Nghệ An:
Trường chuẩn quốc gia... ở nhà tranh tre!
(Dân trí) - Trường tiểu học Diễn Nguyên (Diễn Châu) là một trong những ngôi trường ba tầng đầu tiên ở miền Bắc. Thế nhưng, học kỳ vừa qua, gần 800 em học sinh và giáo viên của ngôi trường đạt chuẩn quốc gia này lại phải “chinh chiến” trong những dãy nhà tranh tre tạm bợ...
Năm 2000 trường được công nhận là trường chuẩn Quốc gia và một trong ba trường mũi nhọn của huyện, hai năm trở lại đây trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong toàn tỉnh.
Cách đây 30 năm, khoảng năm 1976-1977, Trường tiểu học Diễn Nguyên được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng. Trường được thiết kế 3 tầng, với vốn đầu tư chủ yếu từ sự đóng góp của nhân dân trong xã.
Đến năm 1999, trải qua hơn 20 năm tồn tại trường có dấu hiệu xuống cấp, đe doạ đến tính mạng của hàng trăm học sinh và giáo viên. Cùng thời gian này, Ban giám hiệu nhà trường đã làm tờ trình, rồi đơn gửi đi các cấp ngành chức năng để xin kinh phí “trùng tu”.
Nhận được đơn “cầu cứu” của nhà trường, nhiều cấp ngành đã cử đoàn về kiểm tra và kết luận: Thực tế là trường đã bị lún về phía trước... cần phải khắc phục. Dấu đỏ từ Sở Xây dựng, Sở Giáo dục, rồi UBND tỉnh Nghệ An đóng “lia lịa” nhưng tiếng kêu cứu của trường vẫn rơi vào im lặng.
Chưa có kinh phí, Ban giám hiệu nhà trường, rồi hàng trăm học sinh và phụ huynh vẫn “nghiến răng” cho con em mình theo học. Phải đến 3-4 năm sau, trước sự xuống cấp trầm trọng của trường, phụ huynh học sinh và cùng với phương tiện đại chúng trên địa bàn tỉnh kêu gọi “thảm thiết” thì sự việc mới có chút xoay chuyển.
Trong thông báo số 890/SXD-GĐKT ngày 22/8/2005 của Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An về việc kiểm tra hiện trạng công trình nhà học 3 tầng trường tiểu học xã Diễn Nguyên, đoàn kiểm tra đã có ý kiến: “Tại thời điểm kiểm tra (ngày18/8/2005) toàn bộ công trình bị lún, mức độ lún không đều nhau, trục tường chịu lực phía trước và hành lang nhất là ở khối 3 tầng bị lún nhiều hơn.
Nhà có hiện tượng nghiêng về phía trước, một số cột hành lang lệch tâm theo phương thẳng đứng khá lớn. Do công trình lún không đều nên gây nứt gãy một số mảng tường ở hầu hết các phòng học, các vết nứt xuất hiện nhiều ở 2 trục đường dọc chịu lực, nhất là ở tầng 2, chiều dài và độ rộng vết nứt tương đối lớn...”.
Theo các cụ trong làng, những người đã trực tiếp thi công công trình thì: “Gạch xây dựng tường chịu lực là gạch lò thủ công, vữa xây là vữa vôi nên một số viên gạch đã có hiện tượng phân huỷ...”.
Trước thực trạng đó Sở kết luận: “Mức độ biến dạng do độ lún gây nên của công trình đã ở trạng thái gây nguy hiểm, nhất là khi có tác động của thiên nhiên như bão, lụt... không đảm bảo an toàn cho người sử dụng... Đề nghị BGH nhà trường chấm dứt sử dụng để cải tạo sửa chữa lớn hoặc tháo dỡ xây dựng mới...”.
Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Diễn Nguyên, không khỏi bùi ngùi tâm sự: “Lúc đầu cũng định mượn nhà dân để cho các em học nhưng thấy không ổn. Phần vì diện tích nhà dân không đủ, mặt khác chúng tôi cũng không thể quản lí được chất lượng khi cô trò phải học rải rác ở 7 xóm trong xã.
Đầu năm 2006, nhà trường và địa phương đã có giải pháp tình thế là dựng một số phòng học bằng tranh tre nứa lá ở khu vực trước trường để đảm bảo có phòng học cho các em...”.
Vậy là từ một xã đầu tiên ở miền Bắc có trường học 3 tầng (năm 1976), nhưng nay lại là một trong những xã có cơ sở hạ tầng “tụt hậu” so với mặt bằng chung của huyện. Một phụ huynh học sinh xót xa nói: Liệu rồi đây khi phải học trong những ngôi nhà tranh tre, phải chứng kiến sự “tụt hậu” đáng thương này ý chí vươn lên của cô trò có bị hạn chế?
Đặng Nguyên Nghĩa