có nhiều học sinh bản địa học giỏi và thành danh nhất ở tỉnh Gia Lai, vậy nhưng theo số liệu của ông Nguyễn Đình Phước - Hiệu phó nhà trường cung cấp, đầu năm học 2014-2015 có 713 học sinh nhưng đến cuối năm chỉ còn 611 học sinh.

Giáo viên trong trường cho biết, đầu năm học, trong giờ chào cờ ông Thuận đã nói trước toàn trường rằng sẽ cho tất cả các em lên lớp; có lẽ vì vậy nên học sinh đã ỷ lại, vẫn cười khi bị giáo viên cho điểm thấp vì không học bài cũ - một giáo viên khác cho biết thêm, cuối năm các em học sinh bị thi lại, mặc dù kết quả thi lại rất thấp nhưng ông Thuận vẫn “tạo điều kiện” cho tất cả các em được lên lớp. “Làm như vậy khiến các em mất niềm tin vào việc học tập, không còn ý chí vươn lên trong học tập và xem thường việc học, đây cũng là nguyên nhân khiến các em bỏ học”, một giáo viên cho biết.

Chỉ vì chưa nộp đủ tiền, 2 em học sinh dân tộc thiểu số đã bị cắt phần thưởng
Chỉ vì chưa nộp đủ tiền, 2 em học sinh dân tộc thiểu số đã bị cắt phần thưởng

Việc 2 em học sinh dân tộc thiểu số lớp 10A3 đạt học sinh tiên tiến, nhưng vì gia đình khó khăn mà chưa đóng hết các khoản tiền mà nhà trường yêu cầu nộp đã bị hiệu trưởng cắt phần thưởng, ông Thuận đã lý giải, do các em chưa đóng tiền nên chưa được gương mẫu vì vậy nên không thể thưởng để làm gương cho các học sinh khác.

Một giáo viên trong trường bức xúc: “Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng phải đóng nhiều khoản tiền vô lý, tiền xây dựng hòn non bộ phải thu của học sinh mấy đợt mới đủ 15 triệu đồng để làm. Học sinh ngồi nhầm lớp mà đúng hơn là không đúng lớp ở trường chúng tôi khá nhiều”.

Thiên Thư

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm