Trên 90% học sinh trường chuyên trúng tuyển vào đại học
(Dân trí) - Các trường chuyên luôn đạt mức cao về chất lượng giáo dục. Xếp loại trung bình hàng năm học sinh chuyên có học lực khá, giỏi, khá chiếm 98,2%, hạnh kiểm tốt chiếm 95,6%; tỷ lệ trúng tuyển vào đại học nguyện vọng 1 là trên 90%.
Đây là thông tin của Bộ GD-ĐT đưa ra về kết quả 4 năm triển khai thực hiện Đề án trường chuyên. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đề án đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, phụ huynh, học sinh và xã hội về mục tiêu trường chuyên. Trường chuyên đã được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp trung ương, địa phương; Mạng lưới trường chuyên từng bước được hoàn thiện, quy mô trường lớp và học sinh được mở rộng. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố và một số đại học, trường đại học đã có trường THPT chuyên với 76 trường THPT chuyên”
Với Đề án này thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên được tăng cường. Hầu hết các trường chuyên trong toàn quốc đều có đề án phát triển nhà trường, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện; nhiều trường chuyên đã và đang được xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất. Đến cuối năm học 2013-2014, cả nước có khoảng 60% số trường chuyên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các trường chuyên chưa đạt chuẩn chủ yếu là các trường chuyên mới thành lập hoặc trường chuyên trực thuộc các đại học, trường đại học, về cơ bản các trường này đã đảm bảo các tiêu chuẩn quy định, nhưng còn khó khăn về diện tích và mặt bằng xây dựng.
Hiện tại, ở nhiều trường chuyên của Việt Nam cơ bản có chương trình giáo dục tiếp cận với chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới; đội ngũ giáo viên đạt mức độ cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học; có tác động tích cực đến việc phát triển hệ thống các trường THPT, có chất lượng giáo dục không kém các trường có uy tín trong khu vực, quốc tế. Điều đó được thể hiện không chỉ ở kết quả giáo dục toàn diện, mà học sinh các trường chuyên này còn đạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế các môn văn hóa; các Hội thi sáng tạo khoa học, kĩ thuật quốc tế;... Nhiều học sinh trường chuyên đã nhận được học bổng của các trường đại học danh tiếng trên thế giới và sau khi tốt nghiệp đã trở thành các nhà khoa học, các cán bộ quản lí, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Những con số chỉ có ở trường chuyên
Bộ GD-ĐT cho biết, tỉ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường trung học phổ thông chuyên. Đến năm 2013, số cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ đạt 7,6%, trình độ thạc sĩ 55,8% (so với năm 2010 tăng thêm được 03 tiến sĩ, 32 thạc sĩ); số giáo viên dạy môn chuyên có trình độ tiến sĩ đạt 1,23%, trình độ thạc sĩ 43% (so với năm 2010 tăng được 8 tiến sĩ, 799 thạc sĩ) và hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp.
Trong các kì thi Olimpic khu vực, quốc tế , đoàn học sinh Việt Nam với hầu hết là học sinh trường chuyên luôn là một trong những nước có kết quả xếp hạng cao. Tính từ năm 2010 đến năm 2014, thi Olimpic quốc tế các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, tin học đã dành được 22 HCV, 43 HCB, 45 HCĐ. Thi Olimpic Vật lí Châu Á dành được 4 HCV, 11 HCB, 9 HCĐ. Thi Olimpic Tin học Châu Á, năm 2013 mới đăng ký dự thi qua 2 năm dự thi đã dành 1 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ. Thành tích đạt được đã khẳng định chất lượng đào tạo mũi nhọn của trường chuyên và tạo uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về đào tạo học sinh giỏi.
Đoàn học sinh Việt Nam liên tiếp những năm gần đây đều có các dự án của học sinh trường chuyên đoạt giải Intel ISEF. Tại cuộc thi Intel ISEF 2012 nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí với đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt”. Tại cuộc thi Intel ISEF 2013 nhóm học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh đề tài "Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại gia" và nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam với đề tài “ Nghiên cứu khả năng lọc vi khuẩn trong nước của màng vỏ trứng gà” đều đoạt gải Tư. Cuộc thi Intel ISEF 2014 đoạt 2 giải Tư với các dự án "Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh và Dự án “Nghiên cứu thu nhận Lipid từ sinh khối vi sinh vật lên men rơm rạ hướng tới nguyên liệu sản xuất Biodiesel” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, sau khi có Đề án trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong các trường chuyên có chuyển biến nhanh chóng do việc đã tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong thời gian vừa qua. Đến nay đã có 20 trường chuyên tổ chức thí điểm dạy môn Toán và môn khoa học bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, việc tổ chức giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục trong nước được các trường chuyên thực hiện tốt; việc giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục nước ngoài đã được một số trường chuyên thực hiện.
Và câu chuyện nỗ lực của ngành Giáo dục
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: năm 2010, khi bắt tay vào thực hiện đề án, hệ thống trường chuyên còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, sự nhận thức về vai trò và mục tiêu phát triển trường chuyên chưa thống nhất. Một số địa phương do chưa hiểu đúng về mục tiêu của trường chuyên nên không chú trọng đến phát triển đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất và chưa quan tâm đến giáo dục toàn diện. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới cả về số lượng và trình độ, thiếu các kỹ năng nghiên cứu phát triển chương trình và tài liệu; kỹ năng dạy học, nhất là dạy học thực hành, dạy học trải nghiệm thực tế còn hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lí chương trình giảng dạy, kế hoạch giáo dục chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy tính chủ động và khả năng sáng tạo của người dạy và người học; phương pháp dạy học chưa phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của học sinh; việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội còn rất hạn chế; chất lượng học tập các môn ngoại ngữ, tin học nhiều trường chuyên chưa đạt yêu cầu; Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của hầu hết các trường chuyên chưa tương xứng với nhiệm vụ. Đa số các trường có khuôn viên chật hẹp, không đủ phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, thiếu những phương tiện dạy học hiện đại, thiếu sân chơi, bãi tập, nhà tập đa năng, ký túc xá cho học sinh.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh trường chuyên chưa đồng bộ. Thiếu các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự cố gắng, tận tâm, tận lực của giáo viên và học sinh.
“Đề án được xây dựng nhằm phát huy những ưu điểm của hệ thống trường chuyên và giải quyết được các hạn chế trên. Đến nay sau 04 năm thực hiện các hạn chế trên đã từng bước được giải quyết” - ông Chuẩn cho hay.
Cũng theo ông Chuẩn, trong giai đoạn tới, để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã nêu trong Đề án. Bên cạnh đó cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đối với các trường chuyên theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Tạo điều kiện để các trường chuyên chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan, có tác dụng điều chỉnh kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dạy học.
Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trường chuyên về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; năng lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán; chú trọng đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường.
Song hành thực hiện đổi mới thì cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đối với các trường chuyên, huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm tăng cường cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực... Mở rộng mối quan hệ hợp tác giao lưu quốc tế, giữa các trường chuyên trong nước và các trường có chất lượng cao của các nước tiên tiến, trao đổi chuyên môn, hợp tác trong giáo dục và đào tạo.