Gia Lai:
Trường cao đẳng tăng điểm chuẩn lên chót vót để thí sinh... không trúng tuyển
(Dân trí) - Mới đây, nhiều thí sinh ngỡ ngàng vì điểm trúng tuyển vào trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (TP. Pleiku, Gia Lai) đợt 1 cao “ngất ngưởng”, có ngành lên đến 23 điểm. Qua tìm hiểu được biết, trường đang rơi vào tình cảnh “thừa thầy, thiếu trò”, nhưng buộc phải đưa điểm chuẩn cao chót vót để cho… thí sinh không thể trúng tuyển.
Trước đó như Dân trí đã đưa tin, ngày 6/8, Trường CĐ Sư phạm Gia Lai công bố điểm chuẩn các ngành Sư phạm bậc Cao đẳng cao bất ngờ. Theo đó, điểm ngành cao nhất là Sư phạm Ngữ văn lên tới 23 điểm. Hai ngành Sư phạm Hóa và Sư phạm Lịch sử 20 điểm, Sư phạm tiếng Anh 19 điểm, Sư phạm Toán và Vật lý cùng lấy 18 điểm. Hai ngành điểm chuẩn thấp nhất là Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học lấy 15 điểm.
Chia sẻ với chúng tôi, em Nguyễn Thị T. (20 tuổi, sinh viên trường CĐ Sư phạm Gia Lai) cho biết: “Theo thông tin em cập nhật được trên báo đài, có nhiều trường đại học ở các thành phố đều tuyển sinh ở mức điểm tối thiểu là từ 17- 20 điểm. Trong khi đó, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai có môn lấy 23 điểm. Nhiều thí sinh là người quen của em đang chuẩn bị xem xét để đăng kí nguyện vọng vào trường, nhưng thấy điểm cao vậy cũng đang phân vân, lo sợ…”.
Trao đổi với PV Dân trí về mức điểm chuẩn cao chót vót này, thầy Ngô Võ Thạnh - Phó phụ trách phòng đào tạo, Trường CĐ Sư phạm Gia Lai cho biết: “Thật ra, nhà trường lấy mức điểm chuẩn đợt 1 cao ở các ngành Sư phạm Ngữ Văn, Lịch Sử, Toán… là để cho các thí sinh đăng kí nguyện vọng 1 tại trường “trượt”. Để các em được xét lấy số điểm này xét tuyển vào các trường khác có thuận lợi cho các em hơn”.
“Điển hình như ở ngành Sư phạm Ngữ Văn, có duy nhất một thí sinh đăng ký, hơn nữa lại là nguyện vọng 1. Thí sinh này lại đạt điểm thi 22,5 điểm, nếu nhà trường đặt mức tuyển sinh ở mức 15 điểm thì chắc chắn thí sinh này đậu 100%. Như vậy, ngành học chỉ có một thí sinh theo học thì công tác tổ chức, mở lớp, bố trí giáo viên... dường như không thể thực hiện được. Do đó, nhà trường buộc phải đưa ra mức điểm chuẩn tuyển sinh là 23 điểm để đánh trượt thí sinh này.
Tương tự, các ngành khác điểm cao cũng chỉ có một vài em đăng kí nên nhà trường đã chọn điểm chuẩn như vậy để tạo điều kiện khác tốt hơn cho các em”, thầy Thạnh lý giải.
Trao đổi với Dân trí, TS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: “Phải đau lòng lắm trường chúng tôi mới buộc phải sử dụng cách thức này. Trong tổng số 8 ngành đào tạo, điểm chuẩn trường công bố cho bậc Cao đẳng chỉ đúng với 2 ngành: Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non (cùng lấy 15 điểm). Các ngành còn lại của bậc Cao đẳng có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá thấp không đủ để mở lớp. Vì vậy, trường quyết định tăng điểm chuẩn cao hơn điểm thật của thí sinh để thí sinh không trúng tuyển vào trường”.
Bà Hà chia sẻ thêm, năm nay số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký chỉ tập trung vào hai ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non với số lượng đạt gần chỉ tiêu là 170 cho cả hai ngành này. Trong khi đó, 6 ngành còn lại rất ít thí sinh. Thậm chí, ngành được xem là nhiều xét cả phương án tuyển học bạ THPT và kết quả thi THPT quốc gia chỉ 5 em.
“Nếu chúng tôi nhận các em vào không thể mở lớp thì sẽ phải trả hồ sơ lại hoặc chuyển các em sang học ngành khác. Khi đó, thí sinh điểm cao sẽ không còn cơ hội để trúng tuyển vào trường khác ở nguyện vọng tiếp theo. Chúng tôi nghĩ tăng điểm chuẩn là cách nhân văn nhất để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh”, bà Hà cho biết.
Được biết, sau khi Bộ GD-ĐT quy định về mức điểm tối thiểu đối với các trường ngành Sư phạm như ĐH là 17 điểm, Cao đẳng Sư phạm: 15 điểm, Trung cấp Sư phạm: 13 điểm (không nhân hệ số) thì trường CĐ Sư phạm Gia Lai gặp khó khăn về công tác tuyển sinh khi mức thí sinh đăng kí vào rất ít.
Thầy Trịnh Đào Chiến - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai cho biết: “Với những quy định của Bộ GD-ĐT trong công tác tuyển sinh của các trường sư phạm thì cũng có những khó khăn cho nhà trường. Cụ thể, như năm ngoái với mức điểm chuẩn khoảng 10 điểm thì chúng tôi cũng khó khăn, năm nay tăng lên 15 điểm thì một số ngành như Ngữ văn, Lịch sử… sẽ không mở lớp được vì không có thí sinh đăng kí.
Nhà trường chỉ tập trung vào 2 ngành là: Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non, hiện nay đã có 71 thí sinh đăng kí vào ngành Giáo dục Tiểu học (trong khi chỉ tiêu là 75) và Giáo dục Mầm non có 73 thí sinh đăng ký (90 chỉ tiêu), trung cấp Mầm non 25 thí sinh đăng ký (30 chỉ tiêu), còn các ngành khác không tuyển được…”.
“Nhà trường e rằng một số em đăng kí vào các ngành dạy cấp 2 đang là thí sinh ảo, không tham gia học. Nếu tham gia học thì nhà trường cũng rất khó để xếp lớp vì chỉ có 1 đến 2 sinh viên. Khó khăn đặt ra khi thí sinh không có dẫn đến tình trạng thừa giáo viên. Hiện nhà trường cũng đã có văn bản để xin tinh giản biên chế nhưng đang còn chờ…”, thầy Chiến cho biết thêm.
Phạm Hoàng - Lê Phương