Trung Quốc: Mua bán giấy báo trúng tuyển đại học giả mạo vào tầm ngắm

Minh Hương

(Dân trí) - Hoạt động kinh doanh giấy báo trúng tuyển đại học giả mạo trên mạng Internet tại Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý sau sự việc một nam sinh mua giấy mời nhập học giả mạo để đánh lừa phụ huynh.

Nam sinh họ Cao (sống tại Trạm giang, tỉnh Quảng Đông) chỉ đạt 235/750 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia năm nay. Tuy nhiên, nam sinh nói dối cha mẹ rằng đạt số điểm 702.

Để thuyết phục cha mẹ tin tưởng, nam sinh bỏ ra 3.000 Nhân dân tệ mua giấy báo trúng tuyển giả mạo của Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và nói rằng được nhận vào chuyên ngành trí tuệ nhân tạo.

Sự việc bị phát giác khi hàng xóm của gia đình phát hiện một số lỗi chính tả trong giấy báo trúng tuyển giả mạo.

Trung Quốc: Mua bán giấy báo trúng tuyển đại học giả mạo vào tầm ngắm - 1
Một giấy báo trúng tuyển Đại học Thanh Hoa giả mạo.

Cuộc điều tra đang được thực hiện và chưa rõ nam sinh mua giấy báo trúng tuyển giả mạo ở đâu. Tuy nhiên, sự việc đã khiến công chúng Trung Quốc chú ý tới những giấy báo trúng tuyển đại học giả mạo được rao bán tràn lan trên trang thương mại điện tử Taobao.

Tới 19/8, giấy báo trúng tuyển giả mạo vẫn được bán trên Taobao. Một shop online trên nền tảng này quảng cáo rằng có thể cung cấp giấy báo trúng tuyển của hàng chục đại học bao gồm Đại học Sư phạm Đông Bắc (tỉnh Cát Lâm), Đại học Giao thông Thượng Hải.

Người mua có thể nhận được giấy báo trúng tuyển giả mạo có in tên họ, mã số học sinh, con dấu giả của trường đại học trong khoảng một tuần.

Tới 20/8, Taobao không hiển thị kết quả tìm kiếm với giấy báo trúng tuyển đại học hoặc các sản phẩm tương tự như văn bằng, chứng chỉ giả mạo.

Phòng an ninh mạng của Alibaba, công ty mẹ của Taobao, mới đây thông báo đã trừng phạt các nhà sản xuất, nhà bán lẻ liên quan tới hành vi kinh doanh trái phép giấy báo trúng tuyển đại học giả mạo trên nền tảng này, cũng như báo cáo với cơ quan chức năng.

Công ty cũng nhấn mạng sẽ không nhân nhượng với hành vi kinh doanh giấy báo trúng tuyển đại học giả mạo và sẵn sàng tiếp nhận báo cáo vi phạm từ người dùng.

Luật pháp Trung Quốc quy định các cá nhân làm giả chứng chỉ, giấy tờ, con dấu sẽ bị giam giữ trong 5-15 ngày và bị phạt 1.000 Nhân dân tệ (144 USD). Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 3 năm.

Yu Ping, bình luận viên tại Red Star News, trụ sở tại tỉnh tứ Xuyên, cho rằng một số học sinh mua giấy báo trúng tuyển giả mạo để làm vui lòng cha mẹ, trong khi một số đối tượng khác mua để giả mạo thông tin cá nhân và lừa đảo, gây nguy hại lớn cho xã hội.

Liu Lin, luật sư tại công ty luật Shuangli, Bắc Kinh, cho rằng hành vi sản xuất và kinh doanh giấy báo trúng tuyển đại học giả mạo và các sản phẩm tương tự để phục vụ nhu cầu khách hàng là vi phạm đạo đức và pháp luật nghiêm trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm