Triển "xe lăn" và ước mơ vào đại học
(Dân trí) - Hồi học lớp 8, khi được cấp chiếc xe lăn, cậu học trò tật nguyền Sử Minh Triển đã nuôi ước mơ sẽ lăn bánh xe vào cổng trường ĐH. Hiện nay Triển là sinh viên Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng và dự định sẽ thi liên thông lên ĐH khi học xong CĐ.
Với đôi chân tật nguyền do bị bại liệt từ năm lên 3 tuổi, Sử Minh Triển không thể đi lại bình thường như bao người. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Triển đến trường trên lưng anh trai cho đến lớp 8 thì nhận được chiếc xe lăn của Hội Chữ thập đỏ Ninh Thuận.
Đó là phần thưởng cho thành quả vượt khó vươn lên không ngừng trong học tập của cậu học trò người dân tộc Chăm ở vùng đất nghèo Ninh Phước, Ninh Thuận.
“Từ khi nhận được chiếc xe lăn tiếp sức đến trường, mình đã nuôi ước mơ vào đại học, dù đã biết trước đường đi sẽ khó khăn”, anh chàng có nụ cười hiền lành và ánh mắt đầy cương nghị tâm sự.
Với suy nghĩ ấy, cậu học trò đã không quản ngại đường xa, mưa nắng, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhiều bề của gia đình để ngày ngày miệt mài lăn bánh xe từ nhà đến trường trên đoạn đường 5-7 km trong hàng giờ liền.
Hiện nay Triển là sinh viên năm thứ ba ngành Công nghệ thông tin, Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng. Từ vùng đất Ninh Thuận xa xôi, Triển vượt hàng trăm km vào đến Đà Nẵng, “một thân một mình trọ học, đeo đuổi con chữ, lại không đi lại bình thường được như người ta, đôi bàn chân để đi là hai bánh xe lăn, khó lắm”. Dù vậy, Triển đã trấn an nỗi lo lắng của ba mẹ, gia đình khi để Triển đi học xa bằng quyết tâm của mình. Cũng như Triển đã động viên gia đình bằng thành tích học tập khá, giỏi suốt những năm tháng phổ thông.
Triển kể với chúng tôi: “Tốt nghiệp lớp 12, thi vào Đại học Bách khoa TPHCM không đậu, mình chuyển về học Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng theo đăng ký nguyện vọng 2. Với một người như mình, chỉ có tri thức là hỗ trợ đắc lực giúp mình tự đứng vững, tự làm chủ bản thân. Mình thích ngành Công nghệ thông tin và thấy đó là ngành học phù hợp với điều kiện bản thân. Không đậu vào đại học ngay được, nhưng mình không bỏ cuộc. Học cao đẳng xong, mình sẽ thi liên thông lên đại học”.
Gần mười năm qua, chiếc xe lăn như người bạn đồng hành cùng Triển đến lớp. Bên cạnh Triển còn luôn có những người đi đường và bạn học giúp lăn bánh xe. Nhiều lúc qua những đoạn đường quê trơn trượt, sỏi đá, hay lên xuống những bậc tam cấp, lên xuống xe hoặc những khi trái gió trở trời, sức yếu không lăn bánh xe được, Triển luôn nhận được giúp đỡ của mọi người. Lúc ấy, cậu càng thêm thấm thía tình người, tình bạn.
Trong câu chuyện, Triển luôn nhắc đến bạn bè với ánh mắt ấm áp. Có những người bạn trong suốt ba năm Triển học ở trường cao đẳng đã lặng lẽ cõng Triển lên những bậc tam cấp để vào giảng đường. “Thật sự, nếu không có bạn bè thì có những lúc thật không biết xoay xở làm sao. Nếu nói ra sẽ là khách sáo nhưng mình luôn nhớ ơn các bạn”, Triển tâm sự thật lòng.
Động lực để Triểnvươn lên vượt qua những khó khăn không chỉ là sự chia sẻ giúp đỡ của bạn bè mà còn là sự tin tưởng của ba mẹ, gia đình nơi quê nhà. Vùng đất Ninh Thuận quê Triển vẫn còn nghèo khó, ba mẹ làm nông. Ngoài người anh trai đã có gia đình, Triển còn 3 em kế tiếp cũng đều trong tuổi ăn học.
“Cũng may mà có học bổng dành cho sinh viên khá và cả vốn vay hỗ trợ sinh viên. Ba năm mình đi học, mình đã vay hàng chục triệu đồng… điều đó cũng là thêm một động lực để mình cố gắng học tiếp vào đại học cho kiến thức, tay nghề vững vàng, sớm ra trường bắt tay vào việc tự mưu sinh được cho bản thân và đỡ đần ba mẹ”, Triển chia sẻ.
Bài và ảnh: Khánh Hiền