Trung Quốc: Phụ huynh chạy đua “nâng điểm” EQ cho con
Nhiều phụ huynh Trung Quốc hiện cho rằng, chỉ số cảm xúc EQ (đo lường trí tưởng tượng, sáng tạo) quan trọng hơn chỉ số thông minh IQ để thành công trong cuộc sống. Đó là lí do họ bỏ ra số tiền không nhỏ hàng tháng để bảo đảm con mình có sự khởi đầu tốt nhất.
Học làm CEO từ… 2 tuổi
Trong lớp học, cô bé 4 tuổi nhút nhát Lee Zixi đang học cách xã giao như bắt tay với một người lạ và tự tin giới thiệu về mình – đó là một trong những kĩ năng chuẩn bị cho các CEO (giám đốc điều hành) trong tương lai.
Trong khi trên sân golf, bé Guo Zi Ling 3 tuổi đang đánh vật với chiếc gậy dài bằng chiều cao cơ thể. Huấn luyện viên You Xiong đã ngừng dạy golf cho người lớn từ đầu năm nay để chuyển sang dạy trẻ em trước nhu cầu tăng vọt.
“Chúng tôi đang kết hợp với các trường mẫu giáo lân cận và dự kiến sẽ có nhiều học viên nhí thậm chí chưa tới 3 tuổi trong thời gian tới” – Xiong cho biết.
Đây là một vài trong nhiều trẻ em ở tuổi mầm non tại Quảng Châu, một trong những thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc, đang trau dồi những kĩ năng mà một nhà lãnh đạo tương lai cần khi có thể chỉ mới lên 2 tuổi.
Mỗi tuần, Zixi tham gia một buổi học tại LeederEDU, nơi hứa hẹn sẽ biến cô bé thành một giám đốc điều hành duyên dáng trong tương lai. Bố của Zixi, Lee Shao Hao, cho biết. đăng kí lớp học này để cải thiện kĩ năng xã hội yếu kém của con.
“Trước đây, con bé không chào hỏi cả người thân. Bây giờ cháu đã bắt đầu tương tác với chúng tôi như hỏi xem bố mẹ đã ăn chưa hay về công việc của chúng tôi” – Lee chia sẻ.
Những bài học này không rẻ, học phí lên tới 8.000 USD/năm.
Môn thể thao golf cũng được coi là một phần đào tạo EQ. Tại câu lạc bộ nơi Zi Ling đang theo học, phụ huynh phải nộp 150 USD/tháng. Đó là chưa kể phí thành viên hàng năm của CLB khoảng 13.000 USD.
Không tiếc tiền cho con trải nghiệm
Theo một nghiên cứu năm 2014, 78,2% phụ huynh Trung Quốc tin rằng, EQ quan trọng hơn IQ cho sự nghiệp tương lai của trẻ. Và thời gian tốt nhất phát triển chỉ số EQ là càng sớm càng tốt.
Vì vậy, phụ huynh tự nguyện chi tiền cho hàng loạt khoá học mọc lên như nấm trong những năm gần đây. Tại LeederEDU, trẻ được khuyên bắt đầu học từ 3 tuổi nhưng nhiều phụ huynh gửi con vào học từ khi 2 tuổi.
Những “CEO tương lai”, mà tốt nghiệp khi 6 tuổi, học xã giao cơ bản - nền móng để phát triển EQ tốt.
CEO của trung tâm giáo dục sáng tạo, Wei Yong An, cho biết bắt đầu mở lớp từ năm 1999 khi nhận thấy nhu cầu GD sớm tăng lên.
Tại Thâm Quyến, trong lớp học trải nghiệm, trẻ em được “toàn quyền” khám phá phòng trưng bày ô tô thương hiệu hạng sang Audi. Trẻ được leo lên ghế lái và sục sạo cả phần động cơ trong cốp xe…
Buổi học này là một trong những hoạt động sáng tạo cho trẻ trải nghiệm các nghề nghiệp và vị trí làm việc khác nhau. Chương trình được tổ chức bởi tổ chức giáo dục sớm Gymboree, nổi tiếng Trung Quốc là một trong số ít thương hiệu toàn cầu GD kĩ năng sống thay vì kiến thức sách vở.
Bố mẹ của bé Hu Zhan Hua, 3 tuổi, phải trả 60 USD mỗi giờ học để con có thể “mó máy” vào những chiếc xe hạng sang. Phụ huynh của Hua mong muốn phát hiện sớm sở thích hay mối quan tâm của con trong tương lai, như ngân hàng hay cơ khí…
Học viên golf dưới 10 tuổi là một trong những nhóm học viên tăng nhanh nhất tại Trung Quốc. Golf thậm chí đã được đưa vào chương trình phổ cập tại nhiều trường tiểu học công lập.
Theo Chủ tịch CLB Golf Foison, golf rèn luyện cho người chơi cách cư xử “phong lưu mã thượng”, tư duy chiến lược, ý thức kỉ luật…
Theo Thanh Anh
Channelnewsasia/Giáo dục & Thời đại