Trẻ nào cũng có tố chất để trở thành tài năng

(Dân trí) - Theo các chuyên gia sư phạm, bất cứ đứa trẻ nào cũng có tố chất để trở thành tài năng, chỉ khác là chúng có được khám phá và đánh thức để biến thành tố chất thực hay không mà thôi.

Sáng 22/3, tại Hà Nội, một buổi hội thảo về phương pháp dạy học giúp trẻ phát triển trí não ngay từ khi còn nhỏ đã được tổ chức. Buổi hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia sư phạm các hiệu trưởng trường học và đông đảo các bậc phụ huynh tại khu vực Hà Nội

Chia sẻ tại hội thảo, Thầy giáo Trần Phương - tác giả của hơn 30 đầu sách về toán học cho học sinh THPT và học sinh giỏi thi quốc gia, quốc tế cho biết, toán học là môn khoa học của tư duy logic, là nền tảng cho các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ phát triển. Vì thế các nước đều xem toán là môn quan trọng nhất ở bậc phổ thông.

Thầy Trần Phương chia sẻ phương pháp động trong dạy toán giúp trẻ phát triển tư duy vượt trội

Thầy Trần Phương chia sẻ phương pháp "động" trong dạy toán giúp trẻ phát triển tư duy vượt trội

Để phát triển trí thông minh thì cần dạy cho trẻ càng sớm càng tốt. Bất cứ đứa trẻ nào cũng có tố chất để trở thành tài năng, chỉ khác là chúng có được khám phá và đánh thức để biến thành tố chất thực hay không mà thôi.

Tuy nhiên, theo thầy giáo Trần Phương, bên cạnh các phương pháp dạy học thông thường mà trong quá trình biên soạn các bài giảng nên có tính tương tác với sự hỗ trợ của công nghệ, hay còn gọi là phương pháp “động” giúp đẩy nhanh quá trình phát triển tư duy

Một ví dụ đơn giản nhất là khi dạy phép đếm, giáo viên và phụ huynh thường dạy trẻ đếm các đồ vật xung quanh bằng ngón tay, ngón chân. Nhưng việc đếm các đồ vật tĩnh rồi lặp đi lặp lại thì tư duy không phát triển đáng kể.
 
Nhưng nếu ta cho trẻ xem clip có các trái bóng bay lên với sự ngẫu nhiên đa dạng, và hỏi các câu hỏi từ thấp lên cao tương ứng với một thuộc tính, hai thuộc tính. trẻ sẽ phát triển nhanh tư duy, vì đã kết hợp nhiều giác quan cùng một lúc.

Khi dạy trẻ làm các phép toán cộng trừ, có thể dùng hướng dẫn cụ thể bằng việc đặt các viên bi lên 2 cán cân sau đó cho trẻ đưa ra các lựa chọn để giúp hai bên thăng bằng bằng. Hoặc khi dạy về màu sắc, nên dùng các đoạn clip cho trẻ xem về màu sắc rồi mới đi tới các bài tập về tập tô đơn giản, nâng cao hơn là tô màu bản đồ thế giới…

Từ khoảng 5 - 6 tuổi trở lên bắt đầu có thể dạy trẻ giải bài toán có lời văn và có thể giải bằng hình thức nhẩm, suy diễn logic, hoặc diễn đạt theo quy tắc sơ đồ đoạn thẳng. Bản chất của việc giải toán bằng quy tắc vẽ sơ đồ đoạn thẳng cũng chính là giải phương trình, với quy ước ngầm định ẩn số là đoạn thẳng.

Thầy Trần Phương cũng gửi đến các phụ huynh và thầy, cô giáo có mặt một thông điệp rằng hãy cho trẻ phát triển toán học để đi sâu vào tất cả các ngành nghề của xã hội chứ không nên phát triển toán học thuần túy.

Cũng tại buổi hội thảo, thầy giáo Nguyễn Anh Đức – Tốt nghiệp Chương trình Lãnh đạo cao cấp, trường ĐH Kinh doanh Harvard (Mỹ), chia sẻ: "Khi trẻ được kích hoạt trí nhớ và học đúng cách thì sẽ nhanh nhớ và ứng dụng nhanh trong giao tiếp. Vì vậy cần tạo ra bối cảnh và môi trường cho trẻ học tiếng Anh như xem phim, cùng trò chuyện, chơi trò chơi với con".

Lê Tú