Trẻ quan hệ tình dục sớm: Cha mẹ đừng chờ tới khi thấy hậu quả!
(Dân trí) - Độ tuổi quan hệ tình dục đang ngày càng giảm. Có những trường hợp học sinh mang thai ngoài ý muốn khi chỉ mới 11-12 tuổi, gây nên những hệ lụy rất đáng tiếc.
Theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019, vừa được Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Bộ Y tế công bố hồi tháng 4/2022, tỷ lệ quan hệ tình dục ở học sinh độ tuổi trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, từ mức 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019).
Việc quan hệ tình dục quá sớm, khi trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, có thể gây ra rất nhiều hệ lụy, như tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.
Cha mẹ, thầy cô cần làm thế nào để giáo dục giới tính đúng cách cho trẻ, tránh những hệ lụy đáng tiếc cho tương lai các em? PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, để nhìn nhận rõ hơn về vấn đề trên.
Độ tuổi quan hệ tình dục ở học sinh ngày càng trẻ hơn
Các số liệu thống kê cho thấy độ tuổi quan hệ tình dục ở học sinh đang ngày càng trẻ hơn. Theo bác sĩ, lý do nào dẫn đến thực trạng này?
- Có lẽ chưa cần tới số liệu thống kê thì từ thực tế hiện nay, chúng ta cũng dễ thấy được độ tuổi quan hệ tình dục đang ngày càng trẻ lại. Lý do tiềm ẩn lớn nhất đằng sau việc này là gì? Theo một số nghiên cứu, độ tuổi dậy thì trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Á Đông đang sớm lên từ 1-2 năm. Trước đây, trẻ gái thường quanh quẩn khoảng 12-13 tuổi sẽ bắt đầu có kinh nguyệt, trẻ trai đôi khi tới 14-15 tuổi, có bạn 16 tuổi mới dậy thì, cao vọt lên và vỡ giọng.
Tuy nhiên, tuổi dậy thì hiện đã bị rút ngắn xuống khoảng 2 năm. Ở châu Âu, người ta định nghĩa trẻ gái dậy thì sớm là trước 8 tuổi, trẻ trai dậy thì sớm là trước 9 tuổi. Bản thân việc dậy thì sớm sẽ thôi thúc trẻ tò mò, tham gia các hoạt động tình dục sớm hơn.
Do đó, chúng ta không nên đem góc nhìn, lăng kính của người lớn để nói rằng ngày xưa thời bố mẹ không thế. Chúng ta cần hiểu, tuổi sinh học của con đã bắt đầu lớn lên. Ở giai đoạn dậy thì, nội tiết tố bên trong trẻ có sự tăng vọt, thôi thúc nội tại, khiến trẻ muốn tìm kiếm những vấn đề đó, không phải đơn thuần do yếu tố ngoại cảnh.
Các số liệu thống kê hiện nay cho thấy tỷ lệ khá đáng báo động về vấn đề quan hệ tình dục ở trẻ vị thành niên Việt Nam. Tại TPHCM, tỷ lệ học sinh cấp 3 đã quan hệ tình dục chiếm khoảng 30-40%. Tại Hà Nội, con số này thấp hơn. Tất nhiên, ở 2 thành phố lớn, nơi có sự giao thoa và cởi mở hơn về văn hóa, trẻ có điều kiện tiếp cận nhiều với các nguồn thông tin, mạng internet nên dễ có sự thay đổi về chuẩn mực, niềm tin hơn so với học sinh vùng quê.
Mới đây, tôi tham dự một hội thảo dạy giáo dục giới tính cho học sinh lớp 5 tổ chức tại Hà Nội. Rất nhiều trẻ nam tâm sự rằng đã có nhu cầu, rất thích nhìn các bạn gái và thường xuyên bị ám ảnh về việc này. Các con chưa có hoạt động tình dục, nhưng ngay từ lớp 5 đã có những suy nghĩ, liên tưởng như vậy. Một số trẻ còn có thói quen thủ dâm, xem phim sex từ 1-2 năm trước.
Là bác sĩ phụ sản, anh có thường xuyên gặp các trường hợp trẻ quan hệ tình dục sớm và phải đến khám, điều trị do gặp hệ lụy từ việc này?
- Có thể nói rằng chúng tôi gặp rất nhiều. Theo khung luật pháp Việt Nam, quan hệ tình dục với trẻ dưới 14 tuổi được coi là khung hiếp dâm, từ 14-16 tuổi là khung quan hệ với trẻ vị thành niên, từ 16-18 tuổi mới có yếu tố đồng thuận và trên 18 tuổi, Nhà nước mới coi việc quan hệ tình dục giữa hai người là tự do lựa chọn.
Rất nhiều trẻ gái được cơ quan công an cùng gia đình đưa đến bệnh viện để yêu cầu giám định trẻ đã quan hệ tình dục chưa, tìm tinh trùng trong âm đạo và sàng lọc bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục.
Tình huống thứ hai chúng tôi cũng rất hay gặp phải là những trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Các con có thể vô cùng ít tuổi, chỉ 13-16 tuổi, thậm chí có bé mới 11-12 tuổi. Một số gia đình biết con có thai nên đưa đến bệnh viện để đề nghị đình chỉ thai nghén, nhưng có những trường hợp gia đình không biết bé gái đã mang thai. Thấy con mất kinh, bố mẹ chỉ vô tư nghĩ do trẻ mới dậy thì nên kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, khi bé gái nằm lên bàn siêu âm mới thấy tim thai đập, thai đã hai mấy tuần…
Tình huống thứ ba là trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mới đây, tôi vừa khám cho một nữ sinh 16 tuổi bị sùi mào gà. Cô bé chỉ có một bạn trai duy nhất, mới quan hệ tình dục và sau đó mắc bệnh. Ban đầu, trẻ rất lo lắng, sợ hãi, đã loay hoay chữa trị tại một số phòng khám nhưng không khỏi, tới khi nặng hơn mới tới gặp chúng tôi. Bạn trai của cô bé khi đến cũng quả quyết chưa từng quan hệ tình dục với ai khác, sau khi hỏi kỹ mới thừa nhận cách đây 3 năm từng quan hệ.
Những câu chuyện tương tự thực ra rất phổ biến, vì bệnh lây truyền qua đường tình dục hoàn toàn có thể tiềm tàng trong cơ thể nhiều năm mà bệnh nhân không biết. Nếu các con không đeo bao cao su, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Hệ lụy có thể kéo dài cả cuộc đời
Xin bác sĩ phân tích kỹ hơn về những hệ lụy sức khỏe trẻ có thể gặp phải khi quan hệ tình dục quá sớm?
- Trẻ quan hệ tình dục sớm, khi chưa có đủ kiến thức, dễ dẫn tới việc có thai ngoài ý muốn. Bé gái mang thai ở độ tuổi quá trẻ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ: tăng tỷ lệ thai nhi bất thường, tăng nguy cơ đẻ non, tăng các bệnh lý thai sản trong quá trình mang thai.
Hơn nữa, bản thân hành trình mang thai và làm mẹ mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Vấn đề lớn nhất là áp lực tâm lý khi trẻ phải chịu những định kiến từ xã hội; làm tăng nguy cơ stress, trầm cảm. Trên thực tế, nhiều "bà mẹ tuổi teen" đã nghĩ đến việc tự tử khi biết mình mang bầu vì cảm thấy không có lối thoát. Trẻ lo sợ khi không biết cách nuôi con thế nào; không biết vừa đi học, vừa sinh nở ra sao; cơ hội xin việc, tương lai sẽ thế nào,…
Ngược lại, nếu chọn đình chỉ thai nghén, nạo phá thai sẽ gây nguy cơ tàn phá hệ thống sinh sản của bé gái; hậu quả là vô sinh, hiếm muộn. Một số trường hợp nạo phá thai không an toàn, để lại những biến cố trực tiếp tại thời điểm đó như thủng tử cung, vỡ tử cung, nhiễm trùng tử cung. Có những bệnh nhân thậm chí bị chảy máu nặng, phải cắt tử cung, không còn cơ hội làm mẹ sau này.
Trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng phải đối diện với rất nhiều hệ lụy sức khỏe. Bản thân các bệnh này khá phức tạp và khó chữa, như HIV hay viêm gan hiện chưa có phương pháp chữa khỏi, sẽ tàn phá sức khỏe bệnh nhân lâu dài. Với vi khuẩn lậu hay chlamydia, ngoài gây viêm nhiễm cấp tính, chúng còn tàn phá cơ quan sinh sản người phụ nữ, gây tắc vòi trứng, dẫn tới vô sinh hiếm muộn. Các bệnh như sùi mào gà, giang mai, herpes,... cũng rất khó để điều trị triệt để.
Vấn đề khác bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp là sự kỳ thị của xã hội. Chính sự kỳ thị này khiến trẻ ngại, không dám đi khám. Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân đến khám khi đã quá muộn, để lại biến chứng nặng nề như những ổ mủ, viêm, áp xe, gây đau đớn dữ dội,…
Theo nhiều nghiên cứu, bệnh lây truyền qua đường tình dục hầu hết xảy ra ở các bạn trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên, trong khi đó người trưởng thành lại ít gặp hơn. Như vậy, không phải cứ quan hệ tình dục nhiều là bị lây nhiễm. Vấn đề ở đây là con trẻ chưa sẵn sàng, chưa đủ kiến thức và hiểu biết về cách phòng tránh, các biện pháp an toàn.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xảy ra ngay từ những lần quan hệ đầu tiên. Đó là lý do bệnh này chủ yếu gặp ở người trẻ. Trẻ khi mắc cũng thường bị nặng nề hơn người lớn, do các con ngại đi khám (vì không có kinh tế, vì có quá nhiều nỗi sợ, ám ảnh bị kỳ thị và khả năng tiếp cận khám, chữa bệnh không bằng người lớn).
Giáo dục giới tính có "vẽ đường cho hươu chạy"?
Được biết, bác sĩ đã từng tham gia nhiều buổi hội thảo, trò chuyện với rất nhiều phụ huynh, thầy cô về vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh. Từ những cuộc trao đổi nói trên, cũng như qua quá trình tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân là trẻ vị thành niên, anh đánh giá như thế nào về vấn đề giáo dục giới tính trong các nhà trường, gia đình hiện nay?
- Gặp gỡ nhiều rất giáo viên, tôi nhận thấy điều băn khoăn lớn nhất của các thầy cô là liệu giáo dục giới tính có "vẽ đường cho hươu chạy" không, có động viên các con đi quan hệ tình dục hay không? Các thầy cô rất lo rằng nếu dạy học sinh, rồi sau này bố mẹ phát hiện ra con quan hệ tình dục sẽ trách là tại thầy cô, tại nhà trường.
Một số thầy cô dù đã mạnh dạn trao đổi với hội phụ huynh về việc mời các bác sĩ, chuyên gia để dạy giáo dục giới tính cho trẻ; nhưng vẫn tâm sự rằng họ rất lo có chuyện gì xảy ra. Hiện chưa có khung pháp luật bảo vệ các thầy cô và nhà trường trong chuyện này, thầy cô có thể dễ dàng bị cộng đồng mạng lên tiếng phản đối. Thực tế, để triển khai được các buổi giáo dục giới tính, thầy cô đều phải xin ý kiến ban giám hiệu nhà trường, sau đó họp phụ huynh, nếu tất cả phụ huynh đồng ý mới tổ chức. Và trong buổi dạy đó, thầy cô bao giờ cũng mời đại diện hội phụ huynh đến ngồi nghe cùng.
Tham gia các buổi dạy nói trên và qua quá trình thăm khám từng ca bệnh cụ thể, tôi nhận ra một điều: muốn giáo dục giới tính cho trẻ, người lớn chúng ta phải được giáo dục giới tính trước. Chính phụ huynh, giáo viên còn có rất nhiều băn khoăn và hiểu biết chưa đúng về vấn đề này. Đôi khi, chúng ta không biết hành vi này của con trẻ là bình thường hay bất thường, một số hành vi là bình thường thì chúng ta lại can thiệp thô bạo.
Tôi lấy ví dụ như việc các con thủ dâm hay có suy nghĩ đến chuyện quan hệ tình dục, chúng ta nên hiểu rằng đến tuổi dậy thì, trẻ có nhu cầu này là bình thường. Nhiều trường hợp phụ huynh cấm đoán, dọa dẫm, kỷ luật các con nặng nề. Một số trường hợp khác, phụ huynh lại không biết nên ủng hộ hay ngăn cấm con. Tôi cũng từng gặp những cha mẹ băn khoăn về vấn đề giới tính của con, bởi lúc thì con tâm sự đã có bạn trai, một thời gian sau lại nói không thích bạn trai nữa mà có cảm xúc với một bạn gái. Phụ huynh stress vì không biết đây là hiểu lầm về tình cảm hay xu hướng cố định của con.
Xin bác sĩ có thể đưa ra một số lời khuyên cho phụ huynh và nhà trường để có thể giáo dục giới tính đúng cách cho trẻ, tránh được phần nào những hậu quả mà chúng ta vừa đề cập?
- Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng kiến thức là sức mạnh. Phụ huynh, giáo viên bắt buộc phải trang bị kiến thức cho chính bản thân mình, từ đó hướng dẫn các con. Sau đó, hãy để trẻ là người đưa ra lựa chọn và quyết định. Giáo dục là hành trình giúp trẻ tự quyết định số phận, cha mẹ không thể đi theo giám sát các con cả đời được! Do đó, chúng ta phải cung cấp những kiến thức chính đáng và mạnh mẽ cho trẻ.
Hiện nay, các bằng chứng đều chứng minh nếu trẻ được cung cấp kiến thức giáo dục giới tính chính đáng, lành mạnh thì độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục có thể được lùi lại tới một vài năm. Lý do là các con biết cách từ chối những lần quan hệ tình dục mình không đồng thuận, biết từ chối khi chưa sẵn sàng.
Có một tỷ lệ lớn trẻ vị thành niên, đặc biệt là các bé gái không thực sự sẵn sàng trong những lần quan hệ tình dục đầu tiên. Các con rơi vào hoàn cảnh vì thấy nể, ngại với bạn trai nên không dám từ chối và trót quan hệ tình dục. Nếu trẻ đã được giáo dục, các con sẽ sẵn sàng từ chối khi gặp tình huống này, vì các con hiểu quyền toàn diện trên cơ thể của chính mình.
Bên cạnh đó, tất cả công trình nghiên cứu đều chứng minh việc giáo dục giới tính, cung cấp biện pháp tình dục an toàn sẽ giúp các con có một đời sống tình dục lành mạnh hơn và bảo vệ được cơ quan sinh sản.
Như vậy, điều đầu tiên là gia đình và thầy cô phải mở lòng, nhìn nhận đây là vấn đề bắt buộc chúng ta phải đối mặt. Hiện nay, nhiều phụ huynh chọn cách né tránh, nghĩ rằng khi lớn rồi con sẽ tự biết. Nhưng không phải cứ đến tuổi trưởng thành là con sẽ có kiến thức đúng về tình dục. Thay vào đó, chúng ta nên cung cấp kiến thức cho con càng sớm càng tốt để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Khi nhà trường, gia đình, xã hội cùng đồng thuận, có tiếng nói chung, chúng ta mới có thể cung cấp cho con trẻ một nền tảng giáo dục giới tính lành mạnh.
Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ con đã xảy ra quan hệ tình dục sớm và gặp những hệ lụy sức khỏe, phụ huynh cần xử lý như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng phụ huynh đừng chờ đến khi thấy hậu quả, hãy lên kịch bản đối mặt với việc này từ sớm. Hãy giả định và chuẩn bị sẵn, nếu con có thai thì mình phải làm gì, lần đầu tiên biết con quan hệ tình dục thì ứng xử ra sao? Nhiều bố mẹ luôn nói với con rằng sẵn sàng lắng nghe con trong mọi trường hợp, nhưng chỉ cần phát hiện trẻ mắc một lỗi nhỏ đã lôi roi vọt ra răn đe. Như vậy, trẻ sẽ không dám chia sẻ với bố mẹ.
Nếu có chuyện xảy ra thật, các con mang thai ngoài ý muốn hay mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gia đình sẽ là nơi bấu víu duy nhất. Nhưng các con không bấu vào được hay sợ hãi không dám bấu víu thì bắt buộc phải tìm kiếm sự tư vấn từ xã hội. Mà ngoài xã hội cũng như trên internet luôn có quá nhiều thông tin không chính thống, sai lệch; có thể khiến các con cảm thấy không còn đường lui. Từ đó, trẻ rất dễ có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí đi tới con đường tự sát.
Tôi cho rằng phụ huynh phải lên kịch bản để dự phòng; tìm cách nói chuyện với con, dạy cho con hệ quả sẽ phải đối mặt và nếu gặp những tình huống như trên cần thông báo bố mẹ thế nào, thông báo với thầy cô ra sao. Đừng để tới khi xảy ra chuyện mới đẩy những cảm xúc tiêu cực, sự lo lắng của chúng ta lên con trẻ. Thời điểm đó, trẻ có thể đã quá rối bời, chỉ một vài phản ứng không ủng hộ của bố mẹ cũng khiến con ngay lập tức thu mình lại.
Về các chính sách liên quan tới vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ, bác sĩ có đề xuất, kiến nghị nào?
- Hiện nay, chúng ta chưa có khung chương trình, sách giáo khoa nào về giáo dục giới tính cho học sinh, từ bậc mầm non, tiểu học tới trung học hay đại học.
Chúng ta cần biết, trẻ nhỏ từ khi bắt đầu sinh ra cho đến tuổi 20 là hành trình trưởng thành về tính dục và hành trình này thay đổi theo thời gian, thay vì cố định. Bởi vậy, việc cung cấp nội dung giáo dục giới tính cần phù hợp với tốc độ phát triển của trẻ, thường phải sớm hơn so với từng giai đoạn phát triển. Ví dụ, thời điểm dậy thì sớm của các con là quanh quẩn 8-9 tuổi thì chúng ta nên cung cấp kiến thức về dậy thì từ những năm con 7 tuổi để khi gặp phải, trẻ không bỡ ngỡ, không bối rối.
So sánh với thế giới, các nước đã có rất nhiều khung chương trình giáo dục giới tính được kiểm định và chứng minh hiệu quả. Ví dụ, ở Hoa Kỳ đã có những chương trình triển khai từ năm 1950 đến nay, liên tục cải tiến theo từng năm.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế cần làm việc chung với nhau, mời các chuyên gia để bàn luận, sau đó viết ra khung chương trình giáo dục, khung sách giáo khoa phù hợp. Các thầy cô sẽ dựa vào đó để có thể cung cấp kiến thức học sinh, phù hợp với từng lứa tuổi.
Xin cảm ơn bác sĩ!