Trò chuyện với “nhân chứng chiến tranh” để học môn Lịch sử
Thay vì ngồi nghe giảng rồi ghi chép theo cách cũ khiến môn Lịch sử trở nên nhàm chán, khô cứng, học sinh sẽ được trực tiếp gặp gỡ những “nhân chứng chiến tranh” để tìm hiểu thông tin sống động về những cuộc chiến vốn chỉ được biết đến qua sách vở. Sau đó, chính các em sẽ đóng vai “giáo viên nhí” để thuyết trình kiến thức trước bạn bè cùng lớp.
Đây chính là cách dạy môn Lịch sử theo dự án “Trợ giảng nhí” đang được Vinschool triển khai nhằm khơi dậy trong học sinh tình yêu với môn lịch sử, từ đó giúp các em biết tìm tòi, tiếp cận môn học này bằng niềm hứng thú và lòng say mê.
Học lịch sử qua “nhân chứng sống”
Nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, một nhóm học sinh lớp 5 cùng giáo viên trường tiểu học Vinschool đã đến thăm nhà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên – Hồ Chí Minh.
Được gặp một “nhân chứng sống” nổi tiếng của lịch sử, các em học sinh Vinschool chăm chú lắng nghe những câu chuyện chiến trường năm xưa và đặt cho tướng Thước nhiều câu hỏi thú vị. Khoảng cách thế hệ dường như được rút ngắn, mỗi câu trả lời của vị tướng chứa đựng nhiều thông tin quan trọng giúp các em hiểu và thu nhận được không ít kiến thức quý báu về lịch sử.
Cách tiếp cận bộ môn Lịch sử độc đáo này khiến Hà Khánh Phương, học sinh lớp 5A1 rất hào hứng: “Em có thêm nhiều hiểu biết về hoàn cảnh chiến tranh ngày xưa, những kiến thức thu nhận được không đơn giản, khô cứng như em vẫn nghĩ. Sau buổi học đặc biệt này, em còn được thuyết trình và giới thiệu với các bạn trong lớp như một cô giáo thực thụ”.
Đây là hoạt động nổi bật trong dự án “trợ giảng nhí” của các em học sinh khối 5, Trường Tiểu học Vinschool, khi 12 em học sinh đại diện cho khối 5 Vinschool lần lượt được tới thăm hỏi, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử liên quan đến các bài giảng.
Trước khi được đến gặp trung tướng Nguyễn Quốc Thước, các em học sinh Vinschool đã được đến thăm anh hùng Phạm Thị Viễn, nữ chiến sỹ đã bắn rơi máy bay B52; anh hùng Đặng Đức Song, Đại tá trực tiếp tham gia trận chiến Điện Biên Phủ trên không 1954; hay những nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng; để được lắng nghe, tìm hiểu lịch sử qua những câu chuyện người thật, việc thật.
Ngoài ra, các em cũng thường xuyên được đi tham quan bảo tàng, nghe giới thiệu về những giai đoạn lịch sử, trực tiếp được tham gia thảo luận và quan sát hiện vật trực quan, để tiếp tục tìm tòi, bổ sung cho bài giảng của mình khi đứng lớp.
Xóa định kiến môn sử “khô, khó, khổ”
Nói về mục đích và ý nghĩa của phương pháp dạy sử thú vị này, cô Nguyễn Thị Biên, giáo viên dạy sử trường Tiểu học Vinschool cho biết: “Trở ngại nhất đối với việc dạy học Lịch sử có lẽ là học sinh không thấy hứng thú, gần gũi nên thờ ơ với bộ môn. Ngày 30/4 với các em chỉ là một ngày được nghỉ học trong năm, các em chưa hiểu hết ý nghĩa và sự liên quan mật thiết của sự kiện tới quá trình phát triển của đất nước. Trước thực tế đó, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và quyết định đưa phương pháp dạy học dự án, triển khai thành Dự án Trợ giảng nhí vào môn Lịch sử cho học sinh khối 5”.
Việc dạy sử theo phương pháp trên của Vinschool đã đáp ứng một đòi hỏi cấp thiết về thay đổi phương pháp dạy và học môn sử vốn là mối quan tâm lớn của những nhà làm giáo dục, hàng triệu giáo viên, phụ huynh và học sinh, khiến môn sử không còn là môn học “ám ảnh” học sinh vì khô khan, khó học, kém hấp dẫn.
Ngoài ra, Vinschool còn giúp học sinh củng cố và phát huy triệt để kiến thức lịch sử thu nhận được từ những “nhân chứng lịch sử” bằng cách cho các em chuẩn bị và đứng lớp để thuyết trình về bài học trước tất cả các bạn bè.
Phương pháp dạy và học lịch sử như Vinschool đang triển khai khiến các học sinh cũng rất hài lòng. Một phụ huynh Vinschool chia sẻ: “Sau một năm học theo dự án Trợ giảng nhí, tôi thấy con đã chủ động hơn nhiều trong việc học tập môn sử. Và còn vui hơn khi mỗi lần về quê, suốt cả dọc đường đi qua vùng nào là cháu lại hào hứng kể với bố mẹ về lịch sử của nơi đó, nhiều lúc còn kể cả những câu chuyện chiến thuật đánh giặc hay bày trận mà chính tôi cũng không biết”.