Trung ương Hội Khuyến học VN trao Bảng vàng Khuyến tài cho 2 tác giả đoạt giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài đất Việt 2019
(Dân trí) - “Trí tuệ không phụ thuộc vào vùng miền, lứa tuổi, bằng cấp”, đó là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trong buổi gặp mặt, trao thưởng hai tác giả đoạt giải ở hạng mục Khuyến tài (tự học thành tài) - Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019.
Ra đời từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài đất Việt được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng và do báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức. Qua 15 năm, giải thưởng không ngừng được mở rộng, phát hiện và tôn vinh tài năng ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Khoa học Công nghệ, Y dược, Môi trường và Khuyến tài.
Năm 2019 đánh dấu chặng đường 15 năm tìm kiếm và tôn vinh nhân tài đầy tự hào của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Đã có hàng trăm công trình khoa học, sản phẩm công nghệ được vinh danh tại Giải thưởng, trở thành bệ phóng vững chắc cho hàng trăm sản phẩm được ứng dụng vào thực tế, phát triển và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nền công nghệ nước nhà. Và từ đó, có hàng chục công trình, sản phẩm đã được vinh danh trên trường quốc tế, làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam.
Riêng đối với lĩnh vực Khuyến học, từ năm 2014 lần đầu tiên được Hội Khuyến học đề xuất đưa hạng mục Khuyến tài (hay gọi là “tôn vinh các cá nhân tự học thành tài”) vào trong khuôn khổ giải thưởng Nhân tài đất Việt hàng năm nhằm khuyến khích những tài năng từ tinh thần tự học, tự nghiên cứu đã nỗ lực vượt khó để tạo ra những sản phẩm, công trình mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các khu vực lân cận.
Tại lễ trao giải Nhân tài đất Việt năm 2019 được tổ chức tối qua 15/11 tại Hà Nội, hai đề án xuất sắc được gọi tên trong hạng mục “Khuyến tài” gồm: Đề án sáng chế “Xử lý rác thải sinh hoạt thành hàng hoá” của ông Đỗ Chí Lệ (tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) và đề án sáng chế “Chế tạo máy ruôi sắn củ tươi TS 08” của ông Hà Kim Tới (tại khu 8, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Mỗi giải thưởng trị giá 50 triệu đồng.
Tại buổi gặp mặt sáng nay 16/11 tại Hà Nội, thay mặt Ban tổ chức, GS.TS Nguyễn Thị Doan cùng ông Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí đã tặng hoa chúc mừng và trao tiền thưởng đến 2 tác giả có đề án đạt giải Khuyến tài - Nhân tài đất Việt năm 2019. Được biết, mỗi tác giả được nhận 30 triệu đồng từ Quỹ khuyến học - TƯ Hội Khuyến học Việt Nam và 20 triệu đồng từ báo điện tử Dân trí.
Đánh giá cao các mô hình đạt giải, GS.TS Nguyễn Thị Doan khẳng định, hai công trình nhận giải Khuyến tài năm nay rất xứng đáng, khẳng định ý tưởng nông dân và rộng ra là người lớn tự học thành tài, phát triển bền vững, vươn lên làm giàu cho địa phương, gia đình, xã hội. Hướng đi của 2 công trình phù hợp với xu thế của đất nước trong thời đại hội nhập.
“Năm nay, chúng tôi đọc rồi đi thực tế thẩm định hồ sơ và hết sức phấn khởi vì qua đợt này một lần nữa khẳng định người nông dân Việt Nam hết sức tài giỏi, thông minh. Mới chỉ học hết lớp 7/10, ông Hà Kim Tới đã tự học, tự chế tạo máy ruôi sắn củ tươi giúp cho công việc nạo sắn của bản thân, gia đình, người dân trồng sắn đỡ vất vả, tăng năng suất nạo sắn tươi từ 1 tạ/ngày (nạo thủ công) lên 7-8 tạ/ngày.
Bản thân không được đào tạo ngành nghề kỹ thuật và môi trường song trong cuộc sống cũng như công tác, qua tự học tự nghiên cứu trăn trở về vấn nạn rác thải sinh hoạt, ông Đỗ Chí Lệ đã áp dụng định luật Acsimet để phân loại thành công rác thải bằng lò. Nhà máy đã giải quyết môi trường cho 25 xã, thị trấn và lan rộng đến một số tỉnh khác của đất nước (như Đắc Nông, Bắc Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang....)”, GS.TS Nguyễn Thị Doan bày tỏ vui mừng.
Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí (ngoài cùng bên phải) trao thưởng cho 2 tác giả đoạt giải Khuyến tài - Nhân tài đất Việt 2019.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, đây là tấm gương, bài học rất lớn cho tất cả người nông dân Việt Nam với tinh thần không đầu hàng, bó tay trước bất cứ điều gì, học và học không ngừng nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Bởi lẽ, đất nước mình trong khoảng 10-15 năm nữa sẽ mất dần những lợi thế về lực lượng lao động vàng, nguồn tài nguyên khoáng sản tự nhiên phong phú và các khoản viện trợ ODA… Nếu người lớn không học hành thì mất đi cơ hội hội nhập và phát triển.
Hai “kỹ sư hai lúa” còn vinh dự được tặng Bảng Vàng vinh danh Khuyến tài của Hội Khuyến học Việt Nam cho cán bộ hội viên đoạt giải Khuyến tài - Nhân tài đất Việt 2019.
Quang cảnh buổi gặp gỡ tại Hà Nội sáng 16/11.
Không giấu được cảm xúc, ông Đỗ Chí Lệ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) tâm sự: “Hôm nay, tôi rất bồi hồi, xúc động đón nhận giải thưởng cao quý này và Bảng Vàng vinh danh của TƯ Hội Khuyến học Việt Nam.
Sinh ra và và lớn lên tại vùng quê nghèo, tôi mới học hết cấp 3 rồi trở thành chiến sĩ hậu cần sau đó nghỉ chế độ về đi làm doanh nghiệp. Khi thực hiện mô hình xử lý rác thải, bản thân tôi chỉ cố gắng hết sức để làm điều vừa có ích cho gia đình, vừa có ích cho xã hội. Vinh dự nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt năm nay là điều mà tôi không ngờ tới”.
Ông Hà Kim Tới (Thanh Ba, Phú Thọ) chia sẻ: “Nhờ chính những phong trào tự học, tự nghiên cứu ở địa phương giúp tôi sáng chế ra máy ruôi sắn củ tươi để giúp bà con nông dân như mình bớt vất vả, cực nhọc. Bản thân tôi vô cùng biết ơn Hội Khuyến học và báo Dân trí đã vinh danh sự cống hiến của tôi cũng như các tác giả vì sự phát triển chung của cộng đồng xã hội”.
Hai đề án xuất sắc nhận giải Khuyến tài đại diện cho những mô hình tiêu biểu thể hiện trí tuệ, sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người lao động Việt Nam. Đó là minh chứng rõ nét cho việc học tập suốt đời ở người lớn sẽ không bao giờ là điểm dừng trên con đường tri thức.
GS.TS Nguyễn Thị Doan tin tưởng và hi vọng rằng, phong trào tự học, tự nghiên cứu sản xuất của các Hội Khuyến học địa phương trên khắp cả nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhằm bồi đắp, nuôi dưỡng, phát hiện những nhân tố "tự học thành tài", đi lên từ chính thực tiễn lao động, sản xuất.
Lệ Thu
Ảnh: Quý Đoàn